Xuất bản sách “mùa Covid”

GD&TĐ - Những năm trước, trung bình mỗi năm có khoảng hơn chục hội sách được tổ chức. Nhưng gần hai năm nay, đại dịch khiến những hội sách không được tổ chức.

Những bản sách giới hạn được công ty Đông A ra mắt đáp ứng nhu cầu của người sưu tập sách.
Những bản sách giới hạn được công ty Đông A ra mắt đáp ứng nhu cầu của người sưu tập sách.

Những tín hiệu gần đây cho thấy các đơn vị xuất bản đang có sự chuyển mình…

Cái khó ló cái khôn

Quan sát lĩnh vực xuất bản trong thời gian qua có thể nhận thấy sự dịch chuyển không chỉ của cơ quan quản lý là Cục Xuất bản, In và Phát hành mà sự dịch chuyển bộc lộ ngay từ chính các đơn vị làm sách.

Nhiều đơn vị đã xoay hướng sang tổ chức các hội sách trực tuyến (online) và đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Những thương hiệu sách như Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, NXB Kim Đồng và các công ty sách như Đông A, Nhã Nam, Anpha Books, Thái Hà Books… đã lập tức nắm bắt cơ hội tổ chức các hội sách trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu độc giả.

Trong thời điểm giãn cách xã hội, ở nhà tránh dịch, các đơn vị xuất bản thừa nhận doanh số từ bán sách qua mạng tăng hơn so với trước khá nhiều. Một thống kê cụ thể từ Hội sách trực tuyến quốc gia lần 2 năm 2021 cho thấy, sau một tháng tổ chức, đã bán ra hơn 40.000 cuốn sách, gấp 3 lần kết quả của hội sách năm 2020, trong đó 60% đơn hàng thuộc về các tỉnh thành ngoài Hà Nội, TPHCM.

Doanh số giá bìa đạt 4,5 tỉ đồng; doanh số theo giá bán (đã trừ giảm giá của các đơn vị) đạt 3,5 tỉ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với hội sách 2020 (1 tỉ đồng).

Song, sự xoay trục, chuyển mình nhanh, dễ nhận thấy ở khu vực những công ty sách, nơi mà độ bén nhạy thị trường thường nhỉnh hơn các NXB có thâm niên. “Bản thân các công ty sách trước đó đã đầu tư các trang web, có đội ngũ truyền thông và bán hàng. Song song, là các trang fanpage riêng trên mạng xã hội nên họ vào cuộc nhanh hơn.

Trong khi đó nhiều NXB lâu nay chưa đầu tư cho trang web, thậm chí trang riêng trên Facebook và chưa có người chuyên trách để trả lời các tương tác (giao lưu, thắc mắc, đặt hàng…) của người đọc/khách hàng trên mạng xã hội”, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản nhận xét.

Tuy vậy, sau gần hai năm gặp khó do Covid-19 gây ra, đến thời điểm này, ngay cả những đơn vị xuất bản có tính “thủ cựu” nhất cũng phải tìm cách xoay trở.

Vì thế, trong thời gian qua, không chỉ thấy việc bán sách cũng như các hình thức giao lưu, đọc sách được tăng cường thông qua hình thức trực tuyến, một số đơn vị xuất bản đi sâu vào làm dòng sách đặc biệt để tìm kiếm và đáp ứng phân khúc độc giả có nhu cầu chơi sách, sưu tập sách.

Đi đầu trong dòng sách phiên bản đặc biệt, có đánh số thứ tự cho từng cuốn sách là Công ty Đông A.

Những bản sách bìa da, hoặc giả da do đơn vị này sản xuất - dù là S100 (tức chỉ làm 100 cuốn), hay S500 (in 500 cuốn) như “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, “Người kép già” (Kim Lân), “Việt Nam sử lược” (Trần Trọng Kim), “Đảo mộng mơ” (Nguyễn Nhật Ánh)… đều được độc giả, các nhà sưu tập đặt mua rất nhanh, chỉ trong vòng một vài phút sau khi mở bán.

Bên cạnh Đông A, các đơn vị khác như Nhã Nam, Thái Hà, Kim Đồng… cũng nhập vào đường đua làm sách giới hạn, bản đặc biệt vì nhìn thấy “tiềm năng” từ thị trường.

Một số ý kiến cho rằng, dòng sách S đang “cứu nguy” cho một số đơn vị xuất bản trong thời kỳ khó khăn vì đại dịch này. Bởi giá mỗi đầu sách bản đặc biệt khá cao so với bản sách phổ thông.

Giá mỗi bản sách này dao động từ 1 - 10 triệu đồng, giao dịch mua đi bán lại sau đó thì có thể cao hơn. Điều quan trọng hơn, các đơn vị làm sách làm ra đến đâu bán hết tới đó và thu được tiền ngay, không bị nợ đọng vốn.

Đưa xu thế thời đại vào ngành sách

Đây chính là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng với ngành xuất bản, về chiến lược phát triển trong 5 năm tới trong cuộc họp với lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, đại diện các NXB diễn ra cách đây chưa lâu.

Trước đây có rất ít sách thì việc chính là có sách để đọc. Bây giờ lại có quá nhiều sách thì việc chính lại là lọc và tìm đúng quyển sách để đọc. Mỗi người trong số hàng tỷ người đều có nhu cầu đi tìm đúng quyển sách để giải quyết nhu cầu, vấn đề của mình. Vậy thì ngành xuất bản sẽ làm gì?

Bộ trưởng đặt vấn đề như vậy và gợi mở: Bây giờ quá nhiều mối quan tâm, nhưng thời gian mỗi ngày vẫn là 24 giờ và vì vậy, thời gian dành cho mỗi vấn đề bị ít đi. Thời gian dành cho sách do vậy cũng ít đi. Vậy sách có nên dài hàng ngàn trang, hàng trăm trang nữa không?

Và nếu vẫn phải dài thế thì có nên có phiên bản hỗ trợ ngắn hơn hoặc có công cụ tìm kiếm để giúp người đọc nhanh chóng nắm được ý chính rồi khi nào có thời gian sẽ đọc kỹ hơn không? Nếu có thể làm cho ngắn hơn, cho có liên quan hơn, chất lượng nội dung cao hơn mỗi người mỗi năm thay vì chỉ đọc vài cuốn sách có thể đọc vài chục cuốn không?

Chính vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một quyển sách có nhiều đối tượng đọc, người đọc cũng đọc bằng các phương tiện khác nhau (mà đọc di động ngày càng nhiều hơn), vậy có nên có những phiên bản khác nhau của cùng một cuốn sách cho các đối tượng khác nhau, cho các phương tiện đọc khác nhau không? Nếu không có công nghệ, không có môi trường số, không có sách điện tử việc này không dễ và tốn kém. Nhưng nếu dễ và rẻ ta có làm không?

“Cái cần giữ lại, cái bất biến là mục tiêu, là sứ mệnh chứ không phải phương tiện thực hiện. Mục tiêu, sứ mệnh vẫn là lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Nhưng phương cách cần có những đổi mới. Sách là một khái niệm mở và phát triển.

Chế tác và nhân bản sẽ phụ thuộc vào môi trường sống và sự phát triển của khoa học công nghệ. Những đổi mới này tôi tin là sẽ giúp lĩnh vực xuất bản thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Từ phía đơn vị trực tiếp làm xuất bản, ông Nguyễn Cảnh Bình -  Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) cho rằng, chúng ta nên định nghĩa lại ngành xuất bản theo phạm vi rộng hơn: Xuất bản là mọi hoạt động của con người nhằm lưu trữ/phổ biến/lan tỏa tri thức/kiến thức của con người ra ngoài xã hội.

Nếu theo định nghĩa này thì nhiều không gian mới được mở ra cho ngành xuất bản ví dụ như: YouTube, Amazon, Facebook… Chính vì thế, sản phẩm của nền xuất bản “mới” bao trùm nhiều hình thức thể hiện hơn là sách giấy.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ