Y học sẽ làm gì thêm cho trái tim đau yếu?

GD&TĐ - Nếu ghép tim đã trở thành thường xuyên hơn sau 50 năm ca ghép tim người-người lịch sử của bác sĩ Christiaan Barnard, kỹ thuật ghép tim sẽ tiến xa đến đâu trong tương lai vẫn là một câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng.

Y học sẽ làm gì thêm cho trái tim đau yếu?

Từ một đột phá lịch sử

Ngày 3-12-1967, hai anh em ruột cùng là nhà phẫu thuật đã thực hiện ca ghép tim đầu tiên trong lịch sử thế giới. Đó là bác sĩ Christiaan Barnard và Marius Barnard làm việc tại thành phố Cape Town của Nam Phi. Christiaan Barnard là trưởng nhóm của ca phẫu thuật chưa từng xảy ra này.

Khi nghe tin chủ cửa hiệu tạp hóa Louis Washkansky, 54 tuổi, trở thành người đầu tiên được ghép tim của một nạn nhân giao thông nữ 26 tuổi tên Denise Darvall, các nhà báo trên khắp thế giới đã đổ xô về Bệnh viện Groote Schuur Hospital của Cape Town.

Khi được báo tin vui, trái tim ghép đã đập trở lại trong lồng ngực bệnh nhân, họ giật ngay tít “Một đột phá y khoa chưa từng có đã xảy ra và thành công”. Lập tức, cả người được ghép tim lẫn bác sĩ phẫu thuật chính trở thành người nổi tiếng.

Nhiều cuộc họp báo được tiến hành và vô số bài viết về ca phẫu thuật trên báo chí thế giới biến nó thành “một trong những sự kiện được nói đến nhiều nhất trong thế kỷ 20”, ngang ngửa với sự kiện con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng 2 năm sau đó.

“Một người qua đời để người khác được sống” – một tờ báo viết. Mọi hoạt động của Washkansky và tâm sự của ông ta được cập nhật hằng ngày từ bệnh viện với tiểu tiết tính bằng phút.

Biểu cảm của bệnh nhân thế nào, ăn nói, đi đứng ra sao đều được khai thác còn hơn một “yếu nhân”. Vợ của Washkansky và cha của người cho tim cũng trở thành “tin thời sự”.

Hai người chụp ảnh chung khi bà Washkansky khóc cảm ơn “Darvall tốt bụng” đồng ý tặng trái tim con gái cho chồng bà.

Nhưng thật không may, Washkansky chỉ sống được có 18 ngày là qua đời do viêm phổi cấp. Công chúng và mọi người đều bày tỏ lòng thương tiếc. Darvall sùi sụt than van con bà vừa chết thêm lần nữa. “Mọi phần thân thể của nó đều đã ra đi!” - bà nói.

Bệnh nhân chết nhưng bác sĩ Barnard vẫn là “nguồn hy vọng của tương lai” và tiếp tục được nhắc đến như “người tạo phép mầu”. Ông xuất hiện trên bìa tạp chí, chụp chung ảnh với các ngôi sao và thu hút đám đông người hâm mộ.

Nhưng cuộc tranh luận về ghép tim cũng quay trở lại với các ý kiến khác nhau, có cả yếu tố tôn giáo. Nhưng nhiều phẫu thuật gia vẫn chuẩn bị cho những ca ghép tim người-người mới, tiếp nối đột phá của Barnard với kỳ vọng sẽ làm tốt hơn đồng nghiệp.

Năm 1968, có hơn 100 ca ghép tim người-người trên thế giới do 47 nhóm phẫu thuật thực hiện. Nhưng đa số người nhận sống sót không lâu, có khi chỉ vài giờ. Tỉ lệ tử vong cao dẫn đến những lời chỉ trích gay gắt hơn, đặc biệt là khả năng chống viêm nhiễm ở người nhận tim và ghép tim khác chủng tộc.

Tình trạng sống sót không được cải thiện bao nhiêu, trừ những trường hợp cá biệt, nhưng chưa đủ để đặt quá nhiều hy vọng vào kỹ thuật ghép tim người-người. Thực tế cho thấy trái tim cơ khí Javis đôi khi còn giúp người bệnh sống lâu hơn trái tim thật.

Đến những cú huých cho hoạt động ghép tim

Năm 2009, Marius Barnard giãi bày trong chương trình TH Witness về ca phẫu thuật và về quan hệ của ông với người anh Christiaan.

Ông hy vọng một ngày nào đó chúng ta có thể chế tạo, thậm chí nuôi được một quả tim sống từ tế bào hoặc dùng tim thú vật tương thích đã sửa đổi về mặt di truyền để ghép cho người.

Tuy nhiên, tiến bộ của kỹ thuật và khoa học ghép tim không nhanh như mong đợi, trong khi bệnh tim mạch là một trong những thủ phạm gây ra cái chết nhiều nhất cho con người.

Bác sĩ Andre Simon, giám đốc phụ trách ghép tim phổi tại bệnh viện Harefield Hospital tâm sự: Năm 18 tuổi, lần đầu tiên tôi được chứng kiến một ca ghép tim. Đó là năm 1986. Hai phẫu thuật viên làm động tác thắt nút nhanh đến nỗi tôi có cảm giác những ngón tay của họ hầu như biến mất. Thật điêu luyện và thành thạo ngoài sức tưởng tượng.

Đã kết thúc thời kỳ mày mò trong phẫu thuật tim. Tôi nhớ lai khi quay về văn phòng, đã có nhiều tàn thuốc lá và chai bia rỗng ở đó. Người ta đã ăn mừng thành công, làm như chúng ta đã bước sang một giai đoạn hoàn toàn khác trong phẫu thuật thay tim. Có vẻ thời thế đã thay đổi.

Các nhà phẫu thuật đã làm được một việc mà đa số chúng ta vẫn nghĩ là không thể. Nhưng tôi cũng nhận thức được một điều: Y học còn phải làm nhiều hơn nữa mới có thể vượt qua những rào cản.

Ngoài vấn đề kỹ thuật, còn có nguồn cung. Làm sao để quả tim luôn có sẵn khi nhiều người mệt mỏi chờ cấy ghép? Câu hỏi vẫn chưa được trả lời.

Số tim hiến tặng, khoảng 200 ca ở Anh chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu. Nhiều người bị chết vì quả tim không chờ được họ. Một năm có hàng trăm ngàn người trên thế giới dưới 65 tuổi chết vì sự thiếu hụt này, trong đó có 2000 người Anh.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tăng nguồn cung bằng cách phát triển trái tim sống từ các tế bào mầm nuôi cấy. Tiến sĩ Doris Taylor, giám đốc Trung tâm Tế bào và công nghệ sinh học cơ phận người (CCOB) tại Viện tim Texas ở Houston, nhận định:

“Nếu chúng ta muốn phát triển một trái tim sống hoàn hảo phải cần đến hàng trăm tỉ tế bào. Tin tức tốt là chúng ta có thể làm được điều đó nhờ nuôi cấy mô. Mục tiêu của chúng tôi là trong 6 tháng tới sẽ có 2 hay 3 quả tim được phát triển đủ lớn để cấy vào những con thú lớn như bò”.

Dùng những con heo (lợn), đội của Taylor lấy những tế bào từ tim người và phát triển nó trong cơ thể heo thông qua các tế bào mầm. Ông hy vọng sẽ hoàn thiện kỹ thuật thay quả tim bị bệnh bằng quả tim phát triển ngoài cơ thể người và trái tim này có thể thay thế hoàn toàn trái tim cũ.

“Điều chúng tôi phát hiện là các tế bào có thể đi vào những khu vực khác nhau để hình thành những loại tế bào khác nhau của từng khu vực nó hội nhập” - ông nói.

Và khi thực tế không bắt kịp kỳ vọng

Tuy nhiên, chuyên viên phẫu thuật tim, giáo sư John Dark khuyến cáo là hãy thận trọng với những kỳ vọng “hão huyền” như thế. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều nhà khoa học từng lạc quan trong quá khứ. Cách nay 20 năm, có người tưởng sắp sửa sử dụng được cơ phận heo để ghép “giao loài” cho người nhưng ‘phép mầu’ này không diễn ra.

Trong khi có một số tiến bộ trong lĩnh vực ghép cơ phận, vẫn còn nhiều rào cản chưa thể vượt qua, đặc biệt là lấy cơ phận gần tương hợp của loài này ghép cho loài khác.

Tương tự thế, 10 năm qua, các nhà khoa học rất phấn khích về việc dùng các tế bào mầm để sửa chữa các quả tim bị hư hại. Nhưng kết quả thí nghiệm qui mô tại bệnh viện đã chống lại họ.

Trái tim của bệnh nhân chỉ cải thiện được có vài % hoặc không cải thiện gì cả. Công chúng chỉ bị thuyết phục về triển vọng ghép tim, nếu giấc mơ biến thành thực tế”.

Một biện pháp thay thế khác là phát triển những thiết bị có thể giữ trái tim bệnh nhân còn đập chờ đến lúc cấy ghép.

Vài năm qua, một cỗ máy có tên “left ventricular assist device” (LVAD, hoạt động như máy bơm nhân tạo để duy trì hoạt động của phần bên trái quả tim) đã được thu nhỏ thành một thiết bị dùng pin để có thể gắn vào bên trong lồng ngực thay vì đeo bên ngoài.

Năm đầu tiên, chúng hoạt động hiệu quả như trái tim thay mới. Khi thiết bị được cải tiến dần, thời gian hoạt động cũng kéo dài ra, nhưng vẫn còn những nguy cơ viêm nhiễm và các trục trặc dẫn đến tử vong.

“Những quả tim cơ khí cũng chẳng khá hơn, vẫn có rủi ro, nhiều, ít tùy người. Ngoài ra, giá cả quả tim cơ khí quá cao và không thể sản xuất đại trà để cung cấp cho mọi bệnh nhân cần nó. Máy điều hòa nhịp tim cũng phải thay thế sau một thời gian hoạt động, giống như bạn mua một iPhone mới. Một thách thức khác là công cụ trợ tim không được gây ra đột quị, tắc nghẽn động mạch và hiệu quả phải đạt mức tối đa 100%” - Simon nói.

Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm các phương thức mới để giữ cho trái tim sống lâu hơn sau khi lấy ra khỏi lồng ngực người hiến tặng. Tốc độ được xem là yếu tố quan trọng để tối đa hoá cơ hội thành công của ghép tim, trong vòng 3 giờ, nếu quá, thất bại sẽ gần như chắc chắn.

Kỹ thuật hiện nay là cho trái tim ngưng đập tạm thời và giữ nó tromg dung dịch làm mát. Nhưng các thí nghiệm cho thấy nếu trái tim còn đập và chứa máu ấm, nó có thể bảo quản lâu hơn ngoài cơ thể, lên đến 12 tiếng.

Mong ước của các nhà ghép tim là có thể giữ trái tim làm việc tốt nhất trong vòng 1 tháng, đủ để thích nghi với hệ thống miễn dịch của bệnh nhân thay vì bị đào thải quá sớm ở các bệnh nhân đáp ứng kém với các biệt dược chống đào thải.

Rõ ràng, chìa khóa để giải bài toán ghép tim không chỉ có một mà phải kết hợp tất cả tiến bộ để cho ra một quả tim ghép hiệu quả và đỡ tốn kém nhất.

Tim hiến tặng, tim cơ khí hay máy trợ tim phải được nghiên cứu-phát triển song song với nhau để có thể áp dụng cho từng trường hợp trong tình hình số người bị bệnh tim mạch ngày càng tăng.

Thực tế cho thấy, có những thứ không thể làm được trong ngày hôm nay thì ngày mai sẽ biến thành sự thật.

Theo The New York Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ