Yêu cầu cấp thiết

GD&TĐ - Đề kiểm tra là một trong những công cụ được dùng khá phổ biến để đánh giá kết quả học tập của học sinh (HS).

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngay từ năm 2010, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 8773/BGDĐT-GDTrH, trong đó hướng dẫn chi tiết về biên soạn đề kiểm tra với quy trình 6 bước: Xác định mục đích của đề kiểm tra; hình thức đề kiểm tra; thiết lập ma trận đề kiểm tra (bảng mô tả tiêu chí của đề kiểm tra); biên soạn câu hỏi theo ma trận; xây dựng hướng dẫn chấm (đáp án), thang điểm; xem xét lại việc biên soạn đề kiểm tra. Tại công văn này, việc xây dựng ma trận đề theo các mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) cũng được hướng dẫn cụ thể, sử dụng trong xây dựng đề thi tốt nghiệp hàng năm...

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và tổ chức tập huấn giáo viên (GV), cán bộ quản lý giáo dục với 54 mô-đun; trong đó mô-đun 3 về kiểm tra, đánh giá được triển khai tập huấn đại trà trên toàn quốc từ 2020 đến nay. Bên cạnh đó, các đợt tập huấn nâng cao năng lực ra đề kiểm tra định kỳ cho cán bộ quản lý, GV cốt cán cũng được tổ chức, giúp đội ngũ nắm  nguyên tắc chung, kỹ thuật, quy trình xây dựng ma trận đề kiểm tra định kỳ và thực hành, rèn kỹ năng ra đề kiểm tra định kỳ theo ma trận; được hướng dẫn biên soạn và xác định câu hỏi/bài tập theo bốn mức độ nhận thức; hướng dẫn cách phân bổ điểm, câu hỏi/bài tập phù hợp với tỷ lệ giữa các mạch kiến thức, nội dung theo 4 mức….

Có thể thấy, tăng cường năng lực ra đề kiểm tra cho đội ngũ GV đã được chú trọng và có kết quả. Tuy nhiên, đối với GV, ra đề vẫn là công việc khó và không phải ai cũng có thể thực hiện tốt. Có ý kiến cho rằng, năng lực ra đề kiểm tra đang là điểm yếu là một bộ phận GV phổ thông. Trên thực tế nhiều năm nay, những sai sót trong đề kiểm tra vẫn đâu đó xảy ra tại các nhà trường.

Khi nói về nội dung này, một chuyên gia cho rằng, căn nguyên chính là trong chương trình đào tạo GV thiếu học phần liên quan đến kiểm tra, đánh giá. GV cần phải thông thạo về kiểm tra, đánh giá thì lại không được đào tạo kỹ ở sư phạm - điều này dẫn tới những thiếu hụt dù thầy cô đã được tập huấn, bồi dưỡng. Mong mỏi của GV là tiếp tục được tập huấn sâu, kỹ về nội dung này. Đây là nhu cầu chính đáng, nhưng cùng với đó phải là nỗ lực của chính thầy cô trong đầu tư, đào sâu về chuyên môn, trong đó có kỹ năng ra đề kiểm tra.

Cũng nhấn mạnh lại rằng: Đánh giá kết quả học tập của HS cần sử dụng phối hợp nhiều công cụ, phương pháp và hình thức khác nhau. Đề kiểm tra chỉ là một trong những công cụ được dùng để đánh giá kết quả học tập của HS. Trước khi ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận đánh giá theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT bộc lộ một số hạn chế. Một trong số đó là nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm. Bài kiểm tra tập trung chủ yếu nhằm kiểm tra kiến thức, kỹ năng HS đã được học trong nhà trường (kỹ năng giải bài tập định tính, định lượng); đánh giá kỹ năng thực hành còn hạn chế.

Hình thức kiểm tra, đánh giá vẫn chủ yếu bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính… Do đó, nâng cao năng lực ra đề kiểm tra cho GV là cần thiết, nhưng chỉ là một phần. Để thực hiện hiệu quả đánh giá HS theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, thầy cô cần được tiếp tục hỗ trợ và tự nỗ lực để thực hiện tốt đa dạng, hài hòa các phương pháp đánh giá: Phương pháp quan sát, đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của HS; phương pháp vấn đáp và phương pháp kiểm tra viết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.