Ý tưởng mới cho công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2030

GD&TĐ - Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa tổ chức tham vấn đánh giá thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và đề cương chiến lược giai đoạn 2021 - 2030.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, từ khi chiến lược được ban hành năm 2012, bối cảnh thế giới và trong nước đã có những thay đổi. Trên thế giới, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế tiếp tục là chủ đạo; cạnh tranh diễn ra gay gắt.

Biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo; Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu. Ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi…

Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế được duy trì, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo vệ môi trường đã có một số chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách, pháp luật và hệ thống cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường từng bước được kiện toàn.

Nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, cộng đồng đã có chuyển biến mạnh mẽ. Chính phủ đề ra quan điểm không hy sinh môi trường lấy các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, nhiều mục tiêu đặt ra về bảo vệ môi trường chưa đạt được.

Môi trường tiếp tục bị ô nhiễm, suy thoái, điển hình là ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, gây tác động nặng nề tới môi trường và cuộc sống của nhân dân.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia rất quan trọng và cần thiết trước tình hình phát triển mới trên thế giới và đất nước, để đề ra những mục tiêu, định hướng cụ thể cho công tác này trong 10 năm tới.

Các chuyên gia cho rằng, đề cương Chiến lược bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2030 cần xác định quan điểm môi trường là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục rà soát thêm các số liệu, các chỉ tiêu để bảo đảm sự cập nhật và chính xác;

Chú ý tạo lập và phát triển “sân chơi” cho các hoạt động bảo vệ môi trường, đó là thị trường cho các hàng hóa và dịch vụ bảo vệ môi trường; nguồn lực tài nguyên cần được chú ý nhiều hơn, bao gồm cả từ phía Nhà nước và xã hội, trong đó nguồn ngoài Nhà nước được định hướng trở thành nguồn chủ yếu;

Cần nghiên cứu, xem xét các vấn đề đột phá cho bảo vệ môi trường trong 10 năm tới, bảo đảm Chiến lược giai đoạn mới khả thi, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ