Người Tày, Nùng quan niệm rằng, những phụ nữ sau lập gia đình, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng. Chính vì vậy, cứ đến ngày mùng một tháng Giêng và ngày Rằm tháng Bảy hằng năm là dịp người phụ nữ cùng chồng, con sắm lễ vật trở về nhà bố mẹ đẻ, tự tay được chăm sóc cho cha mẹ của mình. Đây cũng là dịp chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ đã có công sinh thành nuôi dưỡng, chăm sóc con gái đến khi trưởng thành.
Thi đi cà kheo |
“Pay Tái” nghĩa là đi Tết nhà ngoại. Ngày hội này diễn ra trong vòng 1 ngày với hoạt động tái hiện, sân khấu hóa việc báo hiếu với bên nhà ngoại. Cứ đến ngày 14, 15 tháng 7 âm lịch, các gia đình dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn huyện Lục Yên lại tạm gác mọi công việc đồng áng để chuẩn bị ăn Tết rằm tháng Bảy. Mọi người trong gia đình quây quần làm bánh chuối, thịt vịt để cúng tổ tiên, chuẩn bị đồ lễ để "Pay Tái” nhà ngoại. Trong dịp này, người phụ nữ cùng người chồng sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà, tổ tiên trước khi về nhà ngoại. Cô con gái thường mang theo vịt, bánh chuối, rượu, để biếu bố mẹ, anh em họ hàng và mang theo chút bánh kẹo làm quà cho trẻ nhỏ.
Tại “Ngày hội Pay Tái” còn diễn ra các hoạt động thi: Gói bánh, đan Xoỏng mòn đựng đồ lễ “Pay Tái”, đánh quay, vá yến. Ngoài ra còn nhiều trò chơi dân gian khác như: Đẩy gậy, kéo co, ném còn, đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt. Cùng với đó, du khách đến với ngày hội còn được thăm quan, mua sắm tại gian hàng trưng bày sản phẩm của địa phương. Đến với xã Lâm Thượng người dân còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm leo núi, khám phá hang động, tắm suối mát...
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc được trình diễn |
Thông qua ngày hội còn nhằm khơi dậy, giữ gìn giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, Nùng nói riêng và các dân tộc khác nói chung. Đồng thời giáo dục con người về lòng biết ơn, hiếu nghĩa với cha, mẹ. Qua đó, tạo sự đoàn kết dân tộc, cổ vũ nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phòng trào thi đua yêu nước trong cộng đồng.