Bám chữ, bám trường vì tình yêu con trẻ
Dù bao gian nan, nhọc nhằn, vất vả, vẫn còn đó những tấm gương nhà giáo đang viết nên bao câu chuyện đẹp cho đời. Họ không chỉ truyền lửa, ươm mầm ước mơ cho học trò mà còn là những tấm gương về sự tận tụy, say mê cống hiến. Cùng chương trình “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó”, chúng ta càng hiểu hơn những khó khăn mà thầy cô giáo phải đương đầu để bám lớp, bám trường.
Câu chuyện của cô Nguyễn Thị Hà, cô giáo viên mầm non, với dáng người nhỏ nhắn, bỏ miền xuôi “cõng chữ” lên bản với các em dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My – Quảng Nam. Chồng mất, con thì nhỏ nhưng cô đã gác lại niềm riêng để mỗi ngày đứng trên lớp, dạy chữ, truyền kiến thức cho trẻ em vùng cao. Bởi cô biết, những đứa trẻ Ca Dong, Xơ Đăng rất cần những con chữ để khai sáng tương lai. Cũng tại huyện Nam Trà My, cô Nguyễn Thị Hiệp phải gửi con cho ông bà chăm sóc, cùng chồng đang bệnh nan y lên non cao gieo chữ.
May mắn hơn cô Hà, cô Hiệp, cô giáo Rô H’Anh ở vùng đất đỏ Tây Nguyên có chồng bên cạnh và ủng hộ cùng cô “lập nghiệp” ở vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhất của tỉnh Gia Lai, đó là xã Kon Pne – huyện Kbang. Bởi hơn ai hết, cô hiểu những giá trị mà tri thức mang lại, có thể thay đổi hoàn cảnh, số phận của những đứa trẻ nơi đây.
Hướng lên Kon Tum, về Trường Mầm non Đăk Nớ, Xã Đăk Pét, Huyện Đăk Glei, “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó” đã ghé thăm cô Nguyễn Thị Thơm - cô giáo mầm non một lòng hướng tới trẻ em vùng cao và được nghe cô kể câu chuyện tình yêu đầy sắc son của mình với mảnh đất Tây Nguyên. Trong 12 năm cô kết hôn, thì 11 năm chồng cô phải nằm một chỗ, mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình đều đặt nặng lên đôi vai của cô. Đã có không ít sóng gió và khó khăn mà cô Thơm đã phải đối mặt, nhưng cô vẫn luôn vượt qua tất cả với tinh thần lạc quan nhất.
Cùng thầy cô vượt qua nghịch cảnh
Hành trình “Đồng hành giáo viên vượt khó” còn đi qua những đường đèo dốc của Tây Bắc, đến Trường Mầm non Hoa Hồng, Tỉnh Lào Cai - nơi câu chuyện về cô giáo Trần Thị Thu Hằng được truyền tai như một tấm gương về nghị lực trước số phận. Chứng kiến gương mặt gầy gò vì xạ trị, nhưng niềm tin vẫn đong đầy và hơn ai hết, tâm huyết với nghề giáo vẫn vẹn nguyên khiến ai cũng cảm phục. Hay như câu chuyện về thầy giáo Đức Trịnh. Sau những giờ lên lớp, thầy Trịnh lại trở về căn nhà nhỏ để chăm sóc bố là thương binh và người anh trai đang chịu di chứng từ chất độc da cam.
Ở Đà Nẵng là câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Bé với đồng lương ít ỏi phải gồng gánh cả gia đình. Chồng bị tai biến, công việc không ổn định, đứa con bị tự kỷ, một mình cô còn chăm lo cho người mẹ già. Cuộc sống kinh tế khốn khó từng ngày khiến oằn thêm đôi vai gầy guộc của cô.
Đến với Ninh Thuận, chúng tôi lại trăn trở vì hoàn cảnh của cô Trương Thị Hoa và cô Thúy Lan. Nếu cô Hoa phải sớm gánh chịu mất mát từ sự qua đời đột ngột vì tai nạn của người con trai, bản thân thì mang bệnh nặng thường phải đi bệnh viện, thì cô Thúy Lan lại không may bị tai nạn thương tật ở chân. Dẫu vậy mỗi ngày, hai cô vẫn nhiệt tâm lên lớp vì trách nhiệm của một nhà giáo.
Tại Bạc Liêu, một hoàn cảnh khác của một người thầy mất vợ cũng khiến mọi người bồi hồi xúc động. Đó là trường hợp của thầy Huỳnh Đinh Lăng công tác tại trường THCS Phong Phú - Giá Rai. Cả hai vợ chồng đều là giáo viên, thầy dạy Lý, cô dạy Toán. Tưởng chừng cuộc sống bình dị trôi qua thì căn bệnh ung thư đã cướp mất đi người vợ của thầy Lăng, khiến cho thầy phải vất vả cảnh gà trống nuôi con, lại còn phải gống gánh nợ nần do vay mượn để chữa trị cho vợ. Tuy vậy thầy Lăng vẫn luôn mang đến niềm vui, hứng khởi cho học sinh mỗi khi lên lớp.
Tri ân ngành GD Việt Nam
Cho đến nay, nghề giáo vẫn được coi là nghề cao quý trong xã hội. Thế nhưng vẫn có không ít thầy cô giáo đang gặp khó khăn cả trong đời sống thường nhật lẫn công tác giảng dạy. Vì vậy, Công ty BITEX - nhà phân phối độc quyền máy tính Casio tại Việt Nam với hơn 25 năm song hành cùng ngành giáo dục đã tâm huyết thực hiện chương trình “Đồng hành cùng giáo viên vượt khó”.
Chia sẻ cảm xúc của mình, Ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty BITEX cho biết: “Khi BITEX bắt tay thực hiện chương trình này, chúng tôi hiểu rằng đây sẽ là một sứ mệnh có ý nghĩa và đáng tự hào. Chương trình cũng chính là tâm huyết của tôi dành cho các thầy cô giáo trên mọi miền tổ quốc. Bởi họ chính là nhân tố đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, truyền cảm hứng học tập đến thế hệ trẻ tương lai”.