Vừa ra khỏi thang máy, đứa trẻ vùng khỏi tay mẹ. Người mẹ nói với theo: “Mẹ đi đây, con không đi theo là mẹ không thương đâu”.
Ở dưới sân, một người mẹ khác vừa đút cơm cho con vừa nói: “Con ăn nhanh đi nào, ăn nhanh mẹ mới thương”.
Rất nhiều trẻ nghĩ chúng bị ràng buộc bởi tình thương không điều kiện của cha mẹ. |
Có vẻ như tình thương yêu của cha mẹ dành cho con cần có “điều kiện” và cha mẹ đang đo đếm tình yêu thương với con qua từng hành vi ứng xử của con. Những câu nói cửa miệng như trên có vẻ là lời dọa dẫm “vô hại” trong suy nghĩ của nhiều cha mẹ.
Thế nhưng, nhiều nghiên cứu cho thấy những câu nói trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Cụ thể là trẻ cảm thấy cha mẹ đang yêu thương mình một cách có điều kiện. Nếu cư xử tốt, học tốt hoặc làm theo điều cha mẹ yêu cầu thì cha mẹ mới thương con, ngược lại thì không.
Trong những năm 1950, các nhà tâm lý, giáo dục ở Mỹ nhận thấy xu hướng “yêu con có điều kiện” chiếm ưu thế vì để đảm bảo sự vâng lời, quyền lực kiểm soát của cha mẹ và duy trì các giá trị, niềm tin chung cho xã hội.
Trẻ có khuynh hướng cố gắng học hành, cư xử đàng hoàng hơn để làm hài lòng cha mẹ. Dù vậy, xu hướng này cũng bộc lộ nhược điểm khi đứa trẻ bị giảm bớt khả năng độc lập và tự quyết khi trưởng thành.
Yêu con không điều kiện chẳng phải điều hay. |
Nghiên cứu của nhà tâm lý học Mỹ Edward L. Deci cùng các cộng sự từ năm 2004 tới gần đây đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi tình yêu có điều kiện có khuynh hướng không thích cha mẹ mình.
Tuy nhiên, mọi sự thay đổi vào những năm 1960, để phản ứng lại sự cứng nhắc trong giáo dục và lối sống nói chung ở xã hội Mỹ, xu hướng “yêu con không điều kiện”, “yêu con không giới hạn” đã xuất hiện.
Xu hướng này nhanh chóng được cổ vũ tới mức thái quá. Nhiều cha mẹ Mỹ bắt đầu lo ngại rằng, chính họ đang đánh mất dần sự ảnh hưởng đến con cái. Cha mẹ Mỹ vốn nghĩ, tình yêu bao la bất chấp cách cư xử, thành tích học tập, phẩm chất… của con cái sẽ mang đến cho con sự tự tin, trưởng thành và độc lập để sống hạnh phúc.
Thực tế hoàn toàn trái ngược, “tình yêu mù quáng”, thiếu dẫn dắt, định hướng khiến đứa trẻ trở nên kém tự tin, khuyến khích sự kém trưởng thành, ích kỷ, ưa đổ lỗi cho cha mẹ và không sẵn sàng cho cuộc sống của người trưởng thành.
Thậm chí, nhiều trường hợp trẻ được nuông chiều vô điều kiện còn trở thành tội phạm, sử dụng thuốc kích thích, trộm cắp… Như vậy, kiểu cha mẹ “yêu con có điều kiện” hay “không điều kiện” đều tiềm ẩn ưu và nhược điểm. Điều quan trọng là cha mẹ cần cân bằng giữa hai loại tình yêu này với con.
Thực chất, hầu hết cha mẹ đều yêu con một cách không điều kiện. Từ sâu thẳm trái tim mình, cha mẹ đều yêu con bất chấp con bị khiếm khuyết hay cư xử không như kỳ vọng.
Các nhà tâm lý, giáo dục sau cùng đã đưa ra lời khuyên rằng, cha mẹ nên tùy tình huống mà thể hiện tình yêu có điều kiện hay không điều kiện với con. Cha mẹ nên thể hiện tình yêu không điều kiện trong các tình huống con đang nỗ lực để đạt một thành tựu (học hành, công việc) nhất định.
“Yêu con không điều kiện” không đồng nghĩa với nuông chiều, mù quáng. |
Điều đó để tránh cho con khỏi sợ hãi và mất tự tin về năng lực bản thân. Ngược lại, khi con không trung thực, không quan tâm và tôn trọng… người khác thì cha mẹ cần tỏ thái độ không đồng tình, thậm chí sẵn sàng cho con thấy mình có thể “rút bớt tạm thời” tình yêu con.
Điều quan trọng là dù lúc “yêu có điều kiện” hay “không điều kiện” thì cha mẹ vẫn cần cung cấp đủ sự hướng dẫn, trợ giúp cho con, động viên khuyến khích, cho phép con được đưa ra quyết định, luôn giải thích lý do khi yêu cầu con làm điều gì đó.
“Yêu con không điều kiện” không đồng nghĩa với nuông chiều, mù quáng mà là tình yêu trong sự minh triết về giáo dục, thấu hiểu con, chấp nhận con, giúp đỡ con và không ngừng động viên để con từng bước trưởng thành.