Ngày 11/3, 13 đội tuyển với hơn 100 sinh viên ngành kỹ thuật đến từ nhiều trường đại học đã tham gia tranh tài tại cuộc thi “Từ sáng tạo đến khởi nghiệp: Mô phỏng kinh doanh” (MEP). Trong đó, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đoạt 2 giải nhất và ba.
Theo ban tổ chức, những kỹ sư trẻ tương lai có mặt để cùng tranh tài nhằm nhận được số vốn khởi nghiệp trị giá 1.000 USD. Sự hiểu biết kinh doanh được các sinh viên thể hiện đã minh chứng cho việc các kỹ sư có thể sử dụng các nguồn lực trên thị trường để mở rộng các dự án sáng tạo của mình thành các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu.
13 đội tranh tài đã phát triển các dự án đổi mới sáng tạo của họ trong chương trình EPICS. Khi mang những sản phẩm sáng tạo của mình tham gia chương trình Từ sáng tạo đến khởi nghiệp, các nhóm đã nâng tầm các dự án EPICS của mình thành các sản phẩm thực tiễn và bước đầu cho thấy được sức hút thị trường trong ngày hội Mô phỏng kinh doanh. Các sinh viên đã cho thấy các kỹ sư có thể sử dụng các nguồn lực trên thị trường để chứng minh rằng các sản phẩm ban đầu của họ có giá trị.
Sự kiện thuộc Dự án thúc đẩy hợp tác Trường Đại học – Doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ (BUILD-IT) tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Đại học Bang Arizona (ASU) và Chương trình STEM của Dow Việt Nam tổ chức cuộc thi theo phong cách gọi vốn đầu tư thường niên lần 3.
Thành phần Ban giám khảo đến từ Dow Việt Nam, Vườn ươm doanh nghiệp - Khu Công nghệ cao TPHCM, Công ty cổ phần Công nghệ TK 25 và Zone Startups Việt Nam đã chấm điểm sinh viên dựa trên mức độ đáp ứng nhu cầu thị trường của sản phẩm. Các giám khảo đã rất ấn tượng với phản hồi từ khách hàng, các chứng cứ về nhu cầu, và sự kiên trì các sinh viên đã thể hiện thông qua việc hoàn tất phần lớn cuộc thi qua các hoạt động trực tuyến.
Đội tuyển CTU Team 2, CTU Team 1 đến từ Trường Đại học Cần Thơ đoạt Giải nhất và Giải ba; Đội tuyển LHU Team 3 của Trường Đại học Lạc Hồng giành giải Nhì. Đây là những thiết kế nguyên mẫu về hệ thống quản lý nông trại, tái chế phụ phẩm nông nghiệp và công cụ hỗ trợ nông dân trồng xoài.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Phó Tổng Giám đốc Dow Việt Nam chia sẻ: “Tại Dow, chúng tôi đề cao cam kết sẽ truyền cảm hứng cho sinh viên trong việc kết hợp đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp để giải quyết các thách thức trong cộng đồng. Và chúng tôi thực hiện điều này một cách thiết thực để giúp các nhà sáng tạo trẻ từ việc phát triển ý tưởng, xây dựng nguyên mẫu đến giai đoạn cải tiến chiến lược tiếp thị để thương mại hóa và mở rộng quy mô sản phẩm. Chúng tôi tin chắc rằng ý tưởng ‘từ sáng tạo đến thị trường’ sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị lực lượng lao động trong tương lai để phát triển các giải pháp sáng tạo…”.
Quản lý trang trại bằng Wi-Fi
Dự án “Hệ thống quản lý trang trại” của đội CTU Team 2 đến từ Trường Đại học Cần Thơ đã đoạt Giải nhất. Với góc tiếp cận, hầu hết các hộ dân vẫn đang sử dụng các phương pháp tưới tiêu truyền thống, sử dụng hệ thống tưới tràn (sử dụng máy bơm có đường ống) hoặc nước thủ công trực tiếp, gây ra nhiều hạn chế. Đội CTU Team 2 muốn tạo ra một sản phẩm để tự động tưới cây trồng, có thể điều khiển từ xa cho hệ thống tưới tiêu qua Wi-Fi.
“Ngoài ra, thiết bị còn tích hợp với hệ thống tưới tiêu có sẵn trong trang trại của bạn và làm cho nó trở thành một hệ thống được quản lý thông qua điện thoại thông minh và internet. Thiết bị của chúng tôi thuận tiện, dễ sử dụng và đáng tin cậy: một hệ thống điều khiển tưới thông minh trên điện thoại rất dễ sử dụng và vận hành.Tiết kiệm chi phí chăm sóc cây trồng (tiết kiệm năng lượng, tiêu thụ nước, thời gian & công sức). Giúp nông dân hài lòng và đáp ứng nhu cầu của họ càng nhiều càng tốt, mang lại sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao…” - đại diện đội CTU Team 2 thông tin.
Tái chế phụ phẩm nông nghiệp
Nói nói về dự án ENRE (Environment Recycle) đạt Giải nhì, đội tuyển LHU Team 3 của Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) cho biết, đây là dự án tái chế các phụ phẩm nông nghiệp. Phụ phẩm sau khi thu hoạch sẽ được chế biến thành đồ dùng một lần, thay thế đồ nhựa dùng một lần trên thị trường.
“ENRE nghiên cứu và phát triển các loại máy sản xuất: có thể linh hoạt thay đổi khuôn để tạo thành sản phẩm, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng loại nguyên liệu. Các sản phẩm tạo ra như đĩa, ly,hộp đựng thức ăn… Nhằm tận dụng và tạo ra thêm giá trị phụ phẩm nông nghiệp với mục tiêu an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường. Dự án giúp nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam…” - đại diện đội LHU Team 3 thông tin.
Công cụ đeo bao cho xoài khỏi sâu bệnh
Giải ba thuộc về đội CTU Team 1 đến từ Trường Đại học Cần Thơ với dự án MBT. Theo diễn giải của đội CTU Team 1, MBT là công cụ hỗ trợ nông dân trồng xoài.
Trong quá trình bảo vệ xoài khỏi sâu bệnh, người dân phải sử dụng túi giấy chuyên dụng để bảo vệ và nâng cao chất lượng trái xoài từ khi còn nhỏ đến khi thu hoạch. Nhưng việc quấn trực tiếp mà không có dụng cụ ở những vị trí cao, hiểm trở là điều vô cùng nguy hiểm và khó khăn. Vì vậy, nhóm triển khai dự án MBT để giải quyết vấn đề này.
"MBT được phát triển dựa trên cử chỉ đeo bao xoài của người dân để dễ dàng sử dụng cho nhiều đối tượng. MBT hoạt động dựa trên chuyển động cơ học, không sử dụng điện nên có nhiều ưu điểm và giá thành hợp lý. Nhóm nghiên cứu tin rằng dự án sẽ giải quyết tốt nhất vấn đề hiện tại của người nông dân..." - đại diện đội CTU Team 1 thông tin.
“Dự án BUILD-IT và chính phủ Hoa Kỳ đã làm việc song song với các đối tác chính phủ - doanh nghiệp - nhà trường để khởi xướng các quan hệ đối tác công - tư nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong giáo dục đại học và xã hội Việt Nam. Khoa học, công nghệ và kỹ thuật là chìa khóa then chốt cho sự phát triển không ngừng cho nền kinh tế xã hội Việt Nam. Những chương trình như thế này đang góp phần nuôi dưỡng những tài năng trẻ triển vọng, thúc đẩy giáo dục khối ngành kỹ thuật vượt ra khỏi hành trình học tập nặng lý thuyết thông thường bằng cách dẫn dắt sinh viên tạo sản phẩm mới và đưa sáng tạo đó ra thị trường… ” - ông Alex Tatsis - Quyền Phó Tổng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM.