Đây cũng là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác trên cương vị người đứng đầu quốc gia. Có thể nói, chưa có năm nào, kể cả những năm sau này, Bác Hồ - lãnh tụ của dân tộc lại có đến 3 bài thơ chúc Tết: Thơ Chúc Tết Xuân Bính Tuất; Mừng Báo Quốc gia, Gửi chị em phụ nữ Xuân Bính Tuất cùng 4 bức thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp năm mới và 1 bài báo có tên là Tết.
Trong thư gửi các chiến sĩ và đồng bào nhân dịp Tết Bính Tuất, Bác viết: “Hôm nay là mồng một Tết, năm Bính Tuất. Ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành. Tôi riêng chúc các gia quyến của các chiến sĩ thân yêu, năm mới vui vẻ. Năm mới, đồng bào ta sẽ phấn đấu cho một đời sống mới, ai cũng góp súc vào cuộc kháng chiến lâu dài để làm cho nước ta được hoàn toàn tự do độc lập” .
Kèm theo bức thư là bài “Thơ chúc Tết Xuân Bính Tuất - 1946”, Bác viết:
Hỡi các chiến sĩ yêu quý:
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau vui vầy
Chúc đồng bào:
Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới.
Kiến quốc chóng thành công
Kháng chiến mau thắng lợi
Việt Nam độc lập muôn năm!
Câu đầu tiên bác cất lên tiếng gọi các chiến sĩ thật thân thương, gần gũi xiết bao. Sở dĩ bác dành tình cảm đầy yêu thương trân trọng của mình với các chiến sĩ như vậy là vì Bác thấu hiểu các chiến sĩ lúc bấy giờ vẫn đang còn chịu dầm nắng, phơi sương chống địch, trong khi đồng bào ở hậu phương được đoàn tụ sum vầy chung quanh những bình hoa, mâm bánh.
TrongThư Chúc mừng năm mới, Bác thể hiện rõ hơn tình cảm thắm thiết của mình: “Trong khi đồng bào ở hậu phương đốt hương trầm thờ phụng Tổ tiên, thì các chiến sĩ ở tứ phương dùng súng đạn để giữ gìn Tổ quốc.
Trong khi đồng bào ở hậu phương ta rượu mừng xuân, thì các chiến sĩ ở tiền phương tuốt gươm giết giặc. Các chiến sĩ hăng hái chống địch, để cho đồng bào được an toàn mừng xuân”.
Trong thư là như thế, còn trong thơ, Bác vẫn giữ một khẩu khí lạc quan để động viên, làm phấn khích tinh thần chiến sĩ:
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Hai chữ “chúng ta” không chỉ có giá trị biểu cảm tình thân mà còn xóa đi khoảng cách bề trên với bề dưới. Bác đã hoà cùng các chiến sĩ, hoà vào đoàn quân, hoàn toàn không còn khoảng cách giữa lãnh tụ và chiến sĩ với một lời hẹn chân tình.
“Chung rượu đào”- hình ảnh ấm nồng đẹp đẽ biết bao. Rượu là một hình ảnh quen thuộc, rất truyền thống mà cũng rất hiện đại trong thơ Bác mỗi khi nói đến quê hương, đất nước, đồng bào, đồng chí khi Tết đến, Xuân về, hoặc trong những thời khắc đoàn tụ thiêng liêng của dân tộc.
Chẳng hạn, “Độc lập đầy vơi ba cốc rượu”(Mừng báo Quốc gia) hay “Du kích về thôn rượu chửa vơi”(Đêm thu)... Cũng nhân dịp Tết, các chiến sĩ cảnh vệ cán bộ giúp việc Bác xin Bác một câu đối Tết theo hình thức cổ truyền, Bác viết hai vế đối:
Rượu Hòa Bình, hoa Bình Đẳng, mừng xuân độc lập
Bánh tự do, giò Bác Ái, ăn Tết Dân Quyền
Về những câu thơ chúc đồng bào, sau giọng điệu hồ hởi, đầy lạc quan, tin tưởng, Bác đề ra rất rõ 2 nhiệm vụ chiến lược của toàn đảng, toàn dân: “Kiến quốc chóng thành công/Kháng chiến mau thắng lợi”.
Trong tất cả các bức thư và thơ chúc của Bác, đều chung một hào khí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, tràn đầy niềm vui đất nước giành được độc lập, tự do. Quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do là tư tưởng và hành động xuyên suốt trong cả thư và thơ chúc Tết Bính Tuất – 1946 của Bác.
Hơn bảy mươi xuân song hành cùng tuổi đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trở lại chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên, trời đất, đón chào xuân Mậu Tuất 2018, chúng ta càng thấm thía hơn chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Bác đã khẳng định.