Xử phúc thẩm vụ VN Pharma: Những góc khuất cần làm rõ

GD&TĐ - Theo kế hoạch, ngày 19 - 20/10, TAND Cấp cao tại TPHCM sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án VN Pharma theo kháng nghị của Viện KSND cùng cấp và kháng cáo của các bị cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Trước đó, TAND TPHCM tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP VN Pharma) 12 năm tù, Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội buôn lậu. Các bị cáo khác trong vụ án này cũng bị tuyên từ 2 năm cho đến 5 năm tù.

Sau khi bản án tuyên, có 6 bị cáo đã kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 22/9, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM kháng nghị phúc thẩm theo hướng huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm.

Theo quan điểm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, vụ án chưa được điều tra một cách toàn diện, quá trình điều tra cũng như diễn biến phiên tòa, quá trình xét hỏi các bị cáo cho thấy có dấu hiệu vụ án bị lọt người, lọt tội.

Hàng giả hay hàng kém chất lượng?

Một trong những câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong vụ án VN Pharma là: Nếu H-Capita không phải là thuốc giả nhưng không được dùng để chữa bệnh cho người thì đó là loại thuốc gì?

Trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch VN Pharma), cho rằng bị cáo không nhập thuốc giả mà chỉ nhập thuốc không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, đại diện VKS cho biết các cơ quan tố tụng đã kết luận đây không phải thuốc giả mà là thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, các bị cáo bị truy tố về tội Buôn lậu chứ không bị truy tố về hành vi Sản xuất - buôn bán thuốc chữa bệnh giả.

Tại toà, luật sư đã đề nghị giám định lại chất lượng lô thuốc H-Capita. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đây là vụ án buôn lậu chứ không phải buôn bán hàng giả, vì vậy việc giám định chất lượng thuốc là không cần thiết.

Theo kết luận của Bộ Y tế, 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg đều không rõ nguồn gốc, mã vạch trên bao bì không thể hiện được thuốc sản xuất ở đâu, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người.

Rất nhiều góc khuất cần làm sáng tỏ tại phiên tòa phúc thẩm vụ VN Pharma.

Trách nhiệm của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đến đâu?

Sau phiên xét xử hồi tháng 8, TAND TP.HCM đề nghị làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược gồm: Ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó cục trưởng Cục quản lý Dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Trưởng phòng pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) là những người có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet.

Những cán bộ trên đã hoàn toàn không phát hiện công ty Austin (Hồng Kông) – đơn vị bán thuốc cho VN Pharma – đã hết hạn giấy phép hoạt động. Tổ thẩm định cho rằng “hồ sơ đạt yêu cầu” rồi đề xuất Cục Quản lý Dược ký duyệt, cấp phép cho Cty VN Pharma nhập hàng.

Làm rõ khoản chi 7,5 tỉ đồng

Khai tại toà, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng VN Pharma) cho biết đã tự ý nâng khống giá thuốc nhằm hợp thức hoá khoản tiền chi hoa hồng cho bác sĩ.

Trong quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) cũng đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà VN Pharma cung cấp thuốc.

Tổng cộng các hóa đơn này khoảng 7,5 tỷ đồng. Các khoản chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khoản tiền này cũng không được VN Pharma thể hiện ở sổ sách công ty.

Để luân chuyển dòng tiền này đến tay bác sĩ, các cá nhân trong Công ty VN Pharma mở sổ tiết kiệm tại một số ngân hàng và chi hoa hồng thông qua tài khoản của các doanh nghiệp mà họ lập ở nước ngoài như Công ty Sa Chempha ở Camphuchia, Công ty Sigma Holding và Công ty Auspicious ở Hong Kong. Trong đó, Ngô Anh Quốc đứng tên số tiền trên 70 tỷ đồng; Nguyễn Trí Nhật đứng tên số tiền 59 tỷ đồng; Lê Thị Vũ Phương đứng tên số tiền 27,5 tỷ đồng; Nguyễn Văn Vàng đứng tên số tiền 5 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định: “Thực chất số tiền này là tiền của VN Pharma sử dụng chi phí hoa hồng cho các bệnh viện”. Tuy nhiên, câu hỏi số tiền 7,5 tỷ đồng này dùng để “bôi trơn” cho những ai đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Theo cáo trạng của vụ án, từ năm 2013, Võ Mạnh Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C mua thuốc H-Capita (thuốc chữa bệnh ung thư) từ một người nước ngoài tên Raymundo với giá 18 USD/hộp. Sau đó, Nguyễn Minh Hùng - Nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma thông qua Cường để nhập về 9.300 hộp thuốc nhãn hiệu trên với giá 27 USD/hộp.

Không có hồ sơ kỹ thuật, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thẩm định theo quy định, để hợp thức hóa tiêu chuẩn và chất lượng loại thuốc này Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ kỹ thuật thuốc H - Capita 500mg giả. Hồ sơ gồm các giấy tờ được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada…

Ngoài ra, các chứng từ, thủ tục thanh toán để được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu lô thuốc này cũng được làm giả. Tháng 12/2013, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu, đến tháng 4/2014, VN Pharma nhập số thuốc trên về Việt Nam với tổng trị giá 5,3 tỷ đồng.

Tháng 8/2014, Cục Quản lý Dược kiến nghị Bộ Công an kiểm tra lô hàng.

Tháng 4/2015, Bộ Y tế kết luận, lô thuốc này chứa đến 97% hoạt chất capecitabina; không được sử dụng làm thuốc chưa bệnh cho người.

Ngoài ra, lô thuốc được dán tem từ Ấn Độ chuyển qua Singapore sau đó nhập khẩu về Việt Nam. Nhưng khi nhà chức trách tiến hành xác minh mã vạch lại không truy được thông tin của bất kỳ quốc gia nào, các giấy chứng nhận chất lượng cũng đều là giả.

Bị cáo Hùng trình bày tại tòa: Mục đích của việc nhập thuốc về là cung cấp nhu cầu bức thiết của các bệnh viện và phục vụ cho xã hội. Bị cáo cũng cho rằng lô thuốc này chỉ kém chất lượng. Còn bị cáo Cường khai rằng: Hoàn toàn không biết lô thuốc này là giả cho đến khi mọi việc vỡ lỡ. Không chỉ chỉ đạo nhân viên làm con dấu, chứng từ giả và buôn lậu thuốc, bị cáo Hùng còn chỉ đạo nhân viên bán hang chi hoa hồng cho các bác sĩ để để tiêu thụ thuốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...