Cát sa mạc có nguồn gốc vũ trụ

GD&TĐ - Cát trên bãi biển và sa mạc có nguồn gốc ngoài Trái đất - đó là khẳng định của các nhà khoa học ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Cát sa mạc có nguồn gốc vũ trụ

Nhà vật lý thiên văn quá cố Carl Sagan (Mỹ) từng ví von rằng không chỉ chúng ta được tạo ra từ bụi sao; thành phần cơ bản của cát bình thường đã hình thành từ một nơi rất xa hành tinh chúng ta.

Điều này được khẳng định bởi các kết quả nghiên cứu mới nhất của nhóm các nhà khoa học ở NASA, do tiến sĩ Jeonghee Eho dẫn dắt. Theo các chuyên gia này, silic - thành phần chủ yếu của cát, đã xuất hiện trong các vụ nổ khổng lồ trong vũ trụ, chẳng hạn như vụ nổ siêu tân tinh (super nova).

Để bắt gặp silic, cụ thể hơn là silicon dioxide (thạch anh - SiO2), chúng ta chỉ cần nhìn ra xung quanh. Đây là hợp chất hóa học, hiện diện trong nhiều dạng đá trên Trái đất. Thạch anh được sử dụng trong chế tạo thủy tinh, bê tông, xây dựng đường sá …

Thạch anh cũng là thành phần chủ yếu của cát trên các bãi biển và sa mạc, được khai thác từ sông cho nhu cầu xây dựng… Cát cũng là nguyên liệu cơ bản để từ đó khai thác silic, nguyên liệu cần thiết cho sản xuất các máy móc hiện đại và các thiết bị điện tử.

Vỏ Trái đất bao gồm 60% silic. Các nghiên cứu từ hơn chục năm nay chứng tỏ silic là phổ biến trong vũ trụ. Tuy nhiên trải qua một thời gian dài, nguồn gốc của silic vẫn chưa rõ ràng. Để giải thích câu đố này, các nhà khoa học đã quan sát hai đám mây vật chất - phần còn lại của 2 siêu tân tinh được gọi là G54.1+3 và

Cassiopeia A. Chúng là tàn dư của những ngôi sao nặng hơn Mặt trời, bị suy sụp (từ đó có vụ nổ siêu tân tinh). Sử dụng kỹ thuật quang phổ học, các nhà thiên văn học đã phân tích thành phần hai siêu tân tinh này. Từ đó họ thấy trong thành phần siêu tân tinh có cát. Khác với các giả định trước đây, hạt cát vũ trụ không chỉ có hình cầu mà còn có hình bầu dục. Các nhà nghiên cứu không rõ vì sao các hạt cát vũ trụ có hình bầu dục như vậy.

Các nhà khoa học Mỹ đã so sánh các quan sát của họ với kết quả có được từ các đồng nghiệp ở Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), từ đó họ tiến hành tính khối lượng cát hình thành trong quá tình diễn ra 2 vũ nổ siêu tân tinh nói trên. Kết quả cho thấy, lượng cát do các siêu tân tinh sinh ra trong lịch sử vũ trụ là đủ lớn để chiếm một phần lớn bụi vũ trụ, trong đó có bụi mà từ đó hình thành nên Trái đất (hơn 4 tỷ năm trước).

“Các kết quả nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Jeonghe Rho dẫn dắt cho thấy, sau mỗi lần chúng ta nhìn qua cửa sổ, bước đi trên hè phố hay nhặt sỏi trên bãi biển, chúng ta đều tiếp xúc với vật chất còn sót lại sau những vụ nổ siêu tân tinh từ hàng tỷ năm về trước” - Đại diện của NASA cho biết.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ