10 năm đắm đuối với nghề

GD&TĐ - 10 năm đứng trên bục giảng, cô Vũ Bích Phương – Trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã dành trọn nhiệt huyết mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, sáng tạo ở trong và ngoài nước vào dạy học.

Cô  Vũ Bích Phương (thứ hai từ trái sang) tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại châu Âu.
Cô Vũ Bích Phương (thứ hai từ trái sang) tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại châu Âu.

Với cô, sự tin yêu của HS và phụ huynh chính là động lực to lớn để phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”.

Những dự án vì cộng đồng

Không chỉ là GV chủ nhiệm có nhiều sáng kiến hay trong công tác quản lý lớp, cô Vũ Bích Phương còn dành tâm huyết, sáng tạo cho “Dự án ứng phó biến đổi khí hậu - mô hình dạy và học định hướng phát triển bền vững”. Đây là công trình mà cô cùng đồng nghiệp nghiên cứu và biên soạn, tạo kho tài nguyên trực tuyến từ xa về các bài học. Đồng thời là một sân chơi giao lưu và trao đổi của GV các cấp học, cũng như HS. Các thành viên có thể dạy và học trực tuyến thông qua tương tác trí tuệ nhân tạo. Phụ huynh HS cũng dễ dàng theo dõi, hỗ trợ và đồng hành cùng các em. 

Chia sẻ về công trình ấn tượng này, cô Bích Phương cho biết: Là GV dạy môn Sinh học, tôi quan tâm đến mảng ứng phó BĐKH, đây là chủ đề mang tính toàn cầu có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của mọi người. Mùa hè năm 2014, để có thể thực hiện được mong muốn này, cô đã dành nhiều thời gian soạn bài, lựa chọn các nội dung phù hợp và tìm hiểu về phương pháp dạy học dự án để triển khai “Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực” (giai đoạn đầu của Dự án ứng phó biến đổi khí hậu - mô hình dạy và học định hướng phát triển bền vững), hệ thống kiến thức Sinh học 6 cho HS trong hè và thực hiện các nhiệm vụ học tập tại nhà, tại nơi du lịch đồng thời quản lý qua hệ thống cổng thông tin Onenote. Tận dụng những khoảng thời gian trống trong mùa hè của HS, những nơi các em đi du lịch, những đặc điểm khí hậu vùng miền khác nhau các em đã trải nghiệm để có sự phân tích, đánh giá từ đó thay đổi nhận thức và có hành vi đúng với môi trường. Qua dự án, HS của cô trưởng thành hơn. Sản phẩm của các em cũng rất thiết thực và có sức lan tỏa đến cộng đồng. 

Với mô hình dạy học dự án đã thực hiện, cô Phương viết thành sáng kiến cũng như ghi chú lại những khó khăn hay lưu ý khi thực hiện dự án. Khi chia sẻ cách dạy học này trong cuộc thi “GV sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2015” do Bộ GD&ĐT tổ chức, cô đoạt giải Nhất và được chọn là một trong năm GV tiêu biểu tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu tại châu Âu. Trở về sau diễn đàn, cô tiếp tục tìm hiểu, hoàn thiện ý tưởng dạy học của mình và được TP Hà Nội trao tặng Bằng sáng kiến sáng tạo Thủ đô năm 2016. 

Lan tỏa phương pháp dạy học sáng tạo

Cô Vũ Bích Phương cùng HS tham gia dự án Chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực.
Cô  Vũ Bích Phương cùng HS tham gia dự án Chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực.

Để có thể lan tỏa mô hình dạy học nói trên, năm 2017, cô Vũ Bích Phương với một số GV trên địa bàn TP xây dựng trang web: “ungphobiendoikhihau.edu.vn” với chủ đề Ứng phó biến đổi khí hậu - mô hình dạy và học định hướng phát triển bền vững; Hệ thống lại kiến thức theo các chủ đề chính để đưa vào dạy theo hoạt động tiết học tăng cường hay CLB. Sau đó, nhóm nghiên cứu nội dung dạy học của các khối từ lớp 1 - 12, xây dựng hệ thống kiến thức môn liên quan đến chủ đề của trang web.

Trong khi thực hiện, các thành viên đã kết hợp, trao đổi với GV có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp trong từng cấp học tại các trường... cùng với chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. Sau khi trao đổi ý tưởng với GV các môn, nhóm đã xây dựng giáo án, lên các phương án hướng dẫn HS thực hiện một số dự án theo phương pháp nghiên cứu khoa học, hoạt động độc lập. Bên cạnh đó, định hướng mọi người hoạt động qua: Email, Facebook, điện thoại, Onenote, Skype... Không chỉ dừng lại trong khuôn khổ một số nhà trường, phương pháp giảng dạy này còn lan tỏa đến các trường trong TP Hà Nội để giúp HS hình thành những hành động, thói quen tốt. 

Cô Bích Phương cho biết: Từ dự án này tôi có thể triển khai nhiều kiến thức song song với môn Sinh học, đồng thời hoàn thiện kỹ năng của HS. “Đi sâu tìm hiểu, tôi càng có nhiều ý tưởng cũng như mong ước cho HS của mình có thể đột phá về khoa học kỹ thuật giúp tìm ra vật liệu mới: Thay thế nhựa, những máy lọc khí và quy trình phân loại rác tại Việt Nam. Tôi mong muốn có thể tạo ra một thế hệ trẻ quan tâm đến những vấn đề môi trường, có nhận thức nghiêm túc về những gì đang diễn ra với trái đất, từ đó thay đổi thói quen và có hành động thiết thực. Dự án đã mở ra các kho tài nguyên trực tuyến về lý thuyết, khái niệm, kỹ năng dạy học, soạn giáo án, quy trình dạy học chủ đề giáo dục, bảo vệ môi trường dành cho GV. Điều thú vị của dự án chính là có những đoạn video do HS tự làm về các chủ điểm cuộc sống quanh ta, nhận thức của các em về việc bảo vệ môi trường như: “Tác dụng xua muỗi từ sả”, “Hãy cùng chúng em bảo vệ bầu khí quyển Trái đất”... 

Không chỉ say nghiên cứu, là GV chủ nhiệm, cô Vũ Bích Phương luôn trăn trở làm thế nào để hoàn thành tốt vai trò của mình. Do đó, cô tự học hỏi, đúc kết kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm để viết sáng kiến và áp dụng về bộ sổ chủ nhiệm giúp HS nâng cao tính tự quản trên phần mềm Onenote. Với ý tưởng từ sổ chấm chéo tự quản của một GV trong trường, cô đã xây dựng lại hệ thống sổ chấm chéo có thang điểm chi tiết và có điểm cộng khuyến khích. 

Theo cô Phương, trong năm đầu chủ nhiệm, cô thấy việc hướng dẫn HS tự quản bằng sổ chấm chéo vừa kích thích tinh thần cố gắng của từng em, vừa có tính khách quan và có sự công bằng trong việc đánh giá, đồng thời phụ huynh HS cũng nắm được cụ thể tình hình của con trong từng tiết học. 

Cô Lê Thị Thúy Nga – Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng cho biết: Là GV trẻ, hai con còn nhỏ nhưng cô Vũ Bích Phương rất nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Vừa là GV chủ nhiệm vừa là GV dạy bộ môn, trong vai trò nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cô chính là tấm gương sáng lan tỏa tình yêu nghề, sự say mê học tập, sáng tạo đến các đồng nghiệp trong trường.

Mặc dù con đường đến với thành công không trải đầy hoa hồng nhưng chính sự khó khăn, vất vả của những năm tháng rèn luyện bản thân đã cho tôi cơ hội được cống hiến để càng thấu hiểu, trân trọng và yêu hơn nghề giáo. Cô Vũ Bích Phương 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ