Năm 2020 đi qua với nhiều thách thức, Ngành Y tế TPHCM đã có nhiều hoạt động mang tính chủ động vừa đảm bảo tuân thủ các chính sách, quy định pháp luật, vừa hướng đến quyền được chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày một tốt hơn.
Dưới đây là 10 hoạt động nổi bật trong số rất nhiều hoạt động đã được triển khai của ngành Y tế TP.HCM trong năm 2020 vừa được Sở Y tế TP.HCM công bố.
1. Triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố với quyết tâm cao trong phát hiện, xét nghiệm chẩn đoán, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch.
2. Huy động nguồn lực sẵn có của các bệnh viện hình thành nên các khu cách ly điều trị, xây dựng bệnh viện dã chiến phát huy hiệu quả trong công tác cách ly điều trị người được xác định hoặc nghi nhiễm COVID-19.
3. Hướng dẫn, kiểm tra đánh giá sự tuân thủ bộ tiêu chí do Bộ Y tế ban hành về bệnh viện an toàn và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
4. Tiếp nhận và tổ chức lại tất cả bệnh viện và trung tâm y tế bệnh viện quận, huyện về Sở Y tế quản lý. Số đơn vị trực thuộc Sở Y tế hiện nay tổng cộng là 81 đơn vị (tăng thêm 42 đơn vị so với năm 2019) và tổng số nhân lực y tế công lập hiện nay là 41.866 người (tăng 13.118 người), đồng thời Sở Y tế đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các Quyết định bổ nhiệm Ban Giám đốc các đơn vị này để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác điều hành hoạt động.
5. Nhiều công trình xây dựng mới của các bệnh viện thành phố đi vào hoạt động và tiếp tục được khởi công, tỷ lệ giải ngân ước đạt trên 95%.
Trong năm 2020, có 07 công trình đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 1.285 tỷ đồng. Các dự án tiếp tục được thi công trong năm 2020 (chuyển tiếp của năm 2019) với tổng mức đầu tư 9.152 tỷ đồng.
6. Triển khai khảo sát trải nghiệm của người bệnh nội trú tại tất cả bệnh viện công lập và tư nhân. Nhìn chung đa số người bệnh có mức độ đánh giá đánh giá khá tích cực về trải nghiệm mà họ đã trải qua tại các bệnh viện tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa các bệnh viện tư nhân so với bệnh viện công lập.
Cụ thể, điểm đánh giá tổng thể trung bình các bệnh viện tuyến thành phố là 8,60, bệnh viện quận huyện là 8,28 trong khi điểm đánh giá tổng thể các bệnh viện ngoài công lập cao hơn 8,83. Khi so sánh tiêu chí về người bệnh cam kết sẽ quay trở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị thì bệnh viện tuyến tư nhân có tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là khối bệnh viện thành phố và sau đó là khối quận huyện.
7. Triển khai chuyển đổi số công tác quản lý nguồn nhân lực và công tác thẩm định cấp phép danh mục kỹ thuật. Năm 2019, Sở Y tế đã chủ động xây dựng phần mềm Quản lý nhân lực Y tế. Tính đến ngày 31/12/2020, đã có hơn 40.000 dữ liệu về nhân viên y tế của ngành y tế thành phố đã được nhập liệu, mã hóa, đưa vào hệ thống quản lý và đóng góp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố.
Năm 2020 Sở Y tế tiến hành xây dựng phần mềm Quản lý Danh mục kỹ thuật. Tính đến ngày 31/12/2020, hệ thống đã ghi nhận 417.019 danh mục kỹ thuật của 114 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế.
8. Triển khai thử nghiệm trung tâm điều hành tại Sở Y tế: Tháng 2/2020, Sở Y tế chính thức vận hành thí điểm Trung tâm điều hành y tế tại Sở Y tế, tích hợp, kết nối tổng hợp số liệu tại các phòng ban, các đơn vị trực thuộc thu thập dữ liệu đưa ra các chỉ số báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, điều hành.
Khi trung tâm điều hành được vận hành hoàn chỉnh trên cơ sở nguồn dữ liệu lớn chắc chắn sẽ giúp Sở Y tế chủ động hơn trong công tác dự báo, điều hành một cách chính xác và kịp thời, công tác cải cách hành chính của ngành y tế sẽ hiệu quả hơn.
9. Triển khai hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế cấp độ 3, 4. Đến nay 100% (115/115) thủ tục hành chính công của Sở Y tế được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến ở mức độ 3 và 4.
10. Phát huy hiệu quả của ứng dụng “Y tế trực tuyến”, là công cụ phản ánh thông tin của người dân trực tiếp đến Sở Y tế.