Yên Bái: Phá núi tìm đá quý vì tin đồn

GD&TĐ - Nghe nói có người đào được viên đá quý trị giá hàng tỷ đồng, hàng nghìn lượt người đã đổ xô lên bãi Bưởi, thôn Chính Quân, xã Liễu Đô của huyện Lục Yên (Yên Bái) để đào “mỏ” những mong sớm “đổi vận”. Tình hình càng nóng hơn trong 3 ngày gần đây khi có đến hàng trăm lượt người vẫn “lén lút” lặn lội vào chốn rừng thiêng.

Hàng trăm người đổ vào rừng đào bới tìm vận may
Hàng trăm người đổ vào rừng đào bới tìm vận may

Tin đồn thất thiệt

Ông Nguyễn Duy Hiếu, Chánh Văn phòng UBND huyện Lục Yên cho biết: Sự việc diễn ra tại địa phận xã Liễu Đô của huyện Lục Yên, khi nghe thông tin có người đào được viên đá quý trị giá hàng tỷ đồng. Rất đông người dân địa phương kéo nhau lên núi đào đá từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Ông Hiếu cũng phủ nhận thông tin có người tìm được viên đá quý “bạc tỷ” và cho rằng đó là tin đồn. Trước sự việc người dân khắp nơi dồn về Liễu Đô để đào đá quý, UBND huyện Lục Yên đã chỉ đạo cơ quan chức năng xuống cơ sở để vận động, tuyên truyền nhân dân trở về địa phương tiếp tục ổn định cuộc sống, sinh hoạt, tránh tình trạng tập trung đông người gây mất an ninh trật tự tại địa bàn.

Theo một nguồn tin của Báo GD&TĐ, tình trạng người dân lên núi đào đá xuất hiện từ giữa tháng 6/2019 khi có thông tin một người dân đã đào được viên đá quý to bằng ngón tay tại bãi Bưởi (một bãi đá mới được phát hiện), thôn Chính Quân, xã Liễu Đô. Sau khi mang viên đá về, người này đã bán với giá khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Từ thông tin trên, hàng nghìn lượt người dân đã bỏ ruộng đồng, kéo nhau lên bãi Bưởi để đào đá với giấc mộng đổi đời. Sau nhiều ngày đào, xới nhưng tất cả đều không có kết quả gì. Không ít người đã bỏ về trong nỗi thất vọng.

Vừa từ thực địa trở về, ông Nông Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Liễu Đô cho biết, tình trạng người dân tập trung đông nhất trong khoảng 3 ngày gần đây (ngày 5/7). Thời điểm này có đến hàng trăm người mỗi ngày kéo về khu bãi Bưởi. Còn trong hai ngày 7 và 8/7, khu vực này chỉ còn lác đác khoảng 70 người vẫn “âm thầm” đào bới. “Chỗ đấy cũng chỉ rộng chừng 3.000m2, là một cái khe bé và cũng chẳng còn đất để mà đào nữa”, ông Nông Đức Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, mặc dù chưa xác định danh tính của nhân vật được cho là đã đào được viên đá quý có trị giá hàng tỷ đồng như cư dân mạng đồn thổi, song cũng có thể có người tìm kiếm được vỉa đá trong đó có thành phần quý, hiếm nhưng giá trị thực tế không như người ta vẫn nghĩ. Ngoài ra, với quỹ đất nhỏ hẹp, sau thời gian lượng người dồn về đông đã đào, xới tung đất rừng lên mà không thấy kết quả như mong muốn nên đa số người dân đã chán nản bỏ về. “Nghe tin đồn nên cũng có rất nhiều người ở nơi khác đến. Họ ở các xã lân cận như: Mường Lai, Minh Tiến, Vĩnh Lạc và cả Thị Trấn Yên Thế. Đào bới chán, chẳng thấy gì nên họ cũng đi luôn”, ông Thắng cho biết thêm.

“Bãi chiến trường” tại một mỏ tự phát
“Bãi chiến trường” tại một mỏ tự phát 

Vận động nhân dân quay về

Hơn 30 năm trước, Lục Yên từng được biết đến là thủ phủ của đá quý. Cơn sốt đá đỏ diễn ra ở thời điểm đó đã gây biết bao hệ lụy.

Rời quân ngũ trở về Lục Yên sinh sống, ông Thắng còn nhớ như in thời mà vùng đất này được ví như một “vương quốc” đá quý. Người ta đồn rằng, sau mỗi cơn mưa rào, núi đồi ở Lục Yên trơ ra những vỉa đá quý như “nấm” mọc sau mưa. Những viên ruby có giá trị hàng chục nghìn đô la Mỹ được người dân tìm thấy rồi bán cho thương gia. Tin lành đồn xa, người Thái Lan đã nhanh chân tận dụng cơ hội đầu tư vào Lục Yên để khai thác đá quý. Còn nhân dân trong vùng thì đua nhau đổ dồn về Lục Yên như một “miền đất hứa” với khát vọng đổi đời.

“Thời đó tôi mới đi bộ đội về, thấy người ta rầm rộ kéo về khai thác. Anh cứ nghe cái bài hát “Anh đi tìm đá đỏ Quỳ Châu” thì anh sẽ thấy cảnh tượng nó y như thế. Có biết bao nhiêu người đã bỏ mạng vì đào sâu xuống lòng đất, rồi bị sập hầm. Nhiều người nghèo khó lên đấy rồi họ sát phạt nhau ghê lắm”, ông Thắng nhớ lại.

Chẳng biết đã có bao nhiêu người thực sự bước sang “trang mới”, chỉ biết rằng đã có không ít người bỏ lại thân xác chốn thâm sơn. Điều thấy rõ hơn cả là sau mỗi đợt “tổng động viên” thì các sườn núi vốn xanh tươi bỗng chốc trở lên hoang tàn thảm thiết.

Đó là câu chuyện của mấy mươi năm về trước. Còn mới ba ngày nay thôi, khi dòng người đổ dồn về bãi Bưởi thì tình hình ở xã Liễu Đô đã xáo trộn nhiều. Mỗi sớm tinh mơ, tất cả lực lượng chức năng của huyện như: Công an, kiểm lâm lại có mặt ở các chốt chặn, phối hợp với dân quân tự vệ và các đoàn thể xã để tuyên truyền vận động nhân dân quay trở về địa phương, tiếp tục việc đồng áng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.