Tôi không phải là một chuyên gia về nuôi dạy con, một nhà tâm lý học hay một bác sĩ nhi khoa. Nhưng tôi là một bà mẹ của 3 đứa con và một trong số chúng sẽ thành người lớn vào tuần này.
Tôi đã đọc rất nhiều sách hướng dẫn nuôi dạy con, tuyệt vọng tìm câu trả lời cho các vấn đề mình gặp phải. Nhưng rồi tôi hiểu ra một điều rằng hầu hết các lời khuyên ấy đều rất nhàm chán.
Trong nhiều năm, tôi đã tự mình khám phá về cách nuôi dạy con cái. Và sau đây là những lời khuyên thực tế mà không chuyên gia nào cho bạn biết:
Bạn không cần phải ghi lại mọi phút giây
Đôi khi bạn nên cho phép mình tận hưởng buổi trình diễn ở trường, một trận bóng hay một bữa tiệc sinh nhật mà không bị gánh nặng phải quay phim, ghi hình lại.
Ngoài ra, bạn nên quay lại những khoảnh khắc đời thường, chẳng hạn như khi con chơi đùa hay trò chuyện với ông bà. Những khoảnh khắc này, sau 20 năm nữa, sẽ có nhiều ý nghĩa với bạn hơn đoạn video con đứng cùng 100 đứa trẻ khác biểu diễn trước trường.
Không tình nguyện trong những tháng bận rộn
Đừng làm vậy nếu bạn không muốn mình ngập ngụa trong công việc và không thể hoàn thiện bất cứ việc nào.
Coi chừng những tiền lệ
Một khi bạn mua cho đứa con cả chiếc điện thoại di động vào năm lớp 5, đến khi đứa con thứ của bạn lên lớp 5, chắc chắn con sẽ đòi được hưởng quyền lợi như anh mình.
Do đó, đừng tạo ra những tiền lệ mà bạn nghĩ là không nên áp dụng cho các con mình. Nên lập ra những tiền lệ đúng đắn và hợp lý, như vậy sẽ dễ dàng để các con tuân theo sau này.
Không có bạn, con vẫn có thể xoay sở
Các bậc cha mẹ bận rộn đôi lúc sẽ bỏ lỡ những khoảnh khắc trong cuộc sống của con, nhưng tin tôi đi, con bạn sẽ ổn thôi. Trong thực tế, việc đó sẽ giúp con nhận ra rằng chúng có thể làm nhiều việc dù bạn không ở bên.
Đừng tốn tiền cho những buổi đi chơi lãng phí
Trẻ nhỏ hiếm khi nhớ được những buổi đi chơi, cho dù bạn có chi tiêu cho buổi đi chơi phung phí đến mức nào. Vậy thì sao bạn phải tốn tiền cho những dịp như vậy?
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không bao giờ đưa con đến những khu vui chơi như Disneyland, chỉ là bạn nên hạn chế hoặc biến những chuyến đi trở nên thực sự thú vị.
Kết bạn với bố mẹ của bạn con
Điều này vừa giúp bạn tăng thêm các mối quan hệ xã hội, vừa tạo cơ hội cho con vui chơi với bạn bè. Tuyệt vời hơn cả là khi con bạn lớn lên, đặc biệt là khi chúng ở độ tuổi teen, bạn sẽ có một đồng minh quý giá.
Tuy nhiên, đừng bó hẹp chỉ quan hệ với bố mẹ của bạn con. Hãy ra ngoài kia tận hưởng và bạn sẽ tìm được không ít người bạn đáng quý.
Đừng hứa suông
Hãy chờ đến khi bạn chắc chắn 100% rằng mình có thể thực hiện lời hứa trước khi bạn hứa điều gì đó với con. Trẻ em thường khó thoát khỏi cảm giác thất vọng. Do đó, kể cả khi bạn có lý do hợp lý, điều duy nhất mà con hiểu là bạn đã không thực hiện lời hứa.
Đừng biến mọi mong ước của con thành sự thực
Trẻ cần học cách đối mặt với những thất vọng mà chúng không thể tránh khỏi. Tôi biết điều này rất khó khăn, nhưng nếu bạn luôn đặt nhu cầu của con lên hàng đầu, vậy tức là bạn đang chuẩn bị cho con một cuộc sống đầy sự thất vọng.
Bởi thế giới ngoài kia đâu thể luôn theo ý muốn của chúng. Bạn nên dạy con ngay từ khi còn nhỏ rằng trong cuộc sống bạn phải cho đi thì mới có thể nhận lại. Một ngày nào đó, chúng sẽ trở thành một người bạn, một người chồng và một người cha tốt hơn nhờ vào điều này.
Ghi lại những điều đáng yêu mà con nói ra
Hãy viết những điều này vào một quyển vở hoặc ghi lại một file trên máy tính của bạn. Đó cũng là một cách giúp bạn lưu giữ thời thơ ấu của con. Sẽ có lúc nào đó, bạn đọc lại những lời con nói ra và bật cười.
Đừng đánh giá các bậc cha mẹ khác
Khi một đứa trẻ mắc lỗi, người ta rất dễ phán xét bố mẹ của đứa trẻ đó. Nhưng nên nhớ, cha mẹ nào cũng có lúc gặp phải tình huống như vậy. Vì vậy, đừng đánh giá các bậc cha mẹ khác, không thì đến một ngày nào đó, bạn sẽ hối tiếc và ước gì những người khác nhìn mình với con mắt cảm thông hơn.