10 điều nên nhớ khi có người thân bị trầm cảm

GD&TĐ - Khi người thân của bạn rơi vào trầm cảm và không thể tự vực dậy tinh thần thì bạn sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để giúp đỡ họ.

10 điều nên nhớ khi có người thân bị trầm cảm
Nên làm gì khi thấy người mình thương yêu tự cô lập mình, cảm thấy giá trị bản thân thấp và mất động lực sống? Có cách nào để tiếp cận và động viên họ vượt qua giai đoạn trầm cảm này?
Bài viết này dành cho bạn, người đang đồng hành cùng người thân đang trầm cảm, mong rằng những điều sau sẽ giúp bạn.
1. Bạn không thể san sẻ hết gánh nặng tinh thần cho họ
Trong chặng đường cùng người bạn thương yêu thoát khỏi trầm cảm, bạn sẽ nhận thấy mình đôi lúc bất lực, không cách nào giúp họ vượt qua những rối loạn cảm xúc nơi họ dù bạn có dành bao nhiêu thời gian, quan tâm và chăm sóc. Đó là sự thật, việc chữa lành những thương tổn bên trong của một người không nên hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Có câu “Cần sự chung tay của cả làng trong việc nuôi dạy một đứa trẻ” (It takes a village to raise a child) thì tương tự cần có nhiều phương pháp kết hợp để hỗ trợ người bị trầm cảm. Đó có thể là một cộng đồng đáng tin cậy, các hội nhóm , tổ chức, các diễn đàn chia sẻ về trầm cảm, bạn bè đồng nghiệp, gia đình và nhất là các bác sĩ, chuyên gia trị liệu tâm lý. Và đừng quên bản thân bạn cũng nên tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần nhé.
2. Trầm cảm không khiến người thân của bạn trở thành một người khác
10 điều nên nhớ khi có người thân bị trầm cảm ảnh 1
Trầm cảm giống như ta giảm âm lượng của loa xuống, nhưng bản nhạc được phát ra vẫn không hề thay đổi, chỉ là âm thanh trở nên nhỏ hơn mà thôi. Người đang bị trầm cảm cũng vẫn là chính họ. Hãy tin rằng họ sẽ hồi phục mỗi ngày, nạp lại năng lượng, động lực và quan trọng nhất là hoàn thiện tính cách của mình
3. Hãy nhớ chăm sóc cho bản thân mình
Chăm sóc hay sống cùng người đang trầm cảm có thể ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần của bạn. Bạn hãy nhớ rằng việc bạn chăm sóc, yêu thương bản thân mình không phải là hành động ích kỷ. Giữ cho mình một không gian riêng tư tốt cho chính bạn và người ấy nữa. Theo sát người trầm cảm có khi sẽ có tác dụng ngược với mong muốn của bạn.Vả lại, khi bạn thương yêu bản thân , bạn cũng gợi ý cách thương yêu bản thân cho người đang trầm cảm.
4. Hãy kiên nhẫn
Tùy thuộc vào mức độ và loại trầm cảm, quá trình phục hồi theo đó sẽ cần nhiều thời gian tương ứng. Hãy luôn nhớ rằng người thân của bạn có thể đã cố vượt qua và thất bại nhiều lần bởi vì việc chữa lành sau trầm cảm cần nhiều nỗ lực và động lực rất lớn.
Chớ so sánh người thân của bạn với ai đó đang có những thay đổi tích cực dù cũng đang có vấn đề về sức khỏe tâm trí. Cho nên, hãy kiên nhẫn với người ấy và với quá trình phục hồi của họ. Nếu họ đang uống thuốc, trị liệu tâm lý thì hãy kiên nhẫn chờ đợi các biện pháp phát huy công dụng của nó nhé.
5. Tuân thủ và duy trì một lịch trình sinh hoạt ổn định, dễ đoán mỗi ngày
Trầm cảm có thể làm trì trệ và ảnh hưởng đến nhịp sống người thân của bạn và cả bạn nữa. Hãy thừa nhận sự thật này, nhưng hãy tìm cách để nó không áp đảo cuộc sống thường nhật của bạn.
Chúng ta vẫn có thể thực hiện ước mơ, mục tiêu và tham vọng trong khi dành thời gian để ở bên cạnh người mình yêu thương. Khi thiết kế một lịch trình tuần tự theo thói quen, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày thật sự sẽ diễn ra ổn định hơn. Sự ổn định là thứ mà người thân của bạn cần khi họ cảm thấy như đang bị cuốn theo cảm xúc.
6. Nhận biết các tác động gián tiếp
Khi người thân của bạn được chẩn đoán hoặc bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm, bạn cũng nên ngẫm lại xem trong chính bạn có những dấu hiệu sau:
- Cảm giác buồn, muốn khóc, trống rỗng hoặc vô vọng
- Những cơn giận dữ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, cáu kỉnh, hay thất vọng thậm chí vì chuyện nhỏ nhặt
- Mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết hoặc tất cả các hoạt động bình thường, chẳng hạn như trong đời sống hôn nhân – tình dục , sở thích cá nhân hoặc thể thao
- Rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng, cảm thấy như cần nỗ lực rất nhiều dù là những việc dễ dàng, đơn lẻ nhất
- Thay đổi khẩu vị như giảm cảm giác thèm ăn và giảm cân, hoặc tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân
- Lo lắng, kích động hoặc bồn chồn
- Mọi chuyển động cơ thể, nói năng suy nghĩ đều trở nên chậm chạp
- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, cố sửa chữa những thất bại trong quá khứ hoặc tự trách mình vì những điều không thuộc phạm vi kiểm soát của mình
- Luôn có nhiều suy nghĩ hỗn độn, khó tập trung, đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ
- Thường suy nghĩ về cái chết, có ý định tự tử hoặc cố gắng tự tử
- Các vấn đề về thể chất không giải thích được, chẳng hạn như đau lưng hoặc đau đầu
Nếu bạn đang trải nghiệm bất kỳ những dấu hiệu trên, hãy nhớ rằng người chăm sóc người bị trầm cảm cũng có thể bị tác động gián tiếp bởi trầm cảm, được hình thành qua quá trình đồng cảm. Chúng ta kết nối chặt chẽ với người thân yêu đến mức có lúc ta cũng cảm thấy chán nản hay trầm cảm. Làm thế nào mới tốt cho cả hai?
Hãy duy trì việc tự chăm sóc bản thân mỗi ngày, luôn nhắc bản thân phải nhận biết những dấu hiệu của trầm cảm và dành thời gian nghỉ ngơi cũng như cân bằng cảm xúc, suy nghĩ của mình. Nếu bạn cảm thấy khó khăn, cân nhắc việc tìm kiếm một nhà tư vấn tâm lý nếu cần.
7. Gặp gỡ các chuyên gia về sức khỏe tâm thần
10 điều nên nhớ khi có người thân bị trầm cảm ảnh 2
Các chuyên gia là những người được đào tạo về các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng có thể giúp những người mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Là người có chuyên môn về trầm cảm, họ sẽ sử dụng liệu pháp mà họ cho là hiệu quả trong điều trị rối loạn.
Ngoài việc tư vấn, người được chẩn đoán trầm cảm có thể dùng thuốc theo chỉ định với sự theo dõi của bác sĩ tâm lý. Những cách điều trị này đạt được hiệu quả cao nhất khi kết hợp song song.
8.Trang bị kiến thức cho mình
Việc tìm tòi học hỏi và quan tâm đến bản chất của bệnh trầm cảm có thể giúp bạn và người thân của bạn. Đọc, nghiên cứu, tìm hiểu về nguyên nhân sâu xa gây bệnh trầm cảm, các triệu chứng thường gặp và phương pháp điều trị có thể được áp dụng. Một số nguyên nhân có thể là:
- Các sự kiện căng thẳng như cái chết của người thân, thất nghiệp, chấn thương thời thơ ấu, ly dị hoặc bạo lực gia đình
- Sống cùng với căn bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim hoặc ung thư
- Cha mẹ, anh chị em hoặc các thành viên khác trong gia đình có tiền sử trầm cảm
- Lạm dụng ma túy hoặc rượu
Tìm hiểu nguyên nhân có thể giúp bạn và các thành viên trong gia đình, hiểu được và từ đó có cách hỗ trợ phù hợp cho người thân đang trầm cảm của bạn.
Trầm cảm có thể được bắt nguồn từ một tình trạng y tế như suy giáp. Nếu người thân của bạn thuộc diện trên, họ cần gặp bác sĩ. Nếu họ bị trầm cảm do nghiện ma túy, họ có thể cần được kiểm tra tại một cơ sở điều trị nội trú hoặc ngoại trú. Nếu nguyên nhân là căng thẳng mãn tính, họ có thể cần được hỗ trợ bởi chuyên gia tư vấn tâm lý để cùng họ tìm cách quản lý căng thẳng hiệu quả.
Xác định nguyên nhân trầm cảm rất cần thiết và hữu ích trong điều trị.
9. Điều chỉnh kỳ vọng của bạn
Người thân yêu của bạn có thể không còn theo đuổi mục tiêu, động lực và đam mê mà họ có trước khi bị trầm cảm. Thế nên bạn sẽ cần phải điều chỉnh kỳ vọng của mình. Hãy làm quen với việc họ sẽ không thể giúp đỡ, quan tâm hay thể hiện tình yêu với bạn như trước kia.
Trầm cảm khiến con người dễ tức giận, cáu gắt vô cớ, có biểu hiện hay quên, lơ đãng và thờ ơ. Nếu bạn nhờ họ đi mua đồ, khả năng là họ sẽ trở về mà không mua được thứ bạn cần. Trong giao tiếp xã hội, có thể họ không còn giữ lối trò chuyện dí dỏm như trước. Nhưng đó chẳng phải lỗi của họ, hãy thông cảm và chấp nhận như họ đang là.
10. Đừng từ bỏ hy vọng
Sẽ thật không may nếu bạn mất hết hy vọng vì đây là lúc người thân của bạn cần bạn hơn bao giờ hết. Họ có thể vô vọng nhưng lại có thể được tiếp năng lượng tích cực từ niềm tin và lòng hy vọng của bạn. Phục hồi từ trầm cảm là có thể; rất nhiều người đều đang phục hồi và trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Dù phải mất rất nhiều công sức, sức kiên nhẫn, thử nghiệm và sai sót, điều trị và hỗ trợ, nhưng bất cứ ai cũng có trong mình khả năng tự chữa lành và phục hồi. Mỗi người có cách chữa lành khác nhau nhưng hãy tin tưởng quá trình chữa lành đang diễn ra và thực sự có thể.
Mong rằng 10 điều gợi ý trên có thể bổ sung thêm phần nào kiến thức về trầm cảm để tiếp thêm cho bạn sức mạnh tinh thần, củng cố lòng cảm thông và thấu hiểu đối với người thân yêu của mình. Có thể bạn cảm thấy trầm cảm đã thay đổi người thân yêu của bạn nhưng thật ra không phải vậy.
Phục hồi quả không phải là việc một sớm một chiều như thi chạy nước rút, đó là một cuộc thi marathon đòi hỏi ý chí mạnh mẽ và bền bỉ theo thời gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ