Xuất khẩu lương thực phải có kiểm soát

Xuất khẩu lương thực phải có kiểm soát

Những vùng có năng suất cao, chất lượng tốt, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực, “không phải bế quan tỏa cảng”.

Kiến nghị xuất khẩu gạo trở lại

Mới đây, Bộ Công Thương gửi báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo trở lại. Theo đó, việc xuất khẩu gạo phải được kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng. Trước mắt, việc tái xuất khẩu gạo được đề xuất thực hiện ngay trong tháng 4 và 5/2020. Kiến nghị này được đưa ra sau khi Bộ Công Thương làm việc, khớp lại số liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các bộ, ngành liên quan.

Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 và 5/2020 là 800.000 tấn, sau khi đã trữ 300.000 tấn vào kho dự trữ quốc gia và 400.000 tấn giữ lại phòng tình huống có thể xảy ra trong 2 tháng tiếp sau. Riêng trong tháng 4, lượng gạo có thể xuất khẩu là 400.000 tấn gạo. Lượng còn lại xuất trong tháng 5 sẽ được Thủ tướng quyết định vào tuần cuối cùng của tháng 4. Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 bằng cách cộng dồn, trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan.

Để xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch (300.000 tấn). Ngoài ra, chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không...), nơi có đủ trang thiết bị nối mạng để Tổng cục Hải quan tiện theo dõi, phản ánh theo thời gian thực. 

Ngoài ra, 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn sẽ phải ký thỏa thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị bảo đảm cung cấp dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện theo thỏa thuận, Bộ Công Thương có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.

Xuất khẩu phải có kiểm soát

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, về an ninh lương thực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ xuất khẩu là cần thiết, là thế mạnh của nước ta nhưng trong bối cảnh hiện nay thì xuất khẩu phải có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực... Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu về bảo đảm lương thực dư dả cho 100 triệu dân, không chỉ đủ ăn mà còn dự trữ và thực hiện các nhiệm vụ khác như: Hỗ trợ gạo để trồng rừng, học sinh miền núi… 

Việc dự trữ lương thực không chỉ bảo đảm về số lượng và chất lượng, bảo đảm giá cả cho người nông dân mà đi liền với đó là cấm đầu cơ tích trữ nâng giá. Xuất khẩu là cần thiết, là thế mạnh của nước ta nhưng trong bối cảnh hiện nay thì xuất khẩu phải có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực trên tinh thần thực hiện tốt Nghị định 107 của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương trong cả nước chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt là sản xuất lương thực để các vùng, miền có đất lúa, đặc biệt là lúa nước cố gắng bảo đảm cân đối được lương thực, đồng thời những vùng có năng suất cao, chất lượng tốt, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực, “không phải bế quan tỏa cảng”. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm chỉ đạo các vụ sản xuất trong năm, bảo đảm sản lượng, chất lượng, thời vụ. Các cấp, các ngành có liên quan, các địa phương đều phải đẩy mạnh xử lý vấn đề đầu cơ, tích trữ, nâng giá, ghìm giá trái phép. Bộ Công Thương điều hành chặt chẽ, có kiểm soát để bảo đảm nguồn lương thực ở nước ta.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương có văn bản chính thức (có ý kiến của một số bộ liên quan) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xuất khẩu gạo trước ngày 5/4/2020, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực trong bối cảnh thời tiết, khí hậu, dịch Covid-19. Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng 190.000 tấn gạo, 90.000 tấn thóc và có thể mua cao hơn để dự trữ theo chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt, đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, vụ lúa 2020 sẽ cho thu hoạch 43,5 triệu tấn thóc, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 là 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Riêng vụ Đông Xuân năm 2020 có khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu, số này có thể tăng thêm 200.000 - 300.000 tấn do một lượng gạo nhất định “gối” từ năm trước chuyển qua. Trong khi đó, rà soát tại doanh nghiệp, riêng các thành viên của VFA, lượng gạo còn trong kho là hơn 1,65 triệu tấn. Đến 31/5, số gạo dư của các thành viên VFA là 266.000 tấn. Tính chung các doanh nghiệp ngoài hiệp hội này, lượng gạo hiện có trong kho là 1,783 triệu tấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số tang vật chuyên án 324C mà lực lượng cảnh sát ma túy triệt phá.

Triệt phá gần 30.000 vụ án về ma túy

GD&TĐ - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025.