Yêu cầu tối thiểu

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư 01).

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí - là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.

Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 22/3/2024; trong đó quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian được bố trí diện tích và bàn ghế làm việc riêng biệt tại cơ sở giáo dục đại học, trong phòng chung hoặc riêng nhưng không ít hơn 6m2 cho mỗi người. Trường hợp áp dụng cho phân hiệu, số giảng viên toàn thời gian được lấy theo số liệu dùng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Quy định trên nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, tiêu chí 6m2 cho mỗi người không dễ thực hiện, nhất là với trường có diện tích nhỏ và ở trung tâm các thành phố lớn. Một số khác lại bày tỏ quan điểm, công việc chính của giảng viên là lên lớp giảng dạy nên cần chuẩn bị bài giảng tốt là được; do đó không nhất thiết phải quy định “cứng” diện tích về cơ sở vật chất cho giảng viên. Vì thế, quy định bố trí chỗ làm việc cho giảng viên cần thực hiện linh hoạt và tùy vào điều kiện thực tế mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Các ý kiến trên không phải không có lý, song cần được nhìn nhận trên toàn hệ thống. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Đã là tiêu chuẩn, tiêu chí thì định lượng càng rõ ràng, tường minh thì càng dễ thực hiện cũng như theo dõi, giám sát. Điều này khác với bộ tiêu chuẩn đánh giá kiểm định bao gồm các tiêu chí mang định tính và cần được phân tích, đánh giá bởi các chuyên gia.

Thứ nữa, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được sử dụng làm công cụ quản lý Nhà nước nên cần đảm bảo tính thống nhất trong việc tuân thủ các yêu cầu tối thiểu cho hoạt động giáo dục đại học trên toàn hệ thống. Đây cũng là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng và việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, từ khi dự thảo cho đến khi Chuẩn cơ sở giáo dục đại học chính thức được ban hành và có hiệu lực; chuyên gia, đại diện các trường đều nhận xét, phần lớn tiêu chí trong chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính hội nhập và đặc điểm thực tiễn tại Việt Nam; trong đó có tiêu chí về diện tích/giảng viên. Suy cho cùng, quy định trên cũng nhằm yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học thể hiện trách nhiệm, quan tâm chăm lo đến đội ngũ giảng viên; trên hết vì chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, đào tạo.

Nói như TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là những yêu cầu tối thiểu, được sử dụng làm công cụ quản lý Nhà nước trong việc xem xét điều kiện hoạt động và giám sát thường xuyên các điều kiện bảo đảm chất lượng cũng như kết quả hằng năm của các cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn này được xây dựng theo cách tiếp cận, nguyên lý “dựa trên quy tắc” với các chỉ số để đo lường, đánh giá các mặt hoạt động chính yếu của mỗi cơ sở giáo dục đại học hằng năm (với các tiêu chí theo các yêu cầu tối thiểu), định lượng phản ánh chức năng hoạt động chính của một cơ sở giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.