Trong các ngày 26 và 27/11, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Nguyễn Hải Trung (SN 1973), Trần Hữu Trung (SN 1979) và Phan Tuấn Linh (SN 1979) ra xét xử.
Cáo trạng xác định, Công ty CP khai thác vận tải đường biển Ninh Thuận được thành lập và đăng ký kinh doanh với 9 ngành nghề khác nhau.
Phan Tuấn Linh, Trần Hữu Trung và Nguyễn Hải Trung lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch HĐQT, Giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị.
Trên thực tế, công ty này không có người làm việc, không có năng lực tài chính, không có chức năng, ngành nghề kinh doanh đóng tàu biển và không hoạt động kinh doanh gì.
Dù vậy, đến tháng 6/2009, Hải Trung chỉ đạo lập dự án đóng mới 2 tàu biển và đề nghị Ngân hàng phát triển Việt Nam Chi nhánh Ninh Thuận bảo lãnh vay vốn tại Ngân hàng Hàng Hải - Chi nhánh Nha Trang (Khánh Hòa).
Sau khi hoàn tất thủ tịch trình Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thiết kế - kỹ thuật, các bị cáo ký tờ trình đề nghị ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Ninh Thuận thẩm định phương án tài chính, trả nợ vốn vay; Ký giấy đề nghị bảo lãnh vay vốn thực hiện dự án đóng tàu trên; Ký tờ trình gửi UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị phê duyệt dự án đóng tàu; Ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Hàng Hải - chi nhánh Nha Trang.
Cuối tháng 10/2009, công ty được Ngân hàng phát triển Việt Nam cấp chứng thư bảo lãnh vay hơn 200 tỷ đồng tại Ngân hàng Hàng Hải, thời hạn 120 tháng.
Đến khi biết dự án trên không được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Chi nhánh hủy chứng thư bảo lãnh, nhưng Hải Trung vẫn chỉ đạo Hữu Trung, Phan Tuấn Linh đi tìm nguồn vốn đối ứng để thực hiện dự án.
Do quen biết với ông Dương Chí Dũng (khi đó là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Vinalines), Hải Trung đặt vấn đề vay tiền làm vốn đối ứng và Dương Chí Dũng đã nhận lời.
Đến cuối tháng 3/2010, ông Dương Chí Dũng giới thiệu Hải Trung gặp ông Vũ Mạnh Dương, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Bất động sản Vinalines.
Ông Dương đã tiếp nhận hồ sơ dự án để thẩm định và thỏa thuận nội dung ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, cùng góp vốn đóng mới 2 tàu biển, trong đó, công ty của Trung góp 29 tỷ đồng, công ty Cổ phần Bất động sản Vinalines góp 58 tỷ đồng để làm vốn đối ứng.
Vì đã có ý định chiếm đoạt tài sản từ trước nên khi cung cấp hồ sơ cho công ty Cổ phần Bất động sản Vinalines, các bị cáo đã chuyển hồ sơ phản ánh tình hình tài chính sai sự thật để lừa dối ký hợp đồng góp vốn-hợp tác kinh doanh với số tiền 58 tỷ đồng với công ty BĐS Vinalines.
Công ty này đã tin tưởng mối quan hệ của Dương Chí Dũng, đồng thời thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định nên đã ký hợp đồng và chuyển 58 tỷ đồng vào tài khoản công ty của Trung.
Sau khi có được tiền, các bị cáo đã chuyển, trả nợ, rút tiền mặt chi tiêu cá nhân số tiền hàng chục tỷ đồng.
Ngoài hành vi phạm tội nêu trên, cơ quan điều tra xác định, từ năm 2008 đến năm 2010, Hải Trung còn thành lập nhiều công ty khác để Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và những người khác.
Bản án sơ thẩm xác định, Linh biết rõ Hải Trung và Hữu Trung gian dối để chiếm đoạt tiền, nhưng không phản đối, tố giác nên có bị quy kết tội Không tố giác tội phạm.
Tòa nhận định, ông Dương Chí Dũng và ông Dương không có tư lợi trong việc Hải Trung, Hữu Trung chiếm đoạt nên không liên quan trong vụ án.
Sau hai ngày xét xử, chiều 27/11, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Hải Trung 20 năm tù giam; Hữu Trung 18 năm tù vì cùng tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Linh nhận 17 tháng tù tội Không tố giác tội phạm.