Chế độ cho nhân viên trường học còn đó nhiều tâm tư

GD&TĐ - Dù đảm nhiệm khối lượng công việc lớn nhưng nhân viên trường học chịu nhiều thiệt thòi, lương và thu nhập còn thấp so với mặt bằng chung.

Nhân viên thư viện của trường học thuộc quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình
Nhân viên thư viện của trường học thuộc quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Thực tế này đòi hỏi cần có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ làm việc ở vị trí này.

Nhiều thiệt thòi

Hơn 11 năm làm nhân viên y tế tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ván (Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), cô Lộc Thị Lưu hưởng lương trung cấp, hệ số 2,86. Nếu tính cả phụ cấp vùng biên giới đặc biệt khó khăn, mỗi tháng cô thu nhập gần 8 triệu đồng. Ngoài công việc y tế học đường, cô Lưu kiêm nhiệm thêm việc hành chính, tạp vụ cho trường.

Không chỉ vậy, nhiều năm nay, cô Lưu phải đảm nhiệm công tác y tế học đường cho cả trường mầm non và tiểu học trên địa bàn xã. Khối lượng công việc lớn, nhiều việc “không tên” lại làm cho 3 trường nên ngày nào cô cũng đi làm từ 6 giờ sáng đến tối mới về.

“Nhiều hôm tôi phải ngủ lại trường để hoàn tất hồ sơ, sổ sách. Mỗi trường, có khoảng 3 - 5 đầu sổ để ghi chép các thông số, công việc”, cô Lưu phân trần và không khỏi chạnh lòng khi có hơn 11 năm gắn bó với vùng khó nhưng thu nhập vẫn chưa được 8 triệu đồng/tháng. Hiện, gia đình cô vẫn thuộc diện khó khăn.

Nhân viên trong trường là bộ phận không thể thiếu, cô H Bê La Niê - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ. Dù công tác trong ngành Giáo dục nhưng nhân viên thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư, bảo vệ… không được hưởng các chế độ đãi ngộ đặc biệt của ngành. Họ vất vả làm việc 8 giờ mỗi ngày để gồng gánh cuộc sống với đồng lương eo hẹp.

Cô H Bê La Niê cho hay, ở Trường Tiểu học Lê Lợi, bộ phận nhân viên - người công tác ít nhất cũng 12 năm, nhưng lương hơn 5 triệu/tháng, thu nhập thấp hơn công nhân. Nhân viên y tế được hưởng 20% phụ cấp ưu đãi ngành nên thu nhập cao hơn một chút. Riêng nhân viên kế toán, văn thư, thư viện, thiết bị, ngoài lương chính không được hưởng chế độ ưu đãi nào như giáo viên hoặc viên chức hành chính.

“Với đặc thù công việc, họ làm việc 8 tiếng/ngày nên không làm thêm được việc gì để có thêm thu nhập. Tình hình lạm phát gia tăng, hàng hóa đắt đỏ, do đó với mức lương hơn 5 triệu/tháng không đủ chi tiêu cho bản thân, nói gì đến việc nuôi con, chăm lo cho gia đình”, cô H Bê La Niê trăn trở.

Nói về thiệt thòi của nhân viên trường học, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi cho biết, bộ phận nhân viên được chuyển hạng và không biết khi nào thăng hạng. Như nhân viên thư viện, đang hưởng lương cao đẳng thì lại chuyển xuống hưởng lương trung cấp dù họ có bằng đại học. Khi chuyển hạng mức lương sẽ không thấp hơn lương đang hưởng, nhưng xét về việc nâng lương theo đúng lộ trình thì thiệt thòi rất nhiều...

Nhân viên y tế của Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) kiểm tra sức khỏe cho học sinh. Ảnh: gdtd.vn

Nhân viên y tế của Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) kiểm tra sức khỏe cho học sinh. Ảnh: gdtd.vn

Cải cách chính sách tiền lương

Từ thực tế đơn vị, cô H Bê La Niê mong các ban, ngành quan tâm hơn nữa đến bộ phận nhân viên trường học; đặc biệt chính sách tiền lương cho đội ngũ này bởi họ không có phụ cấp ưu đãi và thâm niên.

“Nguyện vọng của thầy cô là có chính sách hỗ trợ phần nào về 2 phụ cấp nêu trên để có thể yên tâm công tác. Cùng công tác trong một đơn vị mà thu nhập lại thấp hơn nhiều so với giáo viên nên phần nào ảnh hưởng đến tâm tư, chất lượng công việc của đội ngũ này”, ông Phạm Viết Phúc - quyền Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) cho hay.

Theo đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ), nhân viên trường học là bộ phận chỉ chiếm tỷ lệ ít hơn 10% biên chế một trường học. Tuy nhiên, họ đóng vai trò quan trọng trong sự vận hành và phát triển của đơn vị.

Từ thực tế, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị, Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng miền và theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng thời có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy - học trong giai đoạn hiện nay.

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) đề cập, nhân viên trường học có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức hoạt động dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, hiện lương của nhóm này còn thấp. Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi cải cách chính sách tiền lương mới, Bộ trưởng có giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận, đây là vấn đề thiết thực. Hiện có khoảng 150 nghìn viên chức làm nhiệm vụ hỗ trợ và phục vụ trong cơ sở giáo dục; trong đó có hơn 37.800 nhân viên kế toán. Thực chất chế độ lương với viên chức là nhân viên trường học còn thấp, chưa đảm bảo được mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, các địa phương cần tiến hành tổng rà soát lại toàn bộ nhân viên trường học. Ngoài ra, cần xem xét để có phương án rà soát, sắp xếp, đảm bảo đúng danh mục, vị trí việc làm, để chuẩn bị cho việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương với đối tượng này.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các nhân viên trường học là viên chức, không phải công chức nên không được hưởng phụ cấp công vụ 25%. Tới đây, cải cách chính sách tiền lương mới, có thể sẽ có thiệt thòi, trong khi đó nhiều đơn vị, địa phương cũng như các bộ, ngành chưa hướng dẫn để thực hiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp với nhóm này.

“Có những nhân viên kế toán, 10 năm nay là viên chức nhưng chưa được thi thăng hạng”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu thực trạng và đề nghị tiến hành rà soát, hướng dẫn để xét thăng hạng cho các nhân viên đang là viên chức trong trường học.

“Làm sao đảm bảo được điều kiện khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương thì có thể thực hiện xếp lương cho họ tốt hơn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh và cho biết, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét đối với một số đối tượng đặc thù, vì với nhân viên trường học, họ thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.