Xuân no ấm trên dải biên cương

GD&TĐ - Đến những bản làng vùng cao Quảng Trị dịp cuối năm, bạn sẽ được gặp những nụ cười rạng rỡ của bà con Vân Kiều sau khi kết thúc vụ mùa bội thu.

Bộ đội Biên phòng gặt lúa giúp người dân các xã Cù Bai, A Xóc, Hướng Lập. Ảnh: Đăng Đức
Bộ đội Biên phòng gặt lúa giúp người dân các xã Cù Bai, A Xóc, Hướng Lập. Ảnh: Đăng Đức

Thóc, ngô... đầy bồ - đó là hình ảnh minh chứng cho cuộc sống của người dân đang khấm khá lên.

Mùa vàng nhuộm thắm Cù Bai

Vụ lúa nước năm nay, thửa ruộng của ông Hồ Văn Bài (trú ở thôn A Xóc - Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) nhuộm một màu vàng óng. Gia đình ông Bài canh tác 5 sào lúa nước, nhờ chăm sóc tốt nên mang lại năng suất khá cao.

Khi đồng lúa ngả màu vàng, những bông lúa cúi xuống trĩu hạt, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Lập khẩn trương cùng người dân xắn tay giúp gia đình ông Bài thu hoạch.

Không chỉ hộ ông Bài, nhiều hộ dân Vân Kiều ở xã Hướng Lập cũng có một vụ mùa bội thu. Để người dân có được những vụ mùa no ấm, nhiều năm qua, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Lập đã tích cực hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước, kết hợp chăn nuôi để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế.

Nhắc đến cây lúa nước, người dân nơi đây không thể quên được hình ảnh tiên phong của mẹ Hồ Thị Oi. Trong những năm chiến tranh, để bà con có đủ cái ăn, mẹ Oi đã dũng cảm vượt qua hủ tục, dắt trâu cầm cày, đi theo tiếng gọi của cách mạng để làm lúa nước.

Từ tấm gương của mẹ Oi, nhiều người dân học và làm theo việc trồng lúa nước, nhờ vậy đã giải quyết được cái đói và góp lúa gạo nuôi bộ đội đánh thắng quân thù.

Cũng nhờ đó mà Cù Bai được xem là nơi trồng lúa nước đầu tiên của người Vân Kiều ở dải Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. Hành động vượt qua sự trừng phạt của “ma rừng” đã đưa mẹ Oi ra Thủ đô gặp Bác Hồ và được Người tuyên dương.

Xã Hướng Lập thuộc khu vực biên giới, nằm ở phía Bắc huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), nơi có đa số đồng bào Vân Kiều sinh sống. Do điều kiện khắc nghiệt, địa hình tự nhiên chủ yếu là rừng núi nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, người dân đã tiếp cận nhiều nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Cùng với đó, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi... đã từng ngày đem lại sự đổi thay trong đời sống người dân.

Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phối hợp Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại khu vực miền Trung - Tây Nguyên khánh thành 'Mái ấm biên cương' cho người dân biên giới huyện Đakrông. Ảnh: Đăng Đức

Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phối hợp Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại khu vực miền Trung - Tây Nguyên khánh thành 'Mái ấm biên cương' cho người dân biên giới huyện Đakrông. Ảnh: Đăng Đức

Hỗ trợ sinh kế, “chìa khóa” thoát nghèo

Đóng quân ở vùng biên giới, Đồn biên phòng Hướng Lập (Bộ đội biên phòng Quảng Trị) đã tích cực kết nối, hỗ trợ người dân hai xã Hướng Lập và Hướng Việt thay đổi phương thức sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng các công trình nhà ở, công trình phúc lợi. Khi được bộ đội biên phòng tận tâm giúp đỡ, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều yên tâm sinh sống, chung tay bảo vệ biên giới.

Nhờ những sự hỗ trợ thiết thực của bộ đội biên phòng, sau hơn 1 năm thử nghiệm, mô hình trồng cà gai leo, loại cây dược liệu đã bén rễ trên vùng đất biên giới, hiện đã có 15 hộ tham gia. Đều đặn cứ 3 tháng người dân sẽ thu hoạch một lần, mỗi lần thu hoạch mang lại từ 9 - 10 triệu đồng.

Trung tá Hồ Lê Luận - Chính trị viên Đồn biên phòng Hướng Lập, cho biết: Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, lãnh thổ của quốc gia thì công tác giúp dân xóa đói giảm nghèo luôn được các chiến sĩ biên phòng quan tâm và đã trở thành “nhiệm vụ kép” để thắt chặt mối tình quân dân.

Với định hướng trao sinh kế và cùng bà con chăm sóc, phát triển kinh tế bền vững, từ nhiều năm nay, các chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Lập đã thực hiện nhiều chương trình trao cây, con giống và hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, nhiều đàn gia súc, gia cầm được phát triển, bà con biết cách chăm sóc, khai thác hiệu quả hơn.

“Sau khi tặng các cây giống, con giống giúp bà con chăn nuôi, chăm sóc hiệu quả hơn thì chúng tôi cử cán bộ địa bàn, đặc biệt là cán bộ vận động quần chúng về hướng dẫn trực tiếp bà con cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi sao cho phát triển ổn định”, Trung tá Hồ Lê Luận cho hay.

Cùng với giúp người dân phát triển kinh tế, Đồn biên phòng Hướng Lập còn triển khai xây dựng các công trình an sinh xã hội như mô hình ánh sáng vùng biên, trao nhà tình nghĩa, đầu tư xây dựng trạm quân dân y kết hợp để khám chữa bệnh cho người dân.

Bà Hồ Thị Ven - Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho biết, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của Trung ương, địa phương đầu tư cho các xã miền núi, thì với sự hỗ trợ của Đồn biên phòng Hướng Lập, Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 về cây con giống, xây dựng các mô hình trồng cỏ voi, trồng cà gai leo đã góp phần thay đổi đời sống kinh tế cho bà con vùng biên giới.

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng còn hỗ trợ xây dựng nhà dân sinh, xóa nhà tạm bợ, dột nát, các công trình phúc lợi... giúp thay đổi bộ mặt khu dân cư trở nên văn minh, sạch đẹp, khang trang hơn.

Đồn Biên phòng Hướng Lập kết nối tặng con giống cho người dân biên giới. Ảnh: Đăng Đức

Đồn Biên phòng Hướng Lập kết nối tặng con giống cho người dân biên giới. Ảnh: Đăng Đức

Giống ngô mới do Đồn Biên phòng Hướng Phùng hỗ trợ người dân đã phát triển xanh tốt. Ảnh: Đăng Đức

Giống ngô mới do Đồn Biên phòng Hướng Phùng hỗ trợ người dân đã phát triển xanh tốt. Ảnh: Đăng Đức

Cho biên cương thêm xanh

Cách trung tâm huyện Hướng Hóa hơn 40km, xã Hướng Phùng là một trong những địa phương vùng biên rất khó khăn trong phát triển KT-XH. Nơi đây có hơn 160ha đất trồng cây lúa nước và ngô. Tuy nhiên, đồng bào Vân Kiều ở vùng biên thùy này vẫn còn canh tác theo lối truyền thống nên năng suất, chất lượng cây trồng không cao.

Trước thực tế đó, với mong muốn thay đổi tư duy, cách làm của bà con và tạo sinh kế bền vững, cán bộ Đồn biên phòng Hướng Phùng đã mạnh dạn nghiên cứu, phối hợp với một đơn vị ở tỉnh Thái Bình triển khai trồng thử nghiệm 2 giống lúa và 1 giống ngô nếp mới. Sau một thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy, các giống này vượt trội so với giống bản địa.

Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Phùng đến thăm mô hình trồng thử nghiệm giống lúa và ngô nếp mới của anh Hồ Văn Phoi (thôn Bụt Việt), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy giống ngô mới đã bén rễ, phát triển xanh tốt trên vùng đất này.

Anh Hồ Văn Phoi chia sẻ: “Trước đây, bà con trong bản trồng ngô đơn giản lắm, vì không biết kỹ thuật nên chỉ trồng theo lối canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa” lạc hậu, dựa vào thời tiết nên thường mất mùa. Bây giờ, được các anh bộ đội biên phòng hỗ trợ phân bón, giống ngô và lúa mới để trồng, gia đình tôi mừng lắm.

Không những thế, bộ đội còn hướng dẫn quy trình từ lúc gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch nên riêng giống ngô nếp TBM18, vụ chính sau hơn 2 tháng trồng đã cho quả bắp to, thơm, ngon.

Các thương lái rất ưa chuộng, họ đến tận ruộng để mua với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/bắp tươi. Còn vụ trái này dù năng suất không bằng nhưng cây sinh trưởng nhanh và ít sâu bệnh hơn giống truyền thống”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Hướng Phùng cho biết, sau khi nghiên cứu, đơn vị đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương cho phép trồng thử nghiệm bộ đôi giống lúa TBR97, TBR225 trên diện tích 10 sào của 2 hộ gia đình và 5 sào đối với giống ngô nếp TBM18.

Kết quả mang lại bất ngờ, so với các cây giống khác thì những giống này thích nghi tốt với thổ nhưỡng tại địa phương, ít sâu bệnh, sinh trưởng nhanh và năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần.

“Để tạo sinh kế bền vững cho bà con, tháng 6/2023 vừa rồi, đơn vị đã trao tặng 35 hộ dân trên địa bàn 870kg giống lúa mới các loại để canh tác, đồng thời chúng tôi tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và bắt tay chỉ việc cho các gia đình từ làm đất, xuống giống, chăm sóc và thu hoạch. Riêng về giống ngô nếp, tới đây, đồn tiếp tục mở rộng diện tích lên trên 3 ha theo phương pháp gối vụ để nhân rộng trong toàn xã”, Thiếu tá Bằng thông tin.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân quy trình sản xuất. Ảnh: Đăng Đức
Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân quy trình sản xuất. Ảnh: Đăng Đức

Nhịp cầu dẫn lối ấm no

Chất lượng cuộc sống của người dân Pa Kô, Vân Kiều ngày càng được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Trong sự đổi thay ấy, có bóng dáng của những người lính mang “quân hàm xanh” luôn đồng hành cùng bà con và chính quyền địa phương trong mọi hoạt động lao động sản xuất, phòng chống thiên tai, hay xây dựng nhà cửa, tạo dựng nếp sống mới…

Để đạt được mục tiêu “dân có ấm no thì biên cương mới vững bền”, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Trị luôn xác định vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia phải gắn liền với công tác hỗ trợ, đồng hành, là “cầu nối” giúp nhân dân vùng biên phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo.

Không chỉ có vậy, các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh còn tích cực đứng ra kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực tài chính hỗ trợ lực lượng trong triển khai thực hiện các chương trình, mô hình hướng về người dân nơi biên cương mang lại hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, BĐBP tỉnh đã xây dựng 120 ngôi nhà “Mái ấm biên cương” và các công trình dân sinh, giếng nước sạch tại các bản làng khó khăn, vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới với tổng trị giá trên 12 tỉ đồng. Trao tặng 51 con bò giống, 20 cặp dê giống có giá trị trên 620 triệu đồng; xây dựng gần 10km “Ánh sáng vùng biên” với tổng trị giá 800 triệu đồng.

Trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đã xây dựng 21 giếng khoan nước sinh hoạt cho nhân dân, 1 hệ thống nước sạch với trị giá hơn 1 tỉ đồng và 22 công trình dân sinh trị giá gần 3 tỉ đồng.

Đại tá Ngô Xuân Thường, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Quảng Trị phải gắn bó mật thiết, dựa vào dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị ở địa phương.

Vì vậy, hỗ trợ nhân dân khu vực biên giới phát triển KT-XH được xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài của lực lượng BĐBP tỉnh. BĐBP tỉnh tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên 2 tuyến biên giới gắn với thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Đồng thời, chú trọng việc lựa chọn, phân công đảng viên ở các đồn biên phòng có phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác để bám sát địa bàn biên giới; cùng ăn, cùng ở, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn ở tại địa phương.

Sự quan tâm, gần gũi, gắn bó ấy sẽ giúp các chiến sĩ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của bà con. Nhờ sự “ba cùng” của Bộ đội Biên phòng mọi người dân ở khu vực biên giới không nghe, không tin những nội dung tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu, yên tâm chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên chính quê hương của mình.

Trên những triền núi, bước chân lặng thầm của người lính “quân hàm xanh” vẫn miệt mài tuần tra gìn giữ sự bình yên cho biên cương Tổ quốc và giữ mãi màu xanh trù phú phủ khắp những miền quê biên viễn. Để nơi đó, bà con đồng bào các dân tộc sẽ mãi có những “mùa Xuân no ấm” thực sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xung đột gây họa lớn cho Mỹ-NATO

Xung đột gây họa lớn cho Mỹ-NATO

GD&TĐ -Qua cuộc xung đột ở Ukraine, Nga sẽ nắm được bí mật công nghệ Mỹ, NATO để chế tạo vũ khí tương tự hoặc khắc chế, làm suy yếu khả năng của phương Tây.

Minh họa/INT

Mariah Carey: 'Sau ánh hào quang'

GD&TĐ - Nữ diva từng trải qua tuổi thơ khó khăn. Khi nổi tiếng, cô từng bị chồng kiểm soát tiền bạc, kìm kẹp cuộc sống riêng.

Ảnh: Quốc Bình

Hương Thu

GD&TĐ - Em vẫn nhớ mãi cái tuổi 18 được quấn quýt với hương vị này bởi tình cờ theo bạn đạp xe về mãi Ba Vì chơi.

Các em nhỏ thích thú tham gia trạm trải nghiệm 'Tích tịch tình tang'. Ảnh: Bình Thanh.

Cùng Thị Mầu... xuyên không

GD&TĐ - Vở diễn 'Thị Màu xuyên không' đem đến những khác biệt đầy bất ngờ, buộc khán giả không thể rời mắt.

Khoảnh khắc đô cử Lê Văn Công mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho Việt Nam ở Paralympic 2016.

Đôi tay thần kì

GD&TĐ - Vậy là, sau bốn năm, Paralympic - kì thế vận hội cho người khuyết tật một lần nữa lại diễn ra.

Minh họa: Vietpink.

Café chủ nhật: Cầu vồng sau mưa

GD&TĐ - Mấy hôm nay, không khí trong gia đình anh trở nên thật nặng nề. Bữa cơm không còn vui vẻ như trước. Ai cũng cúi đầu ăn thật nhanh.