(GD&TĐ) - Cuối đông, miền rẻo cao Tây Bắc được bao bọc bởi cái lạnh tê tái. Núi rừng giăng khắp mờ sương. Bỗng khi trưa chút nắng hửng, màn sương tan loãng, chợt thấy những vạt hoa chuối rừng bên núi, những rặng đào nụ còn đang ngậm…Ôi, xuân đã về…
Hoa đèo rẻo cao |
Hoa đào, hoa ban và những nụ nười
Tiếng í ới gọi nhau, tiếng nói cười, tiếng lợn kêu khắp thôn khiến Giàng Thị Mẩy ở thôn Bản Phố 2B (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) chợt tỉnh giấc. Chị vội đánh thức chồng dậy bắt lợn và dặn con gái lớn ở nhà trông em. Hai vợ chồng ăn mặc quần áo đẹp rồi dắt theo con ngựa được chất nặng nào ngô, nào rau và hai con lợn Mán cùng bà con trong thôn xuống chợ. Ánh đuốc lập lòe rẽ màn đêm, soi rõ con đường nhỏ dẫn lối Mẩy đi.
Chợ huyện ngày cuối tuần đông hơn mọi khi, cuối năm mà, ai cũng ăn mặc đẹp với váy áo thổ cẩm rực rỡ, hàng hóa chất đầy khắp chợ, lữ khách khắp nơi tìm về khiến chợ càng đông vui. Chỉ một buổi sáng Mẩy đã bán hết hàng mà nếu là ngày thường chị phải ngồi ế đến tận chiều muộn. Hai vợ chồng tự thưởng bát thắng cố bên bếp than hồng nơi gian hàng ẩm thực giữa chợ rồi mua bánh kẹo, quần áo mới cho con, mua chiếc bếp từ và những vật dụng chuẩn bị đón xuân rồi lại cùng nhau dắt ngựa về trong tiếng cười rộn rã. Ánh mắt nhìn nhau tình tứ như thủa còn xoan say nhau trong điệu voan, tiếng khèn, trong men rượu ngô…
Ngôi nhà khang trang vừa xây xong của ông Lỳ Seo Dì ở xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã được trang hoàng thật đẹp. Một cành đào rất to với vô vàn nụ đang e ấp được để trong phòng khách. Vợ con ông vừa lên nương gùi về hàng chục gùi cải nương xanh mướt để chuẩn bị cho đi phiên chợ cuối sớm mai. Chỉ chú lợn đen nặng khoảng vài yến đang ủn ỉn trước sân nhà, ông bảo: “Nhà tôi năm nay nuôi được chục con lợn Mán, bán vèo cái là hết, họ đưa về cho người dưới xuôi ăn tết chuộng lắm. Tôi để lại con to nhất này để cả nhà đón tết với bà con. Năm nay vui lắm nhà báo ạ vì có của ăn của để, có nhà mới, không phải ở nhà lụp xụp quanh năm gió lùa như trước nữa. Năm xưa chỉ biết trồng một vụ ngô trên núi đá, lúc nào cũng đói, chỉ biết uống rượu giải sầu. Nay đã được Nhà nước quan tâm làm đường vào thôn, cán bộ các cấp cho vay vốn, hướng dẫn làm ăn, trồng lúa trên ruộng bậc thang, trồng cải, nuôi lợn, nuôi trâu…nên cuộc sống thay đổi hẳn. Được cán bộ công an chỉ bảo điều hay, lẽ thiệt nên cũng chẳng ai đi theo bọn xấu làm điều bậy nữa…”. Rồi ông chỉ cho tôi vườn đào dưới thung trước nhà: “Tôi trồng thêm nhiều đào để bán. Bà con ấm cái bụng, vui cái đầu để đón xuân rồi”.
Sapa những ngày cuối năm vui như trẩy hội với du khách khắp nơi đổ về và người dân chuẩn bị đón tết. Bà con người Mông là vui nhất vì cùng lúc được đón hai cái tết là tết truyền thống của dân tộc mình và xuân chung của cả đất nước.
Hai em bé Mã Thị Lan và Giàng Thị Mỵ cùng chúng bạn xúng xính trong bộ quần áo mới đang chơi đùa trên bãi rộng nhiều trò chơi giữa thị trấn. Mỵ hồn nhiên kể: “Năm nay cháu và các bạn trong thôn đều đủ ăn, được đi học, không có đứa nào bị nhịn đói và phải bỏ học như mấy năm trước. Gần Tết mẹ mua áo váy mới, thêm nhiều thịt ngon cho chúng em, cho chúng em xuống thị trấn chơi. Các chú công an và cán bộ xã đến thăm nhà còn cho chúng em quà nữa, vui lắm. Hôm trước có mấy người lạ đến, gọi bố em ra cửa thì thầm và định kéo đi tụ tập lên núi nhưng bố em không đi. Bố mẹ bảo Nhà nước cho dân ấm no thì theo Nhà nước thôi, không nghe lời người khác làm điều không tốt…”.
Bước chân chúng tôi đi qua nhiều đất biên cương phía Bắc. Từ sắc hoa đào Lào Cai đến sắc hoa ban Lai Châu, Điện Biên.., nơi đâu không khí xuân cũng đang rộn rã và bà con vui vẻ đón xuân. Rẻo cao còn nhiều gian khó nhưng chứa trong mình biết bao vẻ đẹp đằm thắm. Mỗi độ xuân về, cùng gác lại trăn trở và bộn bề, đất và người rẻo cao phấn khởi mở lòng mình như hoa đào, hoa ban nở…
Em gái người Mông ngày xuân |
Những người giữ bình yên cho mùa xuân
Xuân đến miền biên viễn, ai cũng muốn say trong men rượu, nồng nàn trong tiếng hát, đắm mình trong điệu khèn, thả tay tung còn…nhưng có những người không được phép say. Họ phải tỉnh táo để âm thầm giữ bình yên cho mùa xuân, cho bà con vui chơi. Họ là những chiến sỹ công an miền sơn cước.
Thượng tá Đinh Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mường Khương đã gắn bó với mảnh đất gian khó suốt hơn 30 năm công tác, đến nỗi cả Công an tỉnh Lào Cai ai cũng kính nể anh về thành tích bám trụ này. Theo lời anh, anh trưởng thành trong những tháng ngày gắn bó với bà con, cảm nhận cái tình đất này để có động lực vượt qua những phút yếu lòng mà không nỡ rời xa. 30 năm là 30 mùa xuân, 30 cái tết anh chia sẻ với bà con nơi đây. Tết nào anh cũng cùng đồng đội trực 100% quân số để vừa sẵn sàng góp sức mạnh với các lực lượng khác bảo vệ an ninh biên giới, vừa căng sức giữ gìn an ninh trật tự cho đồng bào đón xuân. Khi bà con đang vui chơi thì các tổ công tác của công an lại phải âm thầm tỏa đi khắp các thôn bản để nắm tình hình, các đội nghiệp vụ phải khẩn trương xử lý những vụ việc xảy ra. Đồng chí Trưởng Công an huyện kể rằng: “Có lần chỉ còn vài giờ nữa là đến năm mới, Công an huyện nhận được tin báo về một vụ việc phức tạp xảy ra ở địa bàn xa. Trực tiếp tôi dẫn đầu cùng tổ công tác đi xe máy vượt chặng đường mấy chục cây số rồi lại phải leo bộ qua núi chặng đường dài nữa mới tới nơi. Mải miết giải quyết việc xong, mấy anh em lếch thếch ống thấp ống cao lần đường về, người mệt và đói lả trong lạnh xuống gần độ âm, chợt nghe xa xa tiếng bà con reo đón giao thừa, chợt thấy lòng lặng lại. Mấy anh em chợt nắm chặt tay nhau nói lời chúc năm mới với nhau giữa rừng…”.
Chúng tôi gặp Thượng tá Vũ Văn Truyền, Phó trưởng Công an huyện Bắc Hà khi anh đang bươn bả đi kiểm tra công tác giữ gìn an ninh cho đồng bào đón xuân trên địa bàn xã Cốc Ly, một xã cách trung tâm huyện tới hơn 50km. Trò chuyện với chúng tôi trên công trình Thủy điện Cốc Ly nơi dòng Sông Chảy, anh bảo: “Đây là chuyện thường ngày của chúng tôi khi giáp Tết, thậm chí những ngày tết còn bận hơn. Không chỉ đảm bảo ANTT cho Tết Nguyên đán, chúng tôi còn phải giữ an toàn cho Tết cổ truyền của đồng bào Mông, chiếm hơn 44% dân số toàn huyện. Do vậy, các kế hoạch phải triển khai từ khá sớm, các tổ công tác cũng phải lên đường tới thôn, xã vùng sâu, vùng tập trung đồng bào thiểu số từ đầu tháng Chạp. Đã nhiều năm nay, cũng như các anh em khác ở đơn vị, dù nhà ở ngay thị trấn nhưng ít có năm nào tôi được đón giao thừa cùng gia đình. Khi dân vui tết là khi chúng tôi lại phải căng ra với nhiệm vụ công tác của mình, không chỉ giữ trật tự an toàn mà còn phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ khác phòng chống các thế lực phản động chống phá an ninh quốc gia”.
Theo chân các anh ngược lên các thôn của xã Bản Phố, đi đến đâu tôi cũng cảm nhận được tình cảm nồng ấm của bà con dành cho các chiến sỹ công an. Bà Giàng Mý Tỷ móm mém cười: “Cái cán bộ công an nó gắn bó với bà con lắm. Ngày thường thì nó đến giúp dân, hướng dẫn dân làm ăn, ngày Tết nó đến chia vui, ngăn không cho bọn trai trẻ say rượu đánh nhau, không để bọn trộm lấy trâu, lấy bò. Bà con vui tết lắm…”.
Lực lượng công an huyện và xã đến vận động bà con giữ gìn an ninh trật tự, không vi phạm pháp luật |
Đến Sapa, khi gọi điện cho Trưởng Công an huyện, Thượng tá Phạm Gia Chiến, anh bảo đang cùng đoàn công tác ở tận thôn xa nhất của huyện. Chờ mãi đến cuối giờ chiều anh mới trở về, tóc tai bơ phờ. Anh cười: “Mình mệt cho bà con vui thì mệt mà vẫn vui nhà báo ạ. Mấy năm gần đây, một số phần tử phản động vẫn lén lút hoạt động, tìm cách lôi kéo đồng bào Mông tụ tập đông người trái phép nên ngoài việc đảm bảo trật tự cho đồng bào đón xuân, chúng tôi phải có kế hoạch phòng ngừa, bám sát dân, tuyên truyền, vận động bà con hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không nghe lời bọn xấu. Nhờ vậy mà đại đa số bà con hiểu và ủng hộ công an…”. Khi tôi hỏi vui về việc chuẩn bị tết ở nhà, anh chợt bối rối: “Thú thật với nhà báo, nhiều khi bề bộn công việc lo cho bà con khi xuân về mà bẵng đi việc nhà. Thôi, trăm sự nhờ bà xã đảm đang, mình thì đành lại như nhiều năm qua về… tạ lỗi muộn vậy”.
Còn biết bao câu chuyện về những chiến sỹ công an nơi rẻo cao mà tôi không thể kể hết. Nơi ấy, các anh phải sống nơi cách xa hồn hoa đô hội, chia sẻ với bà con bao khó nhọc, cống hiến hết mình để những nụ hoa đào, hoa ban nở trong bình yên. Chia tay các anh, lưu luyến mãi hương xuân sớm biên cương, tôi miên man trong điệu hát “Xuân Rẻo Cao” của Đoàn Ngọc Bình:
“….Thế là mùa xuân lại đến lập lòe hoa chuối đầu non
Thế là bình minh lại hiền tay em chẳng muốn tung còn
Tiếng khèn ngẩn ngơ kẽ lá lời ca reo rắc lưng đèo
Tiếng khồng chơi vách đá nụ cười như suối trong veo
Mùa xuân thẹn thùng đôi má chim xanh bay vút lưng trời
Bước chân rộn ràng xuống núi nhỏ dần trong nắng sương rơi
Gặp nhau thẹn thùng chưa nói thương thương đôi mắt ai cười
Trái tim ngập ngừng bối rối cùng mùa xuân lá non tươi…”
Hoàng Đoàn - Vũ Hùng