Xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Đến dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Bắc Son, Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông và đại diện lãnh đạo của các Bộ, Ban, ngành, các địa phương và lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình hoạt động báo chí nước ta trong những năm qua (tính từ Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Thông báo Kết luận 162-TB/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, tổ chức đầu năm 2007); nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới, các Thông báo kết luận của Bộ Chính trị và các Quyết định của Ban Bí thư (khóa X) về lãnh đạo, quản lý công tác báo chí. Đây là dịp các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí trao đổi kinh nghiệm; trực tiếp phản ánh với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan chỉ đạo, quản lý về báo chí những thuận lợi, khó khăn, những kiến nghị, đề xuất để góp phần thiết thực không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động báo chí. Đặc biệt, Hội nghị là dịp các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cả nước sẽ được trực tiếp tiếp thu và quán triệt những định hướng lớn, những yêu cầu đối với công tác tuyên truyền trên báo chí, nhằm cổ vũ, động viên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2010 và những năm tiếp theo.

Xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân ảnh 1
Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (ảnh: gdtd.vn).

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Từ cuối năm 2007 đến nay, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh, gây nhiều khó khăn đối với nước ta. Các cơ quan báo chí, theo đó, cũng chịu nhiều ảnh hưởng: giá giấy và các vật tư, chi phí tăng; lượng phát hành và nguồn thu giảm... Trong điều kiện khó khăn đó, hầu hết các cơ quan báo chí vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chính trị, thực hiện nghiêm túc định hướng của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí, tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương của Đảng, các giải pháp của Chính phủ nhằm mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, đề phòng lạm phát cao, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển...

Báo chí cũng đã tiếp tục phát huy tinh thần năng động, bám sát thực tiễn, phát hiện những vấn đề cần quan tâm, kịp thời thông tin, phản ánh, đề xuất kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Nhiều đề xuất, kiến nghị hợp lý của báo chí và của các tầng lớp nhân dân được phản ánh qua báo chí đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, xem xét, giải quyết một cách nghiêm túc.

Hoạt động tuyên truyền báo chí, về cơ bản, đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, định hướng chính trị tư tưởng và dư luận, góp phần làm cho nhân dân nhận thức đúng tình hình, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và xu thế đi lên của đất nước ta. Những nỗ lực và kết quả nêu trên cho thấy, báo chí không chỉ là một bộ phận quan trọng, đi tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, mà còn có vai trò góp phần tích cực vào việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân ảnh 2
Ông Trương Tấn Sang trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị (ảnh: gdtd.vn).

Chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà các cơ quan báo chí cần nhận rõ và có giải pháp khắc phục kịp thời, ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng mong muốn của Đảng, của nhân dân, báo chí cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5 "Về công tác tư tưởng lý luận và báo chí trước yêu cầu mới", các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác báo chí. Báo chí cần góp phần tích cực tạo sự thống nhất nhận thức, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc; nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp, tạo phong trào thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Trong khi lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, kinh tế thế giới cũng như trong nước có thể sẽ phát sinh những tình huống mới, phức tạp. Khi đó, việc xử lý các tình huống phải vừa quyết đoán, nhanh nhạy, vừa bình tĩnh, thận trọng. Các cơ quan báo chí cần hiểu và quán triệt quan điểm này để thông tin, tuyên truyền đảm bảo tính kịp thời, toàn diện, chuẩn xác, có tác dụng định hướng dư luận; tránh gây ra những hiệu ứng tiêu cực như một số trường hợp trong thời gian qua.

Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khóa X); việc tiến hành đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng theo Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị. Đây là nội dung, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2010 và đầu năm 2011 của báo chí nước ta. Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng là cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa quan trọng trong Đảng và trong nhân dân; là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với chặng đường phát triển mới của đất nước.

Báo chí phải phản ánh và góp phần tạo nên không khí dân chủ, phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, triển vọng phát triển của đất nước; tăng cường đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân; khẳng định thành tựu và đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; động viên và phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng với tinh thần trách nhiệm chính trị cao nhất; cổ vũ, động viên phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp ở các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân... Đồng thời, kiên trì đấu tranh với cái ác, cái xấu, tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các loại tệ nạn xã hội, góp phần làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh, tiến bộ.

Cùng với tập trung tuyên truyền về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chuyên đề "Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh", những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực, các cơ quan báo chí động viên giới văn nghệ sĩ, những người làm báo cả nước hăng hái sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về cuộc vận động...

Các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền về các sự kiện, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong năm 2010 để giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, nhân dân ta và của Đảng ta cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Các cơ quan báo chí tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước ta, thành tựu đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta để bạn bè và nhân dân thế giới, đồng bào ta ở nước ngoài có thông tin đúng đắn về tình hình đất nước ta, đồng tình ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đồng thời, chủ động, kiên trì đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực cơ hội, thù địch lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, biển đảo... để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận, đề xuất những giải pháp nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, nâng cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan báo chí, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2010 và những năm tiếp theo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí trong việc triển khai những nhiệm vụ chính trị được giao, qua đó tiếp tục thể hiện rõ vai trò là bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, là diễn đàn của nhân dân.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan làm công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và những người làm báo trong cả nước cần quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác báo chí trước yêu cầu mới, nhất là trong năm 2010 - năm có nhiều sự kiện quan trọng, nhiều ngày lễ lớn của đất nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt và nổi bật trên báo chí trong năm nay là tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp, các tổ chức và doanh nghiệp.

Ông Tô Huy Rứa cho rằng, báo chí cần tuyên truyền để cái tốt trở thành một dòng chủ lưu trong xã hội, từ đó sẽ tạo được không khí hồ hởi, làm cho xã hội có sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, ngoài việc phát hiện gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, báo chí cũng không xem nhẹ hay né tránh mảng đề tài viết về cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, cái non kém. Tuy nhiên, các các cơ quan báo chí phải nắm vững nguyên tắc “chống” phải bắt đầu từ “xây,” “chống” bằng thái độ “xây", “xây” thật tốt cũng là để “chống” thật tốt.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, về sự kiện quan trọng, nổi bật như việc Việt Nam đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2010; đăng cai tổ chức Đại hội Liên minh nghị viện ASEAN, Diễn đàn kinh tế Đông Á; Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới; khẳng định vị thế, uy tín, đóng góp của Việt Nam đối với khu vực và thế giới; tuyên truyền Năm hữu nghị Việt-Trung; kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây.

Các cơ quan báo chí cũng chủ động, tích cực, kiên trì đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực cơ hội, thù địch lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, biển đảo... để chống phá Việt Nam.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo (trung ương 76 báo; địa phương 102 báo) và 528 tạp chí. Lĩnh vực phát thanh truyền hình có 67 đài phát thanh- truyền hình (gồm 3 đài phát thanh truyền hình ở trung ương, 64 đài phát thanh và truyền hình ở các địa phương). Lĩnh vực thông tin điện tử có 21 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo in và hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, 17.000 nhà báo được cấp thẻ Nhà báo.

Quang Anh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ