Xuân ấm theo em về bản xa

GD&TĐ - Tết Nguyên đán không phải là Tết chính của đồng bào dân tộc, nhưng nhiều trường học vẫn có những suất quà xuân gửi đến gia đình học sinh.

Câu lạc bộ Bạn thương nhau cùng tổ chức chương trình "Đưa Tết lên núi" tại điểm trường Lang Lương (Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam).
Câu lạc bộ Bạn thương nhau cùng tổ chức chương trình "Đưa Tết lên núi" tại điểm trường Lang Lương (Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam).

Đưa Tết lên núi

Lần đầu tiên, học sinh và phụ huynh điểm trường Ông Thái (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam) trải qua những ngày giáp Tết Nguyên đán đầy rộn ràng và mới lạ. Đây là một trong ba điểm trường heo hút nhất của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn. Vào đến trường là mất sóng điện thoại, không điện lưới, không nước sạch.

Một góc sân trường, những học sinh lớp 2 tụm lại chia nhau phần việc trang trí cành mai, đào. Hai gói hoa nhựa được thầy giáo Hồ Văn Ngọc mua từ dưới trung tâm xã, cùng với gạo nếp, đậu xanh và thịt, để chuẩn bị cho bữa tiệc tất niên cuối năm. Bánh kẹo, nguyên liệu gói bánh chưng được thầy Ngọc cõng bộ gần hai tiếng đồng hồ đường rừng mới vào được đến trường.

Học sinh điểm trường Ông Thái tham gia liên hoan tất niên trước khi cùng trải nghiệm gói bánh chưng, bánh ú sừng trâu.

Học sinh điểm trường Ông Thái tham gia liên hoan tất niên trước khi cùng trải nghiệm gói bánh chưng, bánh ú sừng trâu.

Không chỉ phụ huynh mà cả người dân trong thôn đều hồ hởi cùng tham gia chuẩn bị cho chương trình tất niên, từ việc đi cắt lá dong, chẻ củi, gói bánh chưng, bánh ú sừng trâu cùng với thầy trò điểm trường Ông Thái. Rất nhiều người lần đầu tiên trải nghiệm các công đoạn gói bánh chưng nên không tránh khỏi lúng túng. Nhưng vì vậy, sân trường thêm rộn ràng hơn bởi tiếng cười nói.

Niềm vui của học sinh các điểm trường tham gia chương trình Đưa Tết lên núi khi nhận được lì xì trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. (Ảnh: CLB Bạn thương nhau).

Niềm vui của học sinh các điểm trường tham gia chương trình Đưa Tết lên núi khi nhận được lì xì trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. (Ảnh: CLB Bạn thương nhau).

Hồ Văn Quyên, học sinh lớp 2 hồ hởi: “Lần đầu tiên con được tự tay gói bánh chưng. Con tự thấy bánh của con nhìn rất xấu vì không được vuông như bánh của thầy gói, nhưng con vui lắm”. Cậu bé Quyên cũng lần đầu tiên được nhận phong bao lì xì, cứ mân mê mãi, hết rút tờ tiền mới ra ngắm rồi lại cẩn thận cho vào.

Từ tháng 11/2023, Quyên đã thôi không phải bữa đói bữa no khi nhận được sự hỗ trợ từ Câu lạc bộ Bạn thương nhau (Đà Nẵng). Mẹ Quyên qua đời khi em còn nhỏ, ba có vấn đề về sức khỏe, thường đi lang thang và không thể lao động. Quyên còn một người chị gái nhưng đã bỏ nhà đi từ lâu. Quyên gần như sống thui thủi một mình, đến gạo cũng không có để ăn. Cứ cuối tuần, Quyên vào rừng kiếm rau nên bữa ăn thường chỉ có rau và sắn; đôi khi em phải nhịn đói qua bữa. Thầy Ngọc nhận thêm phần việc, nấu cả bữa trưa và tối cho Quyên.

Học sinh điểm trường Lang Lương (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) trải nghiệm gói bánh chưng. (Ảnh: Trà Thu)

Học sinh điểm trường Lang Lương (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) trải nghiệm gói bánh chưng. (Ảnh: Trà Thu)

Cùng với điểm trường Ông Thái, 21 điểm trường lẻ heo hút ở Quảng Trị, Quảng Ngãi và Quảng Nam đã cùng tổ chức chương trình Đưa Tết lên núi với sự hỗ trợ kinh phí của CLB Bạn thương nhau.

Phụ huynh điểm trường Lang Lương cùng tham gia chương trình Đưa Tết lên núi. (Ảnh: Trà Thu)

Phụ huynh điểm trường Lang Lương cùng tham gia chương trình Đưa Tết lên núi. (Ảnh: Trà Thu)

Thầy cô giáo đứng điểm đã hướng dẫn bà con trong bản cùng chung tay làm nên một ngày hội rộn ràng cho các em nhỏ, một trải nghiệm về văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc: biết bánh chưng là gì, biết phong tục lì xì mừng tuổi ý nghĩa ra sao, và dĩ nhiên là một buổi “tiệc” tất niên với phố là bình thường nhưng với trên núi là “hoành tráng” lắm lắm.

Xuân ấm theo em về bản xa

Trước khi tạm biệt khu nhà nội trú để, trở về với gia đình trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mỗi học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) nhận được một suất quà trị giá 200.000 đồng. Ngoài ra, 90 học sinh vượt khó được nhận thêm mỗi em một suất quà có trị giá tương đương.

Thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My cho biết: “Từ các nguồn vận động và kinh phí của nhà trường, Ban giám hiệu vẫn cố gắng để duy trì suất quà Tết truyền thống cho học sinh. Tết Nguyên đán không phải là tết chính của đồng bào dân tộc, nhưng sự giao lưu văn hóa cũng đã có nên học sinh vẫn đến nhà nhau chơi. Nhà trường góp chút quà nho nhỏ để ở bàn nước của mỗi gia đình để có chút không khí xuân”.

Thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) trao quà cho học sinh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) trao quà cho học sinh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) đã trao 60 suất quà Tết cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, khi học sinh đang đón Tết mùa của đồng bào, nhà trường đã tặng 30 phần quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng từ phong trào Kế hoạch nhỏ do Liên đội phát động.

Thầy Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ: “Đồng bào dân tộc thiểu số không có phong tục đón Tết Nguyên đán. Thế nên trong tổ chức hoạt động ngoại khóa ở trường, nhà trường chọn thời điểm Tết mùa của người Xơ Đăng và xây dựng các nội dung hoạt động nhằm lồng ghép giáo dục văn hóa bản địa”.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) biểu diễn múa cồng chiêng trong Ngày hội văn hóa dân gian tổ chức vào ngày 3/2 vừa qua.

Để có thể tái hiện một phần không gian văn hóa bản địa, nhà trường đã mời phụ huynh, nghệ nhân, các bậc cao niên am hiểu làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, trò chơi dân gian trên địa bàn xã truyền đạt, hướng dẫn cho học sinh. “Chúng tôi mong từ sân chơi này sẽ nuôi dưỡng, duy trì trong học sinh niềm tự hào vẻ đẹp văn hóa dân tộc, sau đó có ý thức gìn giữ, phát huy và bảo vệ”, thầy Hiệu trưởng Võ Đăng Chín nói.

Thế nên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam vừa trải nghiệm được niềm vui nhận được tiền mừng tuổi, biết cảm giác ngồi canh lửa bên nồi bánh chưng sôi bập bùng, nghe những câu chuyện cổ tích, hát các bài hát truyền thống của dân tộc mình…

Chương trình "Đưa Tết lên núi" của CLB Bạn thương nhau mang đến cho học trò các điểm trường lẻ niềm vui rất lớn cùng những trải nghiệm thú vị. Tôi mong chương trình mãi theo các em trong những năm tiếp theo để các em có được những ngày Tết thật vui, thật ấm áp, gắn bó hơn với trường học”, cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên đứng điểm trường Tắk Pổ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.