Đây được coi như cách để dạy học sinh về sự chia sẻ, yêu thương.
Nồi bánh chưng đặc biệt
Không khí Tết tưởng như có thể “sờ nắm” được khi những ngày đầu năm 2024, tập thể lớp 12/9, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tổ chức gói bánh chưng để gửi tặng các bạn nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Sản phụ - Nhi Đà Nẵng.
Trần Văn Minh Hải - lớp trưởng lớp 12/9 kể: “Các công đoạn làm bánh chưng, từ chuẩn bị nguyên vật liệu như mua nếp, chọn rồi rửa lá, phơi, chia thịt, ngâm đỗ cho đến gói bánh, canh bếp…, chúng em đều tự làm. Lớp 40 bạn thì chia thành 4 nhóm cho các phần việc; bạn nào muốn tham gia tất cả công đoạn đều được. Nhưng đông vui nhất vẫn là mấy tiếng đồng hồ ngồi gói bánh và thức đêm canh lửa cho nồi bánh chín đều”.
40 học sinh của lớp 12/9 lần đầu tiên tự trải nghiệm việc gói bánh chưng. “Chúng em chưa làm bao giờ nên lúc đầu lúng túng và vụng về, phải nhờ phụ huynh hướng dẫn sau đó mới tự làm được. Có sẵn khuôn nên lúc gói không đến mức bị méo mó nhưng nhiều bạn buộc dây không chặt. Bạn nào cũng háo hức với nồi bánh chưng, nhắc nhau canh giờ để châm thêm nước, canh lửa để lúc nào thì rút bớt củi cho bánh chín đều. Một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng giúp chúng em trải nghiệm được hương vị, không khí Tết truyền thống”, Minh Hải kể.
50 cặp bánh chưng đón Tết sớm là những món quà đầy yêu thương được tập thể lớp 12/9, Trường THPT Hoàng Hoa gửi tặng thầy, cô giáo bộ môn như lời tri ân của trò cuối cấp. Các thành viên của lớp cũng góp thêm kinh phí để mua thêm sữa và một số nhu yếu phẩm cùng với bánh chưng làm quà tặng các em nhỏ bị bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện Sản phụ - Nhi Đà Nẵng.
Hoạt động gói bánh chưng là một kỷ niệm đẹp của mỗi học sinh lớp 12/9. Những câu chuyện đầy bỡ ngỡ, rụt rè của ngày đầu mới nhận lớp, những dự định về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai được các thành viên của lớp chia sẻ bên bếp lửa giúp tình bạn thêm gắn kết.
Tương tự, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã phối hợp cùng với phụ huynh tổ chức “Ngày hội chào Xuân 2024”, trong đó có hoạt động trải nghiệm “Gói bánh chưng ngày Tết” tặng học sinh vùng cao. Những chiếc bánh chưng xanh được gói bằng tình cảm và sự sẻ chia của cán bộ giáo viên, phụ huynh, học sinh nhà trường để gửi tới các em nhỏ vùng cao chút hương vị của ngày Tết cổ truyền. Từ hoạt động gây quỹ “Ngày hội chào Xuân 2024”, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã tặng 59 bánh chưng xanh cùng 59 bao lì xì, mỗi bao 400.000 đồng tới trẻ em vùng cao, có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Học sinh lớp 12/9, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tổ chức gói bánh chưng tặng quà Tết. Ảnh: NVCC |
Tết yêu thương, cùng bạn đến trường
Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Mai (xã Trà Mai, Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ: “Đã thành truyền thống, mỗi lớp đều có một con heo đất do học sinh tự nguyện đóng góp nhằm gây quỹ động viên, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Từ nguồn tiết kiệm của phong trào nuôi heo đất, 36 suất quà Tết của chương trình “Tết yêu thương, cùng bạn đến trường” được trao trong đợt 1. Mỗi suất quà trị giá khoảng 300.000 đồng”.
Ngoài ra, Liên đội Trường THCS Trà Mai còn phát động phong trào Kế hoạch nhỏ, quyên góp giấy vụn, phế liệu, vỏ chai nước, vỏ lon nước ngọt, đồ dùng học tập còn sử dụng được hoặc đóng góp các vật phẩm khác... Số kinh phí thu được từ phong trào sẽ góp thêm vào Quỹ Đội, hỗ trợ đội viên nghèo vượt khó.
Trong những năm qua, Trường THCS Trà Mai có nhiều mô hình hay với hiệu quả giáo dục tốt, tạo được sự ủng hộ, đồng thuận từ phía gia đình và nhà trường như “Vườn rau em chăm”, “Xe đạp giúp bạn đến trường”, “Nuôi heo đất giúp bạn đến trường”, “Ngôi nhà Kế hoạch nhỏ”...
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phần lớn là con em lao động phổ thông khá nhiều nên công tác chăm lo, hỗ trợ luôn được quan tâm. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng, nhà trường chọn ra hơn 30 em có hoàn cảnh khó khăn nhất để trao quà Tết (mỗi suất trị giá khoảng 500.000 đồng). Bên cạnh đó, hội cha mẹ học sinh các lớp cũng trao phần quà có giá trị khoảng 300.000 đồng/suất cho học sinh khó khăn. Ngoài ra, từ các nguồn vận động, trường còn có thêm 17 suất quà cho học sinh khuyết tật học hòa nhập để động viên tinh thần.
Những cánh én yêu thương
Đoàn Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) vừa kết thúc 2 ngày của chiến dịch tình nguyện “Cánh én yêu thương” tại nóc Xơ Rơ (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).
Chương trình được triển khai gây quỹ từ nguồn thu của tủ bánh mì - xe nước mía sinh viên, xổ số may mắn… 85 triệu thu được từ các hoạt động, Đoàn Trường ĐH Đông Á trao tặng một khu vui chơi cho điểm trường lẻ thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nông Văn Dền. Khu bán trú của nhà trường được sinh viên lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, đảm bảo ánh sáng cho học sinh sinh hoạt và vui chơi. Kèm theo đó là 3 loa phát thanh được gửi tặng để nhà trường thuận lợi trong tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài trời. Ngoài ra, còn có 150 suất quà dành cho bà con sinh sống tại nóc Xơ Rơ.
Cũng trong chuyến đi này, sinh viên Trường ĐH Đông Á tổ chức 5 gian hàng mang không khí Tết đầm ấm đến các em nhỏ (gian hàng trò chơi dân gian, chụp ảnh Tết đoàn viên, nấu bánh chưng, bánh tét, tặng quần áo ấm…). Từ đầu tháng 1/2024, đoàn viên sinh viên Trường ĐH Đông Á bắt đầu thi công các hạng mục thiết bị và sơn sửa vật dụng chuẩn bị cho khu vui chơi. Một nhóm khác thì tổ chức quyên góp và phân loại quần áo ấm và dụng cụ cho “gian hàng 0 đồng”.
Trong chương trình “Ngày hội chào Xuân 2024” của Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có một gian hàng với tên gọi đặc biệt: “Vì nụ cười của núi”. Gian hàng bán một số sản vật ngày Tết với mục đích ủng hộ cho các bạn nhỏ vùng cao. 18 triệu đồng thu được từ gian hàng này được chuyển đến Câu lạc bộ “Bạn thương nhau” (Đà Nẵng). Một chương trình giao lưu giữa các bạn nhỏ phố thị - miền núi đã diễn ra, dù thời gian không dài.
Anh Nguyễn Bình Nam - Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Bạn thương nhau” chia sẻ: “Chúng tôi bất ngờ khi thầy, cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng dành nhiều yêu thương cho các bạn nhỏ miền ngược.
Những hoạt động giao lưu văn hóa ngày Tết như múa lân, văn nghệ; gói - nấu bánh chưng, bánh tét; tò he; tô tượng là trải nghiệm đẹp đối với những học sinh vùng cao lần đầu xuống phố. Các em được tặng nhiều quà gồm áo ấm, balo, bánh kẹo, bánh chưng, phong bao lì xì. Đặc biệt, trong mỗi phong bao là tấm thiệp chúc Tết do học sinh làm, với những thông điệp ý nghĩa và đậm tình sẻ chia”.