(GD&TĐ) – Gần đây, người ta nói về ngày tận thế sẽ xảy ra vào năm 2012 và đây được coi là viễn cảnh tận thế được nhiều người quan tâm nhất. Hãy cùng xem xét một số sự thật và viễn tưởng đằng sau sự kiện này.
1. Sự xâm lấn của người ngoài hành tinh và các chính phủ đã khẳng định về sự liên lạc của người ngoài Trái đất.
Sự xâm lấn của người ngoài hành tinh đã trở thành chủ đề của những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn. Những nhân chứng chỉ ra rằng số người chứng kiến UFO xuất hiện ngày càng tăng với những hình ảnh đã được ghi lại cho thấy nguy cơ trên đang tăng lên.
Bằng chứng: Những hình ảnh, đoạn video chứng minh các chính phủ trên thế giới đã theo dõi hoạt động của UFO trong hơn 50 năm nay. Nhưng liệu chúng ta có bị những người lạ từ hành tinh khác này thâu tóm vào năm 2012?
Nguy cơ: 0,1/10
2. Va chạm với hành tinh khác
Hàng ngàn trang web và các diễn đàn cho rằng khoảng đầu thế kỷ 21, một hành tinh chưa từng được phát hiện sẽ va chạm hoặc bay rất gần Trái đất, phá hủy nền văn minh hoặc gây ra một chấn động lớn.
Bằng chứng: Rất ít. Khoảng năm 2005, Nasa tuyên bố rằng một hành tinh thứ 10 đã được phát hiện ngoài rìa của hệ Mặt trời và nhiều người nghĩ rằng nó sẽ sượt qua trái đất vào năm 2012. Tuy nhiên hành tinh thứ 10 này gần như chắc chắn không chuyển động vào bên trong hệ mặt trời. Hơn thế nữa, các nhà thiên văn học nói rằng, giả sử có một hành tinh nào đang tiến đến và va vào Trái đất vào năm 2012 thì chắc hẳn họ đã nhìn thấy và thậm chí là bằng mắt thường!
Nguy cơ xảy ra: 0,2/10
3. Thảm họa từ Mặt trời
Đây là một trong vài viễn cảnh ngày tận thế có liên quan đến sự kết thúc của lịch Maya, cuốn lịch có thể dựa trên khoa học. Trong viễn cảnh này, một cơn bão lửa mặt trời lớn hoặc sự bùng khí từ mặt trời vào tháng 12 năm 2012 sẽ gây ra phá hủy lớn đối với Trái đất và hệ sinh thái. Tuy nhiên chưa có bằng chứng về sự kiện này xảy ra trong quá khứ.
Bằng chứng: Có thể có một vài liên hệ giữa chu kỳ 11 năm của mặt trời và chu kỳ thời gian có trong lịch của người Maya mặc dù bằng chứng này không thuyết phục lắm. Tuy nhiên, lửa mặt trời có thể gây ra các vấn đề khiến các vệ tinh bị hỏng, làm những du hành gia không được bảo vệ bị thương và gây mất điện, tuy nhiên nó không đủ mạnh để phá hủy Trái đất, và chắc chắn là không phải năm 2012. Trong tương lai xa, khi mặt trời hết nhiên liệu, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng nó sẽ trở thành một hành tinh đỏ và nhận chìm Trái đất. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ xảy ra không sớm hơn 5 tỉ năm nữa. Năm ngoái, một người Maya cao tuổi đã bóc trần tuyên bố trên và cho rằng thời gian sẽ “không hết” vào tháng 12 năm 2012. Các nhà khoa học Nasa cũng nói rằng thế giới sẽ không kết thúc vào ngày 21.12.2012.
Nguy cơ xảy ra: 0,3/10
4. Cực Trái đất dịch chuyển
Nhiều người tin vào ngày tận thế cho rằng sự đảo ngược cực của Trái đất sắp diễn ra và nó sẽ khiến hành tinh nào đảo lộn, khiến các sự kiện hủy diệt diễn ra. Họ chỉ vào bằng chứng về những dịch chuyển trục Trái đất trước đây và cho rằng sự đảo lộn này có thể được tính bằng cách nghiên cứu vị trí Mặt trời hay học thuyết từ trường. Nhiều người cho rằng người Maya và Ai Cập cổ đã khám phá ra bằng chứng về cực Trái đất bị đảo lộn trong tương lai và những bí mật đó ngày nay đã bị chính phủ các nước che giấu.
Bằng chứng: Các nhà khoa học tại trường ĐH Princeton và ĐH Paul Sabatier ở Pháp chỉ ra rằng Trái đất đã tự cân bằng lại cách đây 800 triệu năm. Họ đã nghiên cứu các khoáng chất có từ trường trong đá trầm tích ở Na Uy và thấy rằng cực bắc đã dịch chuyển hơn 50 độ trong vòng dưới 20 triệu năm.
Các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng những chuyển động theo mùa ở cả 2 khu vực thuộc cực trái đất có ảnh hưởng đến định vị của các cực, nhưng các nhà khoa học và những người nói về ngày tận thế khác nhau rất nhiều về thời gian có nguy cơ xảy ra việc dịch chuyển cực Trái đất. Những người tin vào ngày tận thế cho rằng một sự dịch chuyển như vậy có thể xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, các nhà địa chất lại cho rằng nó có thể xảy ra trong khoảng 1 triệu năm nữa.
Nguy cơ: 1/10
5. Siêu núi lửa
Một siêu núi lửa phun trào có thể lớn hơn bất kỳ sự phun trào nào của núi lửa trong lịch sử hiện đại. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này sẽ xảy ra khi nham thạch trào lên bề mặt Trái đất nhưng có thể không vỡ ra được. Do đó, có thể một vùng diện tích mặt đất sẽ bị phá hủy khi nham thạch phun lên trời, mà có người cho rằng, sẽ phun hàng tấn đất đá và khí ga độc vào khí quyển. Điều này khiến thế giới rơi vào trạng thái kỷ băng hà hay tồi tệ hơn, nó quét sạch sự sống ở nhiều nơi, hoặc tất cả trên khắp hành tinh.
Bằng chứng: Hầu hết những lo ngại về năm 2012 và các trung tâm siêu núi lửa ở vùng được gọi là miệng núi lửa dưới công viên Yellowstone của Mỹ. Những hình ảnh vệ tinh trong vòng vài năm qua cho thấy chuyển động của đá tan chảy dưới bề mặt Trái đất 16km.
Không ai biết chắc miệng núi lửa này có phun hay không và nếu có thì khi nào.
Nguy cơ: 1/10.
6. Thế chiến thứ III
Sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc năm 1945, đã có cuộc đua vũ khí hạt nhân giữa các nước phương Đông và phương Tây. Việc phát minh ra các thiết bị hydrogen (nhiệt nguyên tử), càng làm tăng tốc cuộc đua lên đỉnh điểm năm 1962 trong suốt cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khi thế giới gần đến với một cuộc bắn phá hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Liên Xô cũ.
Việc chế tạo vũ khí hạt nhân tiếp tục diễn ra trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, khi Liên Xô cũ sụp đổ thì nguy cơ về cuộc chiến tranh hạt nhân bất ngờ xảy ra đã không còn nữa. Một số người tin rằng “trò chơi chiến tranh” mới sẽ là Hàn Quốc và Triều Tiên.
Bằng chứng: Ngày nay, nỗi sợ hãi về trung tâm trao đổi hạt nhân nhằm vào sự phát triển của Trung Quốc và phản ứng của Mỹ, đồng thời là khả năng chiến tranh giữa Ấn Độ, Pakistan hoặc Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ leo thang lên thành những cuộc xung đột toàn cầu.
Nguy cơ: 1,5/10
7. Khủng bố quy mô lớn
Kể từ khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11.9.2001 với số người chết lên gần 3.000 người, người ta sợ hãi về al Qaeda hoặc mạng lưới khủng bố khác có được vũ khí hủy diệt lớn và tiến hành những đợt tấn công hóa học, sinh học… Nguy hiểm hơn, có nhiều giả thuyết còn cho rằng việc lên kế hoạch và thực hiện vụ khủng bố 11.9 do những phần tử lừa đảo trong chính quyền Mỹ. Nhiều nước châu Âu như Pháp, Anh đã phải trải qua vài lần thót tim vì nguy cơ bị đánh bom..
Bằng Chứng: Trùm khủng bố Osama bin Laden đã tuyên bố vài năm trước rằng tổ chức của ônta có một số thiết bị hạt nhân nhưng chỉ là “đánh chặn”. Thế nhưng chưa có bằng chứng cho thấy al-Qaeda giữ vũ khí hạt nhân. Một số nỗ lực đánh bom của khủng bố ở Anh đều thất bại. Tuy nhiên, mối lo lắng hiện nhằm vào sự bất ổn của Pakistan – một đất nước có trang bị hạt nhân và người ta sợ rằng al-Qaeda hay Taliban có thể lật đổ chính quyền và nắm trong tay loại vũ khí này.
8. Việc sản xuất dầu mỏ đạt mức cao nhất.
Học thuyết sản xuất dầu mỏ đạt mức cao nhất (peak oil) tập trung quanh cung và cầu cho rằng cầu sẽ vượt quá cung. Một số người cho rằng điều này đã xảy ra, trong khi một số người khác nghĩ rằng nó sẽ xảy ra vào khoảng thời gian từ nay đến năm 2012. Một số trang web về ngày tận thế liên hệ sự kiện sản xuất dầu ở mức cao nhất với điểm chấm dứt lịch của người Maya năm 2012. Nhu cầu về dầu vượt quá cung cấp sẽ tạo ra những hậu quả lớn trên thế giới vì hầu hết các nền kinh tế đều vận hành bằng dầu.
Bằng chứng: Đỉnh điểm sản xuất dầu đương nhiên là đang đến gần, nhưng có 2 vấn đề được đưa ra: khi nào nó xảy ra và thế giới có kịp tạo ra nguồn nhiên liệu thay thế kịp hay không?
Nguy cơ: 4/10.
9. Hiện tượng vỡ đàn ong mật
Hơn 1/3 tổ ong thương mại ở Mỹ bị mất do sự kiện rối loạn đàn ong vào mùa đông năm 2008. Hội chứng khiến tất cả các con ong thợ trong đàn chết đột ngột này khiến ong chúa chỉ còn một mình trong chiếc khung rỗng. Tình trạng này đã lây lan sang một số nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Một số nguyên nhân đã được đưa ra như do một số thuốc trừ sâu nhất định, một loại virus cấp của Israel, thay đổi khí hậu, trạm phát điện thoại di động…tuy nhiên không nguyên nhân nào được chứng minh là thủ phạm.
Hiện cũng chưa có giải pháp nào cho hiện tượng trên trong khi nó đang lây lan ra một số nơi khác, dễ trở thành dịch toàn cầu và dẫn đến sự tuyệt chủng của loài ong mật.
Bằng chứng: Ngoài việc mất đi những vụ thu hoạch từ ong, việc không có ong mật, một số cánh đồng quan trọng với con người cũng có thể bị giảm sút đi như đậu, bông, một số loại lạc, nho, táo và hướng dương – nguồn dầu thực vật lớn của thế giới. Nếu loài ong này tuyệt chủng, thì nạn đói, bạo lực, cướp bóc có thể diễn ra theo.
Nguy cơ: 7/10.
10. Môi trường suy sụp.
Con người đang được coi là nguyên nhân chính tạo nên hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Bằng chứng: Một vài nhà khoa học tranh cãi rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng trong vòng ít nhất một thiên niên kỷ nay. Viện nghiên cứu Goddard về các vấn đề về không gian của Nasa ở New York, Mỹ cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn tăng lên 0,8 độ C kể từ năm 1880 khi nhiệt độ được ghi lại.
Nguy cơ: 7/10
Phương Hà (Theo Telegraph)