Xuân về gốm tâm linh “lên ngôi”

GD&TĐ - Với tinh thần hướng về nguồn cội, tìm về những giá trị truyền thống, thú sưu tầm và chơi gốm tâm linh đang trở thành nét văn hoá tao nhã không thể thiếu trong đời sống văn hoá người Việt mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Thú sưu tầm và chơi gốm tâm linh đang ngày càng trở thành mốt thời thượng
Thú sưu tầm và chơi gốm tâm linh đang ngày càng trở thành mốt thời thượng

Tìm về giá trị truyền thống

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần, cũng là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã và vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Và đương nhiên, trong việc thực hành tín ngưỡng thiêng liêng đó không thể thiếu những vật phẩm được làm bằng gốm sứ.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thì gốm tâm linh là đồ gốm thờ cúng, dùng để đặt tại những nơi trang trọng nhất, gồm các sản phẩm: Bát hương, cây nến, ống cắm hương, nậm rượu, chén nước, lọ hoa, đĩa đựng hoa quả, đèn dầu...

Một thời gian khá dài, sản phẩm gốm sứ Trung Quốc luôn là nỗi ám ảnh của các cơ sở sản xuất gốm trong nước khi chúng xuất hiện hầu hết trên thị trường cả nước.

Gốm sứ gia dụng “made in China” có mẫu mã đa dạng, giá cả lại vừa túi tiền người tiêu dùng nên đã hiện diện gần như trong tất cả các gia đình từ thành thị cho đến nông thôn.

Tuy vậy, vài năm trở lại đây, những thông tin tiêu cực liên quan đến độ an toàn của sản phẩm gốm sứ đã khiến cho gốm Trung Quốc - từng “làm mưa, làm gió” một thời tại Việt Nam - đang bị người tiêu dùng “quay lưng”.

Gốm sứ Trung Quốc qua một thời gian sử dụng và trưng trong nhà thì thường “xuống mã” nhanh. Từ màu sắc bên ngoài cho đến nước men đều không còn được bóng đẹp mà thường xỉn màu nên trông rất thô và xấu. Vì thế mà những người sành về gốm sứ đang quay trở lại với đồ gốm Việt...

Đặc biệt, “hút hàng” nhất, nổi trội nhất vẫn là dòng sản phẩm gốm tâm linh. So với gốm gia dụng và gốm trang trí, thì gốm tâm linh mang những nét đặc trưng văn hóa riêng vô cùng độc đáo. Mẫu mã, màu men cùng những hoa văn trên các sản phẩm đều gợi cho con người ta nhớ về quá khứ. Những sản phẩm gốm tâm linh đều được làm từ những chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên như đất sét, men tự nhiên...

Để hoàn thiện một sản phẩm gốm tâm linh theo đúng các yêu cầu của khách hàng, thợ gốm phải qua rất nhiều các khâu như: Chọn và xử lý nguyên liệu (đất tinh luyện), tạo mẫu, phun men, trang trí hoa văn, màu sắc và nung sản phẩm.

Với sự trở lại của gốm sứ Việt, người tiêu dùng có thể an tâm từ bỏ những sản phẩm ngoại kém chất lượng để về với hàng nội có mức giá hợp lý và an toàn.

Gốm tâm linh được nhiều người ưa chuộng không chỉ bởi kiểu dáng, màu men độc đáo mà giá thành phải chăng.
  • Gốm tâm linh được nhiều người ưa chuộng không chỉ bởi kiểu dáng, màu men độc đáo mà giá thành phải chăng.

Gốm tâm linh Việt lên ngôi

Anh Phạm Văn Đạt, chủ xưởng gốm Bảo Long (làng gốm Bát Tràng, Hà Nội) cho hay, muốn có một sản phẩm gốm tâm linh hoàn hảo, ngoài yêu cầu về mặt kỹ thuật thì người thợ gốm phải coi sản phẩm gốm như một cơ thể sống, tức là có sự kết hợp hài hòa, uyển chuyển giữa đường nét, màu sắc và nhất là những yếu tố tâm linh như âm - dương, ngũ hành (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ). Vì thế, mỗi sản phẩm gốm không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tính sáng tạo trong sản phẩm mà còn phải chứa đựng hồn cốt nét đẹp văn hoá.

Hiện dòng sản phẩm gốm tâm linh đang được nhiều người chuộng nhất là những sản phẩm được chạm khắc hoa văn nổi với những họa tiết trang trí đẹp mắt như: Long, lân, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai... và bên ngoài được phủ một lớp rạn, tạo vẻ đẹp khác biệt so với những đồ gốm sứ Trung Quốc.

Dòng gốm này không chỉ có mẫu mã “độc”, hoa văn đẹp, lạ, tinh xảo, mà giá thành cũng phải chăng, hầu hết mọi người dân, từ người có thu nhập trung bình cho tới những người khá giả đều có thể mua được một sản phẩm phù hợp cho mình và gia đình.

Theo một số chủ hàng tại chợ gốm Bát Tràng, thời điểm này lượng khách tăng đáng kể, nhưng giá các mặt hàng gốm sứ bán ra chỉ nhỉnh hơn ngày thường chút đỉnh, tùy thuộc vào chất lượng và mẫu mã. Số lượng chủng loại và giá bán các sản phẩm ở đây khá đa dạng.

“Các sản phẩm có giá từ 5.000 đồng đến nhiều triệu đồng/sản phẩm. Những sản phẩm cao cấp như lọ lục bình tại làng nghề bán với giá từ 3 - trên 30 triệu/đôi cao từ 1,4 đến trên 1,8 tùy theo hoa văn, độ tinh xảo đắp, vẽ trên lọ.

Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm gốm tâm linh cao cấp với giá lên đến hàng trăm triệu, hay hàng tỷ đồng…”, một chủ cơ sở gốm tại Bát Tràng cho biết.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng Lê Xuân Phổ, vào dịp Tết, các xưởng gốm không chỉ sản xuất gốm tâm linh mà còn đưa đến khách hàng nhiều sản phẩm mẫu mã đa dạng, kiểu dáng phong phú như ấm chén tử sa, ấm chén giả cổ Bát Tràng, ấm chén Bát Tràng bọc đồng, bọc vàng, bộ bình cổ, lọ lục bình cổ… “Sản phẩm quà tặng gốm sứ không chỉ cá nhân yêu thích mà được nhiều doanh nghiệp tìm đặt cho nhân viên, đối tác của mình. Các sản phẩm quà tặng gốm sứ rất được chú trọng, làm đẹp từ hình thức bên ngoài đến chất lượng sản phẩm, họa tiết phù hợp với xu thế tiêu dùng”, ông Lê Xuân Phổ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.