Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM: Tất cả bệnh viện công lập cùng chống rác thải nhựa
Sở Y tế TPHCM có Công văn số 8256/SYT-NVY ngày 26/12/2018 về phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa” trong ngành Y tế.
Trong đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện “Xây dựng kế hoạch thực hiện Phong trào “Chống rác thải nhựa” tại đơn vị với mục tiêu: Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, hướng đến các sản phẩm thay thế dễ phân hủy;
Đồng thời tuyên truyền, vận động, kêu gọi cán bộ, công nhân, viên chức tại đơn vị cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Về kết quả thực hiện đợt 1 năm 2019, có 40 đơn vị triển khai các hoạt động hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa”, bao gồm: 28 bệnh viện, 1 trung tâm không giường bệnh và 11 trung tâm y tế quận/huyện.
Thời gian tới, Sở Y tế TPHCM sẽ tiếp tục kêu gọi, đôn đốc tất cả các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố cùng tham gia Phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Giám đốc Phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM): Từ 1/1/2020, không đấu thầu, mua sắm bao bì túi ni lông
Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 8 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, bao bì ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy chiếm một lượng rất lớn.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng Kế hoạch “Hạn chế sử dụng túi, bao bì ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy để góp phần bảo vệ môi trường”.
Kế hoạch được chia ra làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến hết năm 2019 sẽ hạn chế và tiến tới không sử dụng bao bì, túi ni lông và các sản phẩm làm từ nhựa khó phân hủy. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 1/1/2020 sẽ sử dụng 100% các sản phẩm làm từ nhựa dễ phân hủy và sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường trong toàn bệnh viện.
Cụ thể, Giám đốc bệnh viện đã giao Phòng Quản trị vật tư không đưa vào danh mục đấu thầu, mua sắm các loại bao bì, túi ni lông (ngoại trừ bao bì ni lông đựng rác theo quy định về thu gom rác của Bộ Y tế) để phát cho các khoa mà chuyển sang sử dụng các sản phẩm có công dụng tương đương nhưng được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường như: Bao bì giấy, túi giấy, túi vải…
Các nhà ăn thuộc quản lý của Công đoàn, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi… thay thế toàn bộ túi ni lông, ly nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp… làm từ vật liệu khó phân hủy bằng các vật liệu tương đương công năng nhưng dễ phân hủy và thân thiện với môi trường. Khoa Dược được yêu cầu dùng bao giấy, túi giấy, túi vải… để thực hiện cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
Bà Vũ Thị Thu Hiền - Quyền Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng: Tiến tới sử dụng túi giấy trong cấp phát thuốc
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, Giám đốc bệnh viện đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ công chức, viên chức không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có chủ trương loại bỏ hoàn toàn túi ni lông và thay thế bằng túi giấy trong cấp phát thuốc cho bệnh nhân; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh.
Tuy vậy, khó khăn của bệnh viện hiện nay là các chất thải nhựa chủ yếu nằm ở các vật tư y tế, danh mục mua sắm. Việc tiếp cận với những sản phẩm thân thiện với môi trường như về chủng loại mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các bệnh viện còn tùy vào nguồn lực và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Chẳng hạn như các chai dịch truyền nước, đạm chủ yếu là bằng nhựa, chứ chưa thể chuyển sang chai thủy tinh.