Thực tế, có nhiều “ca” xung đột tới mức không thể hòa giải: “chiến tranh lạnh”, li thân, cả… đưa nhau ra tòa vẫn cứ xảy ra. Đáng lo hơn, ngày nay, vẻ như hiện tượng ấy đang xảy ra ngày càng thường xuyên, gây những hệ lụy nhiều khi khá nặng nề cho cộng đồng; nhất là cho chất lượng cuộc sống của người già.
Cậu mợ tôi, ông bà đều đã ngấp nghé cái ngưỡng tuổi “cổ lai hy”. Lúc trẻ, vợ chồng luôn “đồng thanh đồng khí”, làm gì cũng có đôi có cặp, nắm tay cùng vượt qua bao sóng gió cuộc đời. Vậy nhưng tới lúc tuổi già lại bắt đầu sinh ra hục hặc, cự cãi.
Những chuyện mới nhìn tưởng chẳng đâu vào đâu; vậy nhưng dần dà cứ leo thang theo kiểu “nâng quan điểm” của hai bên thành lớn chuyện. Mẹ bà mất, ông lập bàn thờ, đặt bài vị ở chỗ hơi chật hẹp, tối tăm. Bà hờn nhưng không nói, cứ lặng im mặt nặng mày treo suốt mấy tháng ròng. Tới lúc kình nhau không nhịn nổi mới bung ra: Nhà là nhà chung, của chồng công vợ chớ phải riêng ông na; vậy mà ông nỡ đem ông bà cha mẹ ông thờ phía sáng; còn mẹ tui ông đem nhét vô hóc tối đặng thờ…
Ông vốn thích nhậu nhẹt, bạn bè, lại cũng hơi gia trưởng. Lúc trẻ việc nhiều ít có thời gian; nhưng khi về già không phải vướng bận chuyện làm ăn ông có cơ hội giao du, nhậu nhẹt nhiều hơn. Bà rất khó chịu về chuyện ông cứ rượu lần sần vô lại về nhà “mở đài” huyên thuyên đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi điếc tai; chưa kể lâu lâu còn rủ bạn về nhà “gầy độ” nhậu! Bà phản ứng thì ông dở máu gia trưởng ra nạt: Thứ đàn bà đái không qua ngọn cỏ, biết gì mà nói nhăng…
Nói nữa, ông nổi sung, thách thức: Nhà tao tao có quyền; mày ở được thì ở, không được thì biến! Nghe ông nói ngang ngược, bà tức khí lăn ra la làng. Chuyện xé to, con cái túa về hỏi han, khuyên giải đôi bên. Bà cứ khăng khăng: Tao chịu đựng ổng đủ rồi, không chịu thêm được nữa! Ráng năn nỉ, dàn xếp êm êm được vài hôm lại tiếp tục nổ chiến tranh. Con cái bất lực, đành ngăn nhà cho hai cụ ở riêng…
Xóm tôi có vợ chồng ông M, lúc trẻ sống chung cũng không nghe điều tiếng gì. Ông M vốn chất phác lo làm ăn, chỉ phải cái tính hơi… ở dơ và chậm lụt vụng về làm trước quên sau. Khổ, lúc trẻ thì những “bệnh” ấy có gây bực mình chút ít nhưng chưa đến nỗi nào; thêm nữa, ông M thường xuyên đi làm xa nên thời gian sống chung cùng vợ không nhiều.
Vậy nhưng tới lúc ông “nghỉ hưu”, về nhà sống luôn với vợ con thì mới đẻ chuyện. Tuổi già lẩm cẩm khiến những tật chứng của ông lúc trẻ ngày càng trầm trọng thêm: ăn ở luộm thuộm, làm đâu bỏ đó, nói đâu quên đó. Ác cái, bà M lại sạch sẽ, chỉn chu ngăn nắp nên rất khó chịu.
Ban đầu bà còn cố theo nhắc, hy vọng ông sửa đổi. Già rồi, thói quen in thành nếp, sửa sao được? Chưa kể bị “chỉnh” nhiều còn khiến ông mất tự tin lính quýnh, sai sót càng trầm trọng hơn. Chỉnh không được thì bức xúc. Từ bức xúc dẫn đến nặng nhẹ, thậm chí mắng mỏ là điều đương nhiên. Ông M cũng đâu phải đất cục để có thể nhịn vợ hoài không nổi xung. Vậy là lục đục, cự cãi. Tình cảm vợ chồng cứ ngày một bị bào mòn. Không dám chia tay sợ con cái tủi buồn làng xóm cười chê; nhưng sống chung thì hệt như đang “chịu nạn”!
Căn nguyên xung đột giữa các cặp đôi vợ chồng già là chuyện muôn hình vạn trạng. Nhưng dù là căn nguyên nào cũng sẽ để lại hậu quả rất xấu. Rất mong những người trong cuộc cố gắng suy nghĩ, kềm chế bản thân đừng để sự việc đi quá xa. Bên cạnh đó, cũng cần thêm sự động viên, góp ý kịp thời của người thân, bạn bè và các ngành chức năng để giảm thiểu nguy cơ hiện tượng tiêu cực này sẽ bùng phát trong tương lai gần.