Xung quanh chuyện thay biển hiệu Bưu điện Hà Nội: “Trả lại tên cho em”

GD&TĐ - Trong thời gian qua dư luận, báo chí đã phản ánh rất nhiều tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân mong muốn được giữ lại tên “Bưu điện Hà Nội” tại tòa nhà số 75 phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội).  

Tòa nhà Bưu điện Hà Nội được đổi tên thành VNPT Hà Nội
Tòa nhà Bưu điện Hà Nội được đổi tên thành VNPT Hà Nội

Thay tên, đổi biển

Từ năm 2016, người dân TP Hà Nội phát hiện cái tên “Bưu điện Hà Nội” đã bị thay thế bằng “VNPT Hà Nội”. Dư luận dấy lên những lo ngại trước một cảnh quan liên quan đến cụm di sản văn hóa quanh khu vực Hồ Gươm bị biến mất.

Nắm bắt được dư luận và mong muốn giữ lại tên công trình đã trở thành biểu tượng và địa chỉ văn hóa của người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam chỉ đạo VNPT Hà Nội thay biển hiệu, đổi trả lại dòng chữ “Bưu điện Hà Nội” trên tòa nhà Bưu điện như trước đây. Sau đó Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho ý kiến với VNPT Hà Nội phục dựng lại biển tên tòa nhà “Bưu điện Hà Nội”. Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký văn bản gửi VNPT Hà Nội với nội dung đồng ý với đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, phục dựng lại biển tên tòa nhà “Bưu điện Hà Nội” và giao VNPT Hà Nội thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.

Tuy nhiên, việc “trả lại tên” vẫn chưa được Công ty Viễn thông Hà Nội (thuộc Tập đoàn VNPT) thực hiện nên mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, chỉ đạo Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam giữ lại tên “Bưu điện Hà Nội” đáp ứng mong muốn chính đáng và hoàn toàn hợp lý của người dân Thủ đô.

Văn bản được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký nêu rõ: “Tòa nhà Bưu điện Hà Nội tại số 75 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm được xây dựng, đưa vào sử dụng năm 1978 và từ lâu đã trở thành hình ảnh gắn bó với hồ Hoàn Kiếm, rất quen thuộc với người dân Thủ đô. Đến nay, công trình đã trải qua 40 năm sử dụng và biểu tượng Bưu điện Hà Nội đã trở thành điểm di tích của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung…”.

Khi nhìn nhận về những giá trị di sản bao quanh khu vực Hồ Gươm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy lý giải: “Khi chúng ta xây dựng tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, chúng ta cần liên kết các địa điểm để tăng thêm hệ thống thông tin gắn với lịch sử, văn hóa. Cụm địa danh gắn kết Nhà hát Lớn, Bắc Bộ phủ, phố Tràng Tiền và các tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ xác định ki lô mét số O tỏa ra những con đường. Những địa điểm địa danh đã gắn với các giá trị lịch sử đã làm nên biểu tượng thì chúng ta cần lưu giữ, đó là tài sản văn hóa và tinh thần để chúng ta quảng bá và phát triển du lịch”.

Bảo vệ giá trị vùng di sản

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa danh “Bưu điện Hà Nội” đã trở thành di tích mang nhiều dấu ấn lịch sử trong ký ức nhiều thế hệ công dân Thủ đô.

Theo nhiều ý kiến, việc đổi tên “Bưu điện Hà Nội” thành “VNPT Hà Nội” chỉ có giá trị quảng bá thương hiệu đối với doanh nghiệp viễn thông trong thực tế chứ đối với biểu tượng di tích văn hóa thì đã làm mất đi hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người dân Thủ đô. Cùng với Tháp đồng hồ bốn mặt, có một mặt soi bóng xuống mặt Hồ Gươm, cái tên “Bưu điện Bờ Hồ” – “Bưu điện Hà Nội” đã gắn liền với lịch sử, các sự kiện văn hóa, xã hội và nằm trong di sản cảnh quan di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Trao đổi về vấn đề “có đổi lại tên cũ Bưu điện Hà Nội hay không” ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Chánh Văn phòng VNPT Hà Nội lý giải: Nếu nói đến di tích lịch sử văn hóa lâu đời của tòa nhà Bưu điện Hà Nội thì phải nói tòa nhà 3 tầng ở dọc phố Lê Thạch và mặt phố Đinh Lễ do người Pháp xây dựng từ 100 năm trước, trong đó có đặt phòng truyền thống của ngành Bưu điện. Còn tòa nhà đặt đồng hồ 4 mặt chỉ mới được xây dựng từ năm 1978. Năm 1987, sau khi hợp nhất một số cơ quan, tòa nhà một tầng mới được xây mới, tháp đồng hồ và hàng chữ “Bưu điện Hà Nội” gắn liền từ đó.

Năm 1997 thêm một lần tu sửa biển hiệu chữ nổi được thiết kế to hơn. Năm 2007, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan Bưu chính Viễn thông giải thể, chia tách, thành lập thành hai đơn vị mới là Bưu điện Hà Nội và Viễn thông Hà Nội. Công ty VNPT Hà Nội được giao quản lý, khai thác tòa nhà có biển “Bưu điện Hà Nội”. Trải qua các giai đoạn xây dựng và phát triển, cho đến thời điểm này, Bưu điện Hà Nội đã có 4 lần thay biển và 3 lần đổi tên. Việc đổi tên để phù hợp với tổ chức sản xuất chứ không phải “bỗng dưng” tòa nhà mang tên “VNPT Hà Nội” từ 2016 đến nay.

Ông Chỉnh nhấn mạnh: Giá trị di tích lịch sử văn hóa chính là Tháp đồng hồ 4 mặt chứ không phải là tòa nhà. Tháp đồng hồ là điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm. Qua 40 năm hoạt động, đồng hồ Bưu điện bên cạnh và soi bóng xuống mặt hồ Hoàn Kiếm trở nên thân quen với người Hà Nội và du khách. Đồng hồ không chỉ có ý nghĩa thuần túy mà đã trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, theo thời gian, các bộ phận của đồng hồ dù được bảo dưỡng với những quy trình nghiêm ngặt nhưng đã bị xuống cấp, cần được sửa chữa. Việc sửa chữa không chỉ đòi hỏi kinh phí.

Thay thế linh kiện bên trong nhưng vẫn phải giữ nguyên toàn bộ bề mặt bên ngoài. VNPT Hà Nội đã lập đề án báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo. Còn về những ý kiến kiến nghị, đóng góp về biển tên, liên quan đến vấn đề quản lý, khai thác tòa nhà chúng tôi đang nghiên cứu và tiếp thu. VNPT Hà Nội đứng chân trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi sẽ thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp sao cho mọi vấn đề lợi ích kinh tế và bảo tồn văn hóa hài hòa và phù hợp. Chúng tôi đang xây dựng một đề án cụ thể để trình lãnh đạo TP, việc phục dựng tên cũ, chỉnh trang cho tòa nhà chỉ là một hạng mục trong đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.