Yêu cầu từ thực tiễn

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét lương của đội ngũ nhân viên trường học khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, nhân viên trường học được đề xuất hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 25% và khi được tuyển dụng mới, sau khi hoàn thành tập sự, được bổ nhiệm, xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng.

Nhân viên làm công tác hỗ trợ phục vụ (văn thư, tài chính kế toán, thư viện, thiết bị, thủ quỹ, công nghệ thông tin, y tế…) đóng vai trò quan trọng, góp phần vào sự thành công của mỗi nhà trường. Trong các công việc hỗ trợ phục vụ, có hỗ trợ trực tiếp công tác chuyên môn, dạy và học của nhà trường như: Thư viện, thiết bị thí nghiệm, công nghệ thông tin; một số việc hỗ trợ công tác quản lý, điều hành như: Văn thư, tài chính kế toán… Tất cả đều không thể thiếu và xem nhẹ.

Giữ vị trí, vai trò quan trọng là thế nhưng thời gian qua đời sống của đội ngũ nhân viên trường học hết sức khó khăn. Dù được bổ nhiệm xếp lương theo hạng chức danh nghề nghiệp quy định tại các thông tư; một số trường hợp được hưởng phụ cấp như nhân viên trong các ngành, lĩnh vực khác (thư viện, thiết bị, y tế, kế toán), nhưng nhìn chung, lương của nhân viên trường học vẫn rất thấp.

Một nhân viên thư viện có thâm niên trên 25 năm công tác ngậm ngùi cho biết: “Thật lâu, lâu lắm rồi, các chế độ tiền lương, phụ cấp của chúng tôi gần như không có gì thay đổi. Giáo viên được quan tâm phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên, thăng hạng… còn chúng tôi gần như là người bị lãng quên”.

Thực hiện Chương trình GDPT mới, cùng với chủ trương tinh giản biên chế, các trường phổ thông thực hiện định mức số lượng người làm việc là nhân viên trường học ít hơn số vị trí việc làm, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều. Nhân viên trường học phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác, như kế toán kiêm văn thư, y tế học đường kiêm thủ quỹ, nhân viên thiết bị kiêm phụ trách công nghệ thông tin...

Kế toán một trường THCS ở TP Pleiku, Gia Lai (đã xin nghỉ việc) cho biết mỗi tháng ông phải tính toán, chuyển lương, chế độ hơn 1 tỷ đồng cho giáo viên, nhân viên rồi thu các khoản tiền của 2 nghìn học sinh, phải kiêm nhiệm thêm việc kế toán trường khác. Nhiều hôm ông làm đến 7 - 8 giờ tối và liên tục di chuyển giữa 2 trường, nhưng mức lương chỉ 4,2 triệu đồng/tháng ở trường chính và 1,5 triệu đồng ở trường kiêm nhiệm.

Lương thấp, khối lượng công việc không tên ngày càng nhiều, đội ngũ nhân viên trường học oằn mình theo nghề. Nhiều người ngoài giờ phải bán hàng, trông trẻ, giao hàng, sửa chữa đồ gia dụng, nhận làm thêm sổ sách… để mưu sinh. Một số khác do áp lực cuộc sống quá khó khăn đã chia tay với ngành. Chỉ riêng vị trí kế toán, năm học 2022 - 2023 cả nước có hơn 1.400 nhân viên biên chế nghỉ việc, trong khi đó việc tuyển mới ở các trường rất khó khăn. Bộ GD&ĐT cũng nhận được nhiều đơn thư của nhân viên kế toán gửi các cấp đề nghị xem xét tăng lương.

Một đội ngũ nhân viên hỗ trợ, phục vụ tốt, toàn tâm toàn ý với công việc sẽ giúp các nhà trường hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh. Vì thế, đề xuất của Bộ GD&ĐT về chế độ ưu đãi cho nhân viên hỗ trợ, phục vụ không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn đời sống, tâm nguyện tha thiết của đội ngũ, mà còn bởi yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện.

Rất mong những đề xuất của Bộ sớm hiện thực hóa, để đội ngũ nhân viên trường học được cải thiện đời sống, yên tâm công tác, giúp các nhà trường thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.