Những phán quyết xung quanh giải Nobel hòa bình 2018

GD&TĐ - Năm 2018 đánh dấu những tiến bộ vượt bậc trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Từ chỗ trên bờ vực chiến tranh, 3 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cuộc gặp lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong-un, có vẻ như ngòi nổ chiến tranh đã được tháo dỡ. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên được đánh giá là sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2018. Vậy tại sao Donald Trump, Kim Jong-un và Moon Jae-in lại không được trao giải Nobel Hòa bình 2018?

Nadia Murad - người có tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016
Nadia Murad - người có tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016

Vinh danh những nỗ lực chống bạo lực tình dục

Ngày thứ Sáu (5/10), Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố giải Nobel Hòa bình thuộc về bác sĩ người Congo Denis Mukwege và cô Nadia Murad - người từng bị phiến quân IS bắt làm nô lệ tình dục đã lên tiếng vạch trần tội ác của IS. Theo Ủy ban Nobel Na Uy, Denis Mukwege và Nadia Murad được vinh danh vì “những nỗ lực nhằm ngăn chặn sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang”.

Denis Mukwege, 63 tuổi, là một bác sĩ phụ khoa người Congo, Giám đốc một bệnh viện chuyên hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của những vụ hãm hiếp băng đảng, vốn thường xuyên xảy ra trong nhiều thập kỷ nội chiến ở Zaire cũ. Về Denis Mukwege, các phương tiện truyền thông viết, ông “đã giúp hàng ngàn phụ nữ, một vài người trong số họ được giúp nhiều lần, đôi khi thực hiện hơn 10 ca mổ trong ngày làm việc 18 giờ của mình”.

Mukwege được coi là chuyên gia đương đại lớn nhất trong việc điều trị chấn thương phụ khoa. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng, từ Huân chương danh dự của Pháp đến Giải thưởng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, từ Giải thưởng Olof Palme đến Giải thưởng Liên minh châu Âu mang tên Sakharov.

Nadia Murad (25 tuổi) được biết đến như một nhà hoạt động nhân quyền ở Iraq, người đã “sống sót trong chế độ nô lệ tình dục IS” và giờ đây, cô đang làm việc “để thu hút sự chú ý đến các nạn nhân của bạo lực tình dục chiến tranh”. Hai năm trước, tạp chí Time đã đưa Nadia Murad vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2016.

Tại sao các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ không nhận được giải Nobel Hòa bình?

Vào đêm trước lễ công bố giải Nobel Hòa bình, các nhà cái và các nhà phân tích dự đoán rằng, giả năm nay sẽ được trao cho Triều Tiên, cho sự khởi đầu quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Các nhà cái có lý của họ bởi từ năm 2017, các vụ thử tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã đẩy bán đảo Triều Tiên vào miệng hố chiến tranh. Tuy nhiên, với những nỗ lực ngoại giao không biết mệt mỏi, bằng các cuộc đàm đạo giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, mối đe dọa chiến tranh đã bị đẩy lùi.

Không dừng lại ở đó, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên không ngừng được cải thiện. Trong hàng loạt những thỏa thuận quan trọng giữa hai miền Triều Tiên, nổi bật là thỏa thuận giải giáp vũ khí hạt nhân, dỡ bỏ các khu quân sự trên biên giới, tiến tới một cuộc họp quốc hội chung giữa hai miền.

Theo không ít các nhà phân tích, với những nỗ lực vượt bậc của mình, Donald Trump, Moon Jae-in và Kim Jong-un xứng đáng được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình trong năm nay.

Tuy nhiên, dưới con mắt của đa số các chính trị gia, các nhà phân tích châu Âu thì Donald Trump không xứng đáng với giải Nobel Hòa bình. Ông Dan Smith, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho rằng, trao giải Nobel Hòa bình cho ông Trump là “không phù hợp” vì Tổng thống Mỹ có những quan điểm “hết sức tiêu cực về các vấn đề hòa bình”. Ông Dan Smith đơn cử như việc Donald Trump rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hay thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Đối với những người Na Uy “tiến bộ”, Trump là hiện thân của tất cả những người da trắng hung hăng, sai lầm, là kẻ thù của phụ nữ, người Hồi giáo, người di cư và thiểu số.

Còn với Kim Jong-un và Moon Jae-in thì sao?

Đây là hai cái tên được giới cá cược châu Âu đặt nhiều kỳ vọng. Quả thật, Kim Jong-un và Moon Jae-in đã biết “khép lại quá khứ” để hướng tới tương lai tươi sáng cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Trải qua 3 cuộc gặp thượng đỉnh liên tiếp kể từ đầu năm 2018, với các thỏa thuận mang tính bước ngoặt, tuy hiệp định hòa bình giữa hai miền Triều Tiên chưa được ký kết nhưng nguy cơ chiến tranh đã bị đẩy lùi. Thậm chí người Triều tiên đã và đang mơ về một thời điểm có thể thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, Ủy ban Nobel lại không hoàn toàn nghĩ như vậy. Theo ông Dan Smith thì “còn hơi sớm để trao giải Nobel cho vấn đề này”. Trong suốt 46 năm qua (có 20 năm gián đoạn), các cuộc đàm phán liên Triều đã diễn ra định kỳ nhưng chưa có một ai trong số các nhà lãnh đạo của bán đảo được trao giải Nobel Hòa bình.

Trong con mắt của phương Tây, Kim Jong-un thực sự là một nhân vật khủng khiếp, cần đặt nhiều dấu hỏi sau cái tên ấy. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là người có những nỗ lực không ngừng không nghỉ để thuyết phục Donald Trump và Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán. Có thể khẳng định, thành công của 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua có sự đóng góp quan trọng của Moon Jae-in. Tuy nhiên, ông Moon vẫn chưa thuyết phục được Ủy ban Nobel Hòa bình.

Còn nhớ, trong thập niên 70 và 90, giải thưởng Nobel Hòa bình đã được trao cho các nhà lãnh đạo Palestine và Israel: Đầu tiên là Begin và Sadat, sau đó là Rabin và Arafat. Giải đã trao và giờ đây, quan hệ Israel - Palestine vẫn không khác trước là bao. Nói như thế để thấy, trao giải Nobel Hòa bình cho bán đảo Triều Tiên vào thời điểm này là hơi sớm.

Như vậy, Ủy ban Nobel đã quyết định nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ trong các cuộc xung đột quân sự. Tất nhiên, ai có thể tranh luận về mức độ nguy hiểm giữa hãm hiếp và bắn giết. Đây đều là những hành động hết sức tồi tệ, cần phải chống lại chúng.

Điều dễ hiểu là Ủy ban Nobel hoàn toàn có thể phản đối bạo lực đối với phụ nữ trong bất cứ năm nào. Còn đối với bác sĩ Denis Mukwegwe, việc trao giải Nobel Hòa bình cho ông vào năm 2009 là hợp lý hơn cả, bởi lúc đó ông trở nên nổi tiếng thế giới khi nhận được nhiều giải thưởng châu Âu và quốc tế. Nhưng trong năm 2009, vì một lý do nào đó, giải thưởng đã được trao cho một người đàn ông da đen khác - Barack Obama - người mới là tổng thống Hoa Kỳ chỉ một vài tháng, chưa có thời gian để làm bất cứ điều gì ngoài một vài bài phát biểu hào nhoáng. Rất có thể, bài học mang tên Barack Obama năm nào đã khiến Ủy ban Nobel Hòa bình phải thận trọng với Donald Trump hôm nay.

Chủ đề đấu tranh cho nữ quyền là một trong những vấn đề yêu thích của Ủy ban Nobel. Vào năm 2011, Ủy ban Nobel đã trao giải thưởng cho hai phụ nữ Liberia và Yemen “vì cuộc đấu tranh phi bạo lực cho quyền lợi và an toàn của phụ nữ và tham gia vào quá trình hòa bình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ