Xung đột Nga - Ukraine một năm nhìn lại: Giáo dục bế tắc

GD&TĐ - Sau một năm xung đột Nga - Ukraine, giáo dục Ukraine đã bị tàn phá nghiêm trọng, chất lượng sụt giảm.

Trẻ em Ukraine vui chơi bên ngoài một tòa nhà bị phá hủy. Ảnh: INT
Trẻ em Ukraine vui chơi bên ngoài một tòa nhà bị phá hủy. Ảnh: INT

Còn tại Nga, cơ hội mở rộng giáo dục quốc tế đang bị kìm cặp giữa vòng vây lệnh trừng phạt quốc tế.

Giáo dục Ukraine chìm trong khủng hoảng

“Khi còi báo động không kích vang lên, theo sau là tiếng nổ hoặc tiếng máy bay trên bầu trời, bom có thể thả xuống bất cứ lúc nào. Đó là lý do chúng cháu luôn phải chạy vào hầm trú ẩn”, Margaryta, 7 tuổi, sống tại Ukraine chia sẻ.

Nga tuyên bố phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2/2022. Sau một năm đụng độ, những học sinh tiểu học như Margaryta đã quen với việc trú ẩn dưới tầng hầm. Hầu hết các gia đình không có máy phát điện nên phải trải qua những ngày mùa Đông lạnh lẽo. Vì vậy, trường học là nơi ấm áp và an toàn nhất với trẻ em, dù nguy hiểm vẫn bao vây bên ngoài kia.

Theo thống kê đến cuối tháng 1/2023 của cổng thông tin nhân đạo ReliefWeb, trên khắp Ukraine, việc tiếp cận giáo dục ngày càng trở nên khó khăn. Tỷ lệ học trực tiếp thấp, còn học trực tuyến liên tục bị gián đoạn do các cuộc tấn công dẫn đến mất điện, Internet và hệ thống sưởi ấm.

Còn theo báo cáo đầu năm nay của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 1,9 trẻ em Ukraine đang học trực tuyến nhưng bị gián đoạn do các cuộc tấn công. Điều này đồng nghĩa ngay cả việc học từ xa cũng là một thách thức.

Tại các quốc gia tiếp nhận trẻ em di cư như Ba Lan, Romania, tỷ lệ trẻ em Ukraine nhập học vẫn còn rất thấp dù chính phủ các nước đã hỗ trợ về mặt pháp lý, điều kiện đến trường. Ước tính, cứ 3 trẻ Ukraine thì 2 em không đăng ký vào hệ thống giáo dục của nước sở tại.

Những thách thức phổ biến là rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt trong chương trình giảng dạy, năng lực hạn chế của giáo viên nước sở tại. Nhiều gia đình tị nạn chọn học trực tuyến thay vì trực tiếp tại nước sở tại vì hy vọng có thể sớm trở về nhà.

Không ai đoán trước chiến tranh Nga - Ukraine bao giờ sẽ chấm dứt nhưng hậu quả để lại cho Ukraine và ngành giáo dục nước này là đặc biệt nghiêm trọng. Tình hình cũng không mấy khả quan đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Trẻ em Ukraine theo gia đình di cư sang châu Âu. Ảnh: INT

Trẻ em Ukraine theo gia đình di cư sang châu Âu. Ảnh: INT

Ước tính, trước cuộc xung đột, 83% người Ukraine trong độ tuổi từ 18 - 24 theo học đại học. Khi chiến dịch quân sự nổ ra, người Ukraine rời bỏ nhà cửa và được các quốc gia xung quanh tiếp nhận.

Liên minh Sinh viên châu Âu (ESU) đã phối hợp với Liên minh Sinh viên Ukraine và nhóm sinh viên ở các nước láng giềng để xây dựng kế hoạch ứng phó, trong đó, đặc biệt quan tâm hỗ trợ việc học tập của sinh viên.

Ông Matteo Vespa, Chủ tịch ESU, cho biết: “Ở cấp quốc gia và địa phương, các tổ chức sinh viên đã tích cực chào đón và đàm phán với chính phủ về các chương trình hỗ trợ sinh viên tị nạn người Ukraine.

ESU đã mở đường dây nóng dành cho sinh viên, tổng hợp kho lưu trữ trực tuyến liệt kê tất cả các hỗ trợ có sẵn từ các quốc gia khác nhau dành cho sinh viên rời Ukraine. Sau đó, xây dựng quỹ học bổng trao đổi Erasmus trong châu Âu cho người Ukraine”.

Trong khi đó, các cơ sở giáo dục đại học đã nhanh chóng mở cửa cho sinh viên và học giả người Ukraine. Theo khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Đại học châu Âu, trong số 24 quốc gia được hỏi, 21 quốc gia đã triển khai chương trình tiếp nhận sinh viên và học giả, bao gồm trợ cấp chỗ ở, mở khóa học ngôn ngữ.

Tại Đức, chương trình “tư vấn mở rộng” được xây dựng dành riêng cho sinh viên tị nạn. Tại Vương quốc Anh, sinh viên tị nạn Ukraine được phép theo học đại học mà không phải trả học phí quốc tế.

Các cơ sở giáo dục Bắc Mỹ cũng cung cấp chương trình học bổng, trợ cấp cho người tị nạn Ukraine và hỗ trợ học giả Ukraine tìm việc làm trong các tổ chức quốc tế, tổ chức nghiên cứu khoa học.

Tại Ukraine, giáo dục vẫn tiếp tục bất chấp sự tàn phá của chiến tranh. Hơn 3.000 cơ sở giáo dục bị thiệt hại do pháo kích nhưng nhiều trường đại học vẫn tiếp tục mở lớp với số lượng lớn sinh viên học từ xa.

Tuy nhiên, do quá nhiều thanh, thiếu niên di cư ra nước ngoài, Ukraine đang đối mặt với nguy cơ chảy máu chất xám cao. Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Ukraine đã thành lập Tổ chức Đại học Toàn cầu Ukraine và trao học bổng cho những sinh viên cam kết trở về Ukraine sau khi tốt nghiệp để tái thiết đất nước.

Học sinh Ukraine học tập trong hầm trú ẩn.

Học sinh Ukraine học tập trong hầm trú ẩn.

Sinh viên quốc tế bám trụ nơi “tâm chấn”

Ước tính, khoảng 76 nghìn sinh viên quốc tế học tập tại Ukraine vào thời điểm xung đột xảy ra. Ukraine cũng là một trong những quốc gia thu hút sinh viên quốc tế do học phí rẻ, đa dạng chương trình học bằng tiếng Anh.

Giáo dục Y khoa Ukraine đặc biệt phổ biến với sinh viên từ Nam Á và châu Phi - nơi mà chất lượng các trường đại học không đáp ứng được nhu cầu và tỷ lệ dân số trẻ.

Sinh viên quốc tế bắt đầu di tản khỏi Ukraine từ tháng 2/2022 nhưng họ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một số người bị phân biệt chủng tộc và bị từ chối đăng ký các chương trình hỗ trợ nhân đạo. Số khác, nhất là sinh viên y khoa, vật lộn để nối lại học tập trong nước.

Đơn cử, du học sinh Ukraine trở về Ấn Độ không được phép chuyển vào các trường y khoa trong nước vì lo ngại trình độ học tập không đồng đều. Do vậy, dù có thể trở về quê hương an toàn, họ đã bị loại khỏi giáo dục.

Quá tuyệt vọng, nhiều du học sinh Ấn Độ và sinh viên các quốc gia khác đã tìm đường trở về Ukraine để tiếp tục học tập. Anh Utkarsh Singh, 23 tuổi, sinh viên ngành Y tại Ukraine là một ví dụ.

Anh Singh đang sống và học tập tại miền Tây Ukraine, nơi từ một năm trước đã hứng chịu mưa bom bão đạn. Thời điểm đó, anh cùng với sinh viên quốc tế và hàng triệu người dân Ukraine đã chạy trốn khỏi đất nước.

Tuy nhiên, anh đã trở lại Ukraine vào tháng 10/2022 sau hành trình dài bay từ Ấn Độ đến Ba Lan rồi di chuyển bằng đường bộ vào Ukraine. Hành trình này kéo dài gần một tuần. Không thể học tập tại Ấn Độ cũng không được các nước châu Âu chấp nhận, Singh đã quyết định quay lại Ukraine để hoàn thành chương trình học.

Tuy nhiên, cuộc sống của Singh cùng hàng triệu sinh viên khác chọn trở lại Ukraine không còn yên bình như trước. Trong tiết học, họ cũng không thể lơi lỏng tinh thần, mà luôn phải cảnh giác cao độ trước bất kỳ cuộc tấn công nào. Đặc biệt, họ có thể phải tự sơ tán mà không có sự hỗ trợ của chính phủ từ quê nhà vì chính họ đã lựa chọn trở lại “tâm chấn”.

“Nếu còi báo động không kích vang lên, chúng tôi lập tức phải xuống hầm trú ẩn. Ngay cả khi đang trong tiết học, mọi người đều phải sơ tán”, anh Utkarsh Singh, du học sinh 23 tuổi người Ấn Độ, chia sẻ.

Ngành giáo dục Nga vẫn thu hút đông đảo sinh viên đến từ các quốc gia phát triển. Ảnh: INT

Ngành giáo dục Nga vẫn thu hút đông đảo sinh viên đến từ các quốc gia phát triển. Ảnh: INT

Giáo dục Nga loay hoay tìm chỗ đứng

Tính đến cuối tháng 1/2023, 2.631 cơ sở giáo dục Ukraine bị hư hại, 420 cơ sở bị phá hủy. Kết quả học tập của hơn 5 triệu trẻ em Ukraine dự kiến giảm đáng kể do gián đoạn giáo dục. Ước tính, khoảng 1,5 triệu trẻ em Ukraine có nguy cơ bị trầm cảm, lo lắng, rối loạn căng thẳng sau sang chấn và các tình trạng tâm thần khác.

Chiến tranh cũng tác động không nhỏ đến giáo dục Nga, nhất là với sinh viên quốc tế và sinh viên Nga du học nước ngoài.

Khi chiến dịch quân sự bắt đầu, giới học thuật nổ ra cuộc tranh luận về việc cắt đứt quan hệ với các cơ sở giáo dục và ngành giáo dục Nga. Nhiều tổ chức đã khởi xướng chiến dịch trên bằng cách đóng băng quan hệ đối tác và trao đổi nghiên cứu.

Vào tháng 4/2022, cả Nga và Belarus đều bị đình chỉ tham gia Tiến trình Bologna, quy trình thúc đẩy cải cách để giáo dục đại học trên toàn châu Âu trở nên tương thích và dễ so sánh hơn, tăng tính cạnh tranh và thu hút sinh viên đến với châu Âu.

Nga cũng phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám khi nhiều sinh viên, học giả quyết định rời khỏi đất nước để phản đối chiến dịch quân sự tại Ukraine và không phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Trước sự cô lập của quốc tế, người Nga có ít lựa chọn du học hơn, tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai.

Sinh viên Nga tại nước ngoài sợ bị tấn công và gặp khó khăn khi chuyển tiền từ quê nhà. Nhiều chính trị gia, nhất là ở Anh và Mỹ, đã kêu gọi trục xuất sinh viên Nga nhưng bị từ chối.

Sinh viên Nga học tập tại nước ngoài gặp khó khăn khi giao dịch bởi các lệnh trừng phạt. Ảnh: INT

Sinh viên Nga học tập tại nước ngoài gặp khó khăn khi giao dịch bởi các lệnh trừng phạt. Ảnh: INT

Còn cuộc sống của khoảng 315.000 sinh viên quốc tế tại Nga thay đổi chỉ sau một đêm khi chiến dịch quân sự nổ ra. Sinh viên theo học chương trình trao đổi ngắn hạn buộc phải sơ tán, số khác loay hoay tìm cách hồi hương vì thủ tục trở nên phức tạp.

Đáng chú ý, do các lệnh trừng phạt quốc tế đặt lên Nga, sinh viên quốc tế khó có thể nhận tiền chuyển khoản từ gia đình ở quê hương. Chi phí sinh hoạt cũng tăng đáng kể. Các chuyến bay bị hạn chế khiến việc di chuyển trong và ngoài nước trở nên khó khăn.

Dù vậy, Nga vẫn tăng cường tuyển dụng, tăng hỗ trợ nhà nước cho sinh viên quốc tế. Thậm chí, các học giả quốc tế nhận định tín hiệu du học Nga khởi sắc giữa xung đột quân sự.

Bà Irina Abankina, Giám đốc Viện Giáo dục tại Trường Kinh tế Cao cấp Nghiên cứu quốc gia (HSE), Nga, nhận định số lượng sinh viên nước ngoài sẽ không sụt giảm đáng kể sau xung đột. Số lượng sinh viên từ Liên minh châu Âu và Đông Âu đến Nga có thể giảm nhưng nước này chứng kiến sự gia tăng du học sinh từ châu Á như Trung Quốc và Trung Phi.

Theo Bộ Khoa học và Giáo dục Nga, khoảng 33.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Nga. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Một số trường đại học Nga cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trao đổi học thuật với các trường đại học Trung Quốc.

Ngoài ra, nhu cầu du học Nga của người châu Phi ở mức cao vì chi phí đại học ở Nga rẻ hơn phương Tây, sinh viên có thể có việc làm ngay sau khi ra trường.

Còn nhà nghiên cứu Igor Chirikov, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học tại Đại học California, Mỹ, nhận định: “Nga tiếp tục trợ cấp một phần giáo dục cho hầu hết sinh viên quốc tế với mục tiêu hình thành giới tinh hoa thân Nga ở nước ngoài. Khoảng 1/3 sinh viên quốc tế tại Nga được nhà nước tài trợ hoàn toàn. Giáo dục miễn phí sẽ trở thành điểm hấp dẫn sinh viên quốc tế, nhất là từ các quốc gia đang phát triển”.

Theo The Pie, UNICEF, ReliefWeb

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.

Việc tham gia các giải chạy hoặc tập các môn thể thao cần phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và tính chất công việc. Ảnh: H.Y

Hiểm họa từ tập thể dục quá sức

GD&TĐ - Hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.