Xúc động chuyện của thợ chụp ảnh đêm giao thừa thời đại smartphone

Hơn 40 năm chụp ảnh và đón giao thừa trên Hồ Gươm, người thợ chụp ảnh Hồng Phong ấy đều có những cảm xúc đặc biệt. Câu chuyện gây xúc động ngày đầu năm mới.

Chú Phong đã có 40 năm chụp ảnh, chứng kiến bao đổi thay ở Hồ Gươm. Ảnh: NVCC.
Chú Phong đã có 40 năm chụp ảnh, chứng kiến bao đổi thay ở Hồ Gươm. Ảnh: NVCC.

Trong những ngày đầu xuân năm mới, rất nhiều người đã cùng trao cho nhau những lời chúc ngọt ngào, yêu thương nhất. Tuy nhiên, ở đâu đó trong đêm giao thừa vẫn có những người lặng lẽ mưu sinh.

Mới đây, trên trang cá nhân của facebook Hoàng Linh có kể lại câu chuyện mà chị được tận tai nghe, đó là câu chuyện về người đàn ông có tên Hồng Phong là người thợ chụp ảnh được 40 năm nay trên Hồ Gươm.

Theo lời mà chị Hoàng Linh chia sẻ, người đàn ông ấy hiện đang vừa làm bảo vệ cho một công ty, ngày tết chú đã xin nghỉ 7 ngày để có thể đi làm với hi vọng kiếm thêm đôi chút thu nhập.

Thế nhưng, chị Linh chia sẻ thêm rằng do hiện nay ai cũng có điện thoại, smartphone nên việc mọi người tìm đến chú chụp ảnh không còn nhiều.

“Nghe chú nói giờ ai cũng có điện thoại, ít người chụp ảnh nhưng chú vẫn bám trụ vì đam mê và vì đã gắn bó với nơi này quá lâu khiến mình thấy sống mũi cay cay trong ngày đầu năm” - Chị Linh viết trên trang cá nhân.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, chị Hoàng Linh (có mặt tại Hồ Gươm tối qua) cho hay: “Mình và gia đình lên phố chơi, khi đi qua đoạn Cầu Thê Húc mình bỗng để ý có một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi gọn một góc, trên người ôm túi máy ảnh.

Mình tò mò, muốn hỏi xem tết năm nay lượng người có đông hơn năm ngoái hay không (vì năm ngoái mình không đi) và đã được nghe chú chia sẻ về công việc nhiếp ảnh của mình”.

Theo lời chia sẻ của chú với chị Linh, được biết người đàn ông này có tên Hồng Phong (nhà ở phố cổ Hà Nội), chú đã có thời gian 40 năm chụp ảnh ở Bờ Hồ.

“Chú Phong có chia sẻ rằng chú chụp ảnh ở đây từ hồi Hồ Gươm còn có tàu điện leng keng, những con đường còn toàn đất...Chú làm bảo vệ là chính, nhưng mức lương bảo vệ không đủ trang trải nên tết đến là chú lại xin nghỉ 7 ngày để đi làm thêm nghề chụp ảnh đêm giao thừa.

Chú có nói với mình mọi năm có bắn pháo hoa cũng có nhiều khách đặt hàng trước, muốn chụp được cảnh người và pháo hoa. Thế nhưng năm nay, không biết khách có còn muốn chụp ảnh nữa hay không” - Chị Linh nói.

Xuc dong chuyen cua tho chup anh dem giao thua thoi dai smartphone - Anh 2

Thời buổi hiện đại, công nghệ smartphone chiếm ưu thế.

Có một điều khiến chị Linh ấn tượng nhất, để chị có cảm xúc viết lên những lời trên đó chính là trăn trở của người thợ chụp ảnh già khi mà thời nay, điện thoại xịn đã chiếm ưu thế, chú không biết rồi mai đây có còn những người thợ chụp ảnh dạo như các chú nữa hay không.

Lời chia sẻ của người đàn ông ấy, như khiến chị Linh ngậm ngùi, chị chào chú và trong lòng man mác những hoài niệm xưa cũ về những bức ảnh và về những cái tết ở Hà Nội có tàu điện leng keng cứ ùa về.

Một năm mới lại về, chia sẻ thêm với PV, chị Linh dành lời chúc: “Nhân dịp năm mới đến, mình xin gửi lời chúc đến tất cả mọi người một năm mới sức khỏe dẻo dai, công việc thuận lợi, thăng tiến dài dài, tiến tới thành công”.

Theo GĐ&PL

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ