Có một thực tế phũ phàng với nhiều Millennial: tiết kiệm hay tích lũy tài chính luôn là vấn đề nan giải giữa muôn vàn nhu cầu trong cuộc sống hiện đại bởi chủ nghĩa tiêu thụ chỉ trực chờ câu kéo chúng ta vào việc mua sắm và tiêu dùng.
Nếu còn đang băn khoăn bạn có thể làm gì để bắt đầu tiết kiệm tiền, hãy thử làm theo 10 mẹo dưới đây.
1. Nếu có thể, đừng sử dụng credit card
Credit card luôn được quảng cáo như một giải pháp tài chính, nhưng trên thực tế, đây lại là gánh nặng tài chính đáng kể và là vấn đề của rất nhiều Millennial.
Một nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc sử dụng credit card khiến bạn mua sắm vô tội vạ hơn bởi cách thức trả tiền bằng credit card có thể đánh lừa bộ não của bạn. Trong khi đó, việc tiêu xài bằng tiền mặt sẽ mang lại cảm giác mất mát rõ ràng.
Rõ ràng credit card mang đến nhiều thuận tiện, cho đến khi bạn phải đối mặt với món nợ ngân hàng hàng tháng. Một mẹo khác là bạn có thể sử dụng debit card thay vì credit card, bởi bạn vẫn có thể sử dụng thẻ trong giao dịch (nếu bạn quan tâm đến mức độ tiện lợi của nó) nhưng sẽ chỉ trong khả năng chi trả của bạn.
Ít nhất, bạn sẽ không phải nơm nớp lo lắng với một khoản nợ không đáng có.
2. Quy tắc 50-30-20
Cố vấn tài chính nổi tiếng thế giới Sallie L. Krawcheck đưa ra một lời khuyên rất hữu ích cho những ai muốn học cách quản lý chi tiêu, bao gồm việc dành ra 50% khoản tiền bạn kiếm được cho các nhu cầu thiết yếu (điện nước, tiền nhà, nhu yếu phẩm, thực phẩm, phương tiện, vân vân), 30% cho những thứ bạn "muốn" (những điều khiến bạn vui như du lịch, xem phim, v.v.), và 20% để cho bạn trong tương lai (tiết kiệm, đầu tư hay trả nợ).
Quy tắc này có thể không dễ đạt được, nhưng bạn có thể thay đổi một chút cho phù hợp với cuộc sống của mình.
3. Đầu tư
Hãy đầu tư, dù chỉ là một khoản rất nhỏ mỗi ngày. Một số người đầu tư bằng việc kinh doanh homestay, quán cafe, bất động sản. Một khoản đầu tư cũng quan trọng không kém là đầu tư vào chính bản thân mình – sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.
Đừng vì tiếc một khoản tiền mà bạn bỏ bê cơ thể hay cảm xúc của mình, bởi bạn sẽ không muốn cuối cùng phải trả một khoản lớn hơn cả khi sức khỏe tụt dốc.
Bạn có thể đầu tư với bất cứ điều gì, miễn là hãy nắm bắt cơ hội và bạn sẽ bất ngờ với khả năng của chính mình đấy.
4. Tạo ra "quỹ khẩn cấp" cho riêng mình
Một khi đã có một khoản tiết kiệm nhất định (thường là ít nhất 3-6 tháng chi phí sinh hoạt) gửi ngân hàng, bên cạnh khoản 20% mỗi tháng bạn dành cho "tương lai" cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với những gì bạn có thể hình dung.
Bạn có thể muốn nghỉ việc bất cứ lúc nào, hay chỉ đơn giản là cần một khoản tiền khẩn cấp, việc có sẵn tiền dành riêng cho việc giúp bạn vận hành dù cuộc sống có thay đổi theo ngã rẽ như thế nào là cách thông minh nhất bạn có thể làm.
5. Trò chuyện với bạn bè hay đồng nghiệp về vấn đề tài chính
Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng phụ nữ thường thà nói về cái chết còn hơn về tiền bạc. Trên thực tế, chủ đề tiền bạc thường được coi là vấn đề riêng tư, tuy nhiên, cởi mở hơn với chủ đề này có thể mang lại nhiều lợi ích hơn bạn tưởng, nhất là với đồng nghiệp.
Bởi những cuộc trò chuyện này sẽ giúp bạn nhận ra giá trị của mình trong công việc bạn làm, bạn sẽ có ý niệm rõ ràng hơn về khoản tiền lương bạn muốn nhận được khi đi xin việc hay khi được thăng chức.
Một số cuộc trò chuyện cũng là khởi nguồn của những cách tiết kiệm tiền nơi bạn có thể mua cùng một món đồ với giá rẻ hơn...
6. Dùng app tài chính
Nếu bạn gặp rắc rối trong việc bắt đầu tiết kiệm hay chỉ đơn giản là không giỏi chút nào trong khoản tính toán, hãy thử các ứng dụng điện thoại có thể giúp bạn theo sát kế hoạch chi tiêu và những khoản chi tiêu của bạn.
Những ứng dụng nổi tiếng như Saving 2 (dùng màu sắc thể hiện khoản chi tiêu của bạn) hay My Weekly Budget (giúp bạn đặt ra mục tiêu tài chính trong cả tuần) đều hữu ích trong việc khiến bạn ý thức việc tiêu xài của mình đồng thời tránh việc quá đà hay vượt ngoài kế hoạch tài chính bạn đặt ra cho tuần/tháng/năm.
7. Chờ 24 giờ trước khi bạn quyết định chi tiền cho một thứ gì đó
Không thể phủ nhận có rất nhiều món đồ chúng ta muốn mua và chúng nằm trong khả năng chi trả của bạn. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu chúng có quan trọng, có cần thiết không, hay bạn chỉ muốn sở hữu chúng ở thời điểm nhất thời đó.
Quy tắc 24 giờ là lời khuyên hữu ích cho những khoảnh khắc như vậy, đừng mua sắm vội món đồ bạn rất thích. Thay vào đó, hãy quay trở về nhà.
Nếu sau 24 giờ bạn vẫn muốn có nó hay cần phải có nó, bạn có thể quay trở lại để mua món đồ đó. Quy tắc đơn giản này giúp nhiều người nhận ra động lực thực sự của họ với món đồ họ thích, từ đó, quyết định mua sắm trở nên thông minh hơn.
8. Viết ra một shopping list trước khi đi mua sắm
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cách này sẽ giúp bạn tránh khỏi việc lượn lờ quá lâu trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay trung tâm thương mại.
Nó không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian, mà còn tập trung vào những nhu yếu phẩm bạn cần ở thời điểm đó thay vì mua sắm những thứ bạn không cần đến, hay đã có ở nhà nhưng bạn quên mất sự tồn tại của chúng.
9. Đừng lãng phí những đồng tiền lẻ
Cách tiết kiệm xưa như trái đất, nhưng không phải ai cũng biết hay muốn áp dụng. Những món tiền lẻ có sẵn sẽ giúp bạn trả vé gửi xe, vé xe bus, vé tàu, thay vì việc bạn sẽ phải đổi tờ tiền mệnh giá lớn hơn.
Hãy nhớ rằng khi có những khoản tiền nhỏ hơn, bạn sẽ có xu hướng mua sắm nhiều hơn là mang tờ tiền mệnh giá lớn. Thêm nữa, bạn sẽ không thích việc phải chạy đi chạy lại đổi tiền, nhất là khi đang vội vàng đúng không?
10. Tận dụng coupon, mã giảm giá, apps mua sắm
Nhờ mã giảm giá trên apps Grab, bạn đã có thể tiết kiệm một khoản kha khá cho việc di chuyển. Tương tự như vậy, hiện nay rất nhiều app kết hợp ví điện tử đều cung cấp cho người dùng mã giảm giá, đi kèm với rất nhiều tiện ích.
Bạn sẽ ngạc nhiên với số tiền mình có thể tiết kiệm được khi đi ăn uống, mua sắm đấy! Coupon cũng là một cách hay ho để giúp bạn tiết kiệm một khoản nhất định.
Đừng ngại mang theo bên mình những tờ coupon như vậy, bởi bạn sẽ không biết khi nào mình cần đến chúng đâu.