Xung quanh quỹ xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico: Hàng loạt tiểu bang khởi kiện chính quyền Tổng thống Trump

GD&TĐ - Một liên minh gồm 16 tiểu bang của Mỹ do California đứng đầu, đã đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump và các thành viên hàng đầu của chính quyền đương nhiệm vào hôm 18/2, nhằm ngăn chặn quyết định của Tổng thống về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có tiền xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico.

Một phần bức tường rào biên giới ở El Paso (Texas, Mỹ) đang được xây dựng, nhìn từ khu vực Ciudad Juarez của Mexico ngày 15/2/2019
Một phần bức tường rào biên giới ở El Paso (Texas, Mỹ) đang được xây dựng, nhìn từ khu vực Ciudad Juarez của Mexico ngày 15/2/2019

Ngăn chặn “lạm dụng quyền lực”

Đơn kiện đã được đệ trình lên Tòa án Quận Bắc California, chỉ ít ngày sau khi ông Trump viện dẫn các quyền hạn khẩn cấp vào hôm 15/2 để có quyền huy động các nguồn quỹ xây dựng bức tường, đồng thời thực hiện một trong những lời hứa quan trọng nhất của ông đối với cử tri trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Trump sẽ cho phép ông chi tiêu vào số tiền mà Quốc hội đã quyết định sẽ sử dụng cho các mục đích khác. Trước đó, Quốc hội đã nhiều lần từ chối thực hiện yêu cầu của ông về 5,7 tỷ đô la để giúp xây dựng bức tường trong năm nay - nguyên nhân chính dẫn đến việc một phần chính phủ liên bang bị đóng cửa hơn một tháng kể từ ngày 23/12/2018 và là lần đóng cửa dài nhất của chính phủ liên bang Mỹ kể từ khi lập quốc đến nay.

“Hôm nay, chúng tôi quyết định đưa Tổng thống Trump ra tòa để ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực tổng thống của ông”, Tổng chưởng lý của quận Bắc

California, ông Xavier Becerra, người của đảng Dân chủ, nói trong một tuyên bố hôm 18/2, sau khi đơn kiện được đệ trình lên Tòa án.

Ông cũng nhấn mạnh việc khởi kiện là nhằm ngăn chặn Tổng thống Trump “đơn phương cướp tiền của người nộp thuế do Quốc hội dành riêng cho người dân của các tiểu bang”. Ông nêu rõ, đối với hầu hết người dân Mỹ, văn phòng Tổng thống (ý nói Nhà Trắng) không phải là nơi ông Trump muốn làm gì thì làm.

Ít nhất cho đến hết ngày 19/2, Nhà Trắng từ chối bình luận về việc liên minh 16 tiểu bang do California dẫn đầu đã nộp đơn khởi kiện Tổng thống.

Chấp nhận kiện cáo

Trong một thỏa thuận ngân sách được Quốc hội thông qua mới đây, để ngăn chặn chính phủ đóng cửa lần thứ hai, gần 1,4 tỷ đô la đã được phân bổ cho hàng rào biên giới, thay vì 5,7 tỷ đô la như yêu cầu ban đầu của ông Trump. Đáp lại, ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 15/2, song song với việc ký thông qua gói chi tiêu ngân sách mà Quốc hội vừa thông qua.

Với lệnh công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump sẽ có quyền huy động thêm 6,7 tỷ đô la ngoài số tiền 1,4 tỷ mà các nhà lập pháp ủy quyền, không cần sự cho phép của Quốc hội. Một phần lớn trong số kinh phí này sẽ được lấy từ quỹ của Bộ Quốc phòng, theo thẩm quyền của Tổng thống khi có tình trạng khẩn cấp quốc gia (Tổng thống Mỹ đồng thời là Tổng tư lệnh tối cao của quân đội).

Hạ viện do đảng Dân chủ chi phối và các thành viên đảng Dân chủ ở Thượng viện (do đảng Cộng hòa chi phối) cực lực phản đối quyết định này của Tổng thống, coi đó là hành động vi phạm nghiêm trọng hiến pháp Mỹ. Nhiều nhà lập pháp, trong đó có cả các thành viên đảng Cộng hòa, cũng lên tiếng cảnh cáo Tổng thống về quyết định nói trên. Các nhà quan sát cũng bình luận chắc chắn ông Trump sẽ phải đối diện với hàng loạt vấn đề pháp lý trong những ngày tới.

Tuy vậy, trong tuyên bố trên mạng xã hội sau khi ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp, ông Trump cũng đã đề cập đến khả năng sẽ bị khởi kiện, cho thấy ông đã tính toán trước khi đưa ra nước cờ bị đánh giá là mạo hiểm và gây nhiều tranh cãi này.

Châu chấu đá voi?

Đúng như các cảnh báo được đưa ra, ngay trong ngày 15/2, chỉ ít giờ sau khi lệnh về tình trạng khẩn cấp quốc gia được ông Trump tuyên bố từ Vườn Hồng của Nhà Trắng, ba chủ đất ở tiểu bang Texas và một nhóm môi trường đã đệ đơn kiện đầu tiên chống lại động thái của ông Trump, nói rằng nó đã vi phạm Hiến pháp và sẽ vi phạm quyền sở hữu của họ. Đơn kiện của liên minh 16 tiểu bang do California dẫn đầu (với sự tham gia của các tiểu bang: Colorado,

Connecticut, Delwar, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Virginia và Michigan) đệ trình lên Tòa án quận Bắc California hôm 18/2 được dự báo chỉ là một trong những đợt sóng tiếp theo.

Các tiểu bang cho biết lệnh về tình trạng khẩn cấp quốc gia của ông Trump sẽ khiến họ mất hàng triệu đô la tài trợ liên bang cho các đơn vị bảo vệ quốc gia, liên quan đến các hoạt động chống ma túy và chuyển hướng tiền từ các dự án xây dựng quân sự được ủy quyền sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của họ.

Trong một tuyên bố hôm 15/2, ông Trump cho biết thực tế ông không cần phải đưa ra tuyên bố khẩn cấp, tuy nhiên ông muốn đẩy nhanh quá trình xây dựng bức tường. Tuyên bố này có thể gây bất lợi cho chính quyền của ông về vấn đề lập luận pháp lý xung quanh lệnh khẩn cấp. Trong đơn kiện của mình, các tiểu bang cũng dẫn lại sự thừa nhận của chính Tổng thống về việc một tuyên bố khẩn cấp là không cần thiết. Chưa kể dữ liệu riêng của chính phủ liên bang cũng chứng minh rằng không có trường hợp khẩn cấp quốc gia nào ở biên giới phía Nam để đòi hỏi phải sớm xây dựng một bức tường rào ngăn cách như tuyên bố của ông Trump.

Các nhà quan sát cho rằng những thách thức pháp lý có thể làm chậm nỗ lực của Trump trong việc xây dựng bức tường, điều mà theo ông là cần thiết để hạn chế nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy. Sở dĩ ông Trump tự tin là bởi các vụ kiện có thể sẽ phải kết thúc tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nơi ông đang dẫn lợi thế về khả năng nhận được ủng hộ từ các thẩm phán tối cao là người của đảng Cộng hòa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sự tự đánh giá của một đứa trẻ trước hết xuất phát từ sự đánh giá của người khác về trẻ, và điều quan trọng nhất là sự đánh giá của cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Lý do cha mẹ cần tin tưởng con

GD&TĐ - Để giáo dục và rèn luyện tốt cho trẻ một cách cơ bản, chúng ta nên nuôi dưỡng ý thức về giá trị bản thân của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.