Trường Đại học Sài Gòn kỉ niệm 50 năm ngày truyền thống

GD&TĐ - Trường Đại học Sài Gòn (SGU) vừa long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 50 năm ngày truyền thống (1972-2022) và 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. 

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM trao cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho Hiệu trưởng nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM trao cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho Hiệu trưởng nhà trường.

Tham dự lễ kỉ niệm có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành, đơn vị trên địa bàn TP. Gần 1.500 khách mời là đội ngũ thầy cô giáo, khách mời cùng các em sinh viên, học viên và cả học sinh của trường cũng tham dự.

Tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Nhà trường đã ôn lại truyền thống 50 năm của trường từ khi khai sinh Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam được thành lập ở Xa Mát (Tây Ninh) năm 1972 cho đến khi thành lập Trường ĐH Sài Gòn năm 2007 và trở thành cơ sở giáo dục ĐH công lập trực thuộc UBND TPHCM.

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Quân, trường có 44 đơn vị thuộc, trực thuộc. Đáng nói, đến thời điểm này, Trường ĐH Sài Gòn là trường duy nhất tại TPHCM có hệ thống trường thực hành hoàn chỉnh phục vụ cho công tác đào tạo giáo viên. Đó là Trường trung học Thực hành Sài Gòn (lớp 6 đến 12) và Trường tiểu học Thực hành đại học Sài Gòn.

TS Võ Văn Thật, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn nhận bằng khen của Thủ tướng.

TS Võ Văn Thật, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn nhận bằng khen của Thủ tướng.

Phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, 50 năm – một nửa thế kỷ vừa qua là chặng đường phấn đấu không ngừng nghỉ, một quá trình phát triển liên tục của nhà trường.

Vượt qua những khó khăn thử thách, từ mái trường này, hơn 70.000 kỹ sư, cử nhân; gần 3.000 thạc sĩ và tiến sĩ đã được đào tạo, trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và cả nước.

"Với truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sài Gòn sẽ tiếp tục phát triển và vươn xa, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ có uy tín, chất lượng của TP và cả nước. Từ đó góp phần tích cực trong việc thực hiện các chương trình đột phá đã được Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đề ra, cũng như công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Các thành tích đó đã minh chứng sự cần thiết về sự ra đời của một trường đại học đa ngành trực thuộc TPHCM” - bà Lệ nhấn mạnh.

Hai cá nhân của Nhà trường được nhận Huy hiệu TPHCM.

Hai cá nhân của Nhà trường được nhận Huy hiệu TPHCM.

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày truyền thống, Trường Đại học Sài Gòn đã vinh dự nhận Cờ Thi đua của Bộ GD&ĐT, Cờ truyền thống của UBND TPHCM. Về phía đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo, Nhà trường có 2 cá nhân được nhận Huy hiệu TPHCM; 10 tập thể và 30 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND TPHCM.

Đặc biệt, TS Võ Văn Thật, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn đã được Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác vận động thực hiện các chương trình hoạt động từ thiện xã hội liên tục nhiều năm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Một tiết mục văn nghệ của thầy cô và học sinh Nhà trường tại buổi lễ.

Một tiết mục văn nghệ của thầy cô và học sinh Nhà trường tại buổi lễ.

Trước yêu cầu của thời cuộc, tháng 2/1972, Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam được thành lập ở chiến khu Dương Minh Châu, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đây là trường sư phạm đầu tiên đào tạo cán bộ giáo dục ở vùng giải phóng lúc bấy giờ.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trường về tiếp quản Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn. Năm 1976, Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn được thành lập trên cơ sở Trường Sư phạm cấp II miền Nam. Cũng trong năm này, Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM được thành lập.

Trải qua 30 năm hoạt động, ngày 25/4/2007, Trường Đại học Sài Gòn chính thức được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM, là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc UBND TPHCM.

Từ một trường hình thành trong căn cứ địa cách mạng của Miền Nam, đến nay Trường ĐH Sài Gòn có 18 khoa đào tạo, một trường Trung học thực hành và một trường tiểu học thực hành, 13 phòng ban chức năng, 7 trung tâm, một ký túc xá, một trạm y tế và hai viện. Trường đang liên kết, hợp tác đào tạo với các trường đại học Áo, Anh..., có nhiều bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế.

Trường có 914 viên chức, người lao động, trong đó có 2 giáo sư, 37 phó giáo sư, 151 tiến sĩ. Hiện nhà trường đang đào tạo 5 ngành trình độ tiến sĩ, 12 ngành đào tạo thạc sĩ, 38 ngành đào tạo cử nhân chính quy, 12 ngành cử nhân vừa làm vừa học và nhiều chương trình bồi dưỡng... Trường hoàn thành và được công nhận kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục đại học từ năm 2017. Có 11 chương trình đạt chuẩn theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, 4 chương trình đạt chuẩn Đông Nam Á AUN-QA.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.