Xử phạt cũng phải có văn hóa

Xử phạt cũng phải có văn hóa

(GD&TĐ) - Kể từ sau khi Nghị định 71 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, dư luận xã hội dường như đã trở thành lắng dịu sau những xôn xao bàn cãi xung quanh vấn đề đi xe không chính chủ.

Báo chí đã góp phần không nhỏ trong sự định hướng dư luận, tạo niềm tin cho người dân về pháp luật nhằm đảm bảo trật tự an toàn, giao thông. Một số phóng sự truyền hình quay cảnh thật trên đường phố và cách ứng xử của công an giao thông đã cho hiệu quả giáo dục về văn hóa giao thông rõ rệt, cả về văn hóa người tham gia giao thông lẫn văn hóa xử lý những hiện tượng vi phạm xảy ra.

Tuy nhiên, có người khi xem những phóng sự như vậy đã thốt lên rằng: ở khía cạnh cảnh sát giao thông xử phạt ngoài đời thực không giống như trên phim ảnh, không những thế còn rất nhiều khía cạnh phải bàn. Điều này làm tôi chợt nhớ cách đây không lâu, cơ quan tôi có thuê một tài xế xe tải chuyên nghiệp lái xe đưa đi công tác ở Quảng Trị. Trên đường đi, vừa tới gần hầm đèo Hải Vân, thấy màu áo vàng của cảnh sát giao thông xuất hiện bên lề đường, tay lái của lái xe đã mất thăng bằng, mặt cậu ta tái đi. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại: Mình đang đi đúng làn đường, đúng tốc độ thì vì sao phải sợ công an tới như thế?”. Trấn tĩnh lại, người lái xe cười phân bua: “ Đó là do quán tính các anh chị ạ. Cánh tài xế chúng em lái xe lâu năm, việc bị cảnh sát giao thông bắt lại cứ như cơm bữa ấy. Mà đã bắt là phải có thủ tục “đầu tiên”, không có là coi như bị giam xe, bị giữ giấy tờ; có khi còn bị nhục mạ ấy chứ!”.

Về cái sự gọi là “nhục mạ” mà cậu lái xe nêu ra, tôi đã hỏi thêm một số lái xe khác thì hầu hết đều bảo không phải cảnh sát giao thông nào cũng có thái độ ứng xử thiếu văn hóa với dân, nhưng những trường hợp công an khi xử lý vi phạm còn gây khó dễ, thậm chí là nói năng một cách thô tục thì không phải là hi hữu.

Văn hóa công an giao thông góp phần vào sự giàu đẹp của xã hội
Văn hóa công an giao thông góp phần vào sự giàu đẹp của xã hội

Là một công dân thường xuyên tham gia giao thông với nhiều phương tiện khác nhau, tôi dám chắc không phải mọi công dân vi phạm luật lệ giao thông đều thiếu ý thức về trật tự, an toàn giao thông. Ngoài những người phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia dễ gây tai nạn, có một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là ở tuổi trung niên hay mới đi xe là không cố ý, ví như thiếu độ tập trung cao ở các tín hiệu giao thông trên đường phố, chẳng hạn như ở đoạn đường giảm tốc độ, đường ngược chiều hay ngã ba, ngã tư đèn đỏ. Với những người thuộc đối tượng này, nếu có lòng tự trọng hoặc dư dả về kinh tế, họ sẵn sàng nộp phạt mà không xin xỏ. Còn lại, đối tượng xin được giảm hay không bị phạt là những người quá nghèo khó hoặc HS, SV. Câu hỏi đặt ra, thái độ của lực lượng chức năng xử phạt sẽ đối xử như thế nào đối với những người thuộc bộ phận này?

Tôi không biết có những quy định nào của ngành công an ở từng địa phương về sự “mềm dẻo, linh hoạt” trong xử phạt hay không? Nhưng mới đây, sau khi xem hình ảnh các cảnh sát giao thông tại Hà Nội nhắc nhở, tuyền truyền những người vi phạm luật trong những ngày đầu sau khi Nghị định 71 có hiệu lực thì lòng đầy thiện cảm. Giá như trên đường phố hàng ngày, cảnh sát giao thông nào cũng có năng lực nhìn nhận, phán xét các hành vi vi phạm và thân thiện với dân như vậy thì tốt biết mấy.

Xin được dẫn thêm một trường hợp xử phạt có văn hóa mà chính tôi được mắt thấy, tai nghe, với hi vọng để các cảnh sát giao thông có thể tham khảo: Sáng ngày 5/11 mới đây, tại điểm xử lý sai phạm ở phía Bắc hầm đèo Hải Vân thuộc Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, tôi được chứng kiến một cách xử lý vi phạm rất nhanh nhạy, hiệu quả của một công an giao thông. Sau khi công bố lỗi của người vi phạm, kèm theo lời giải thích hậu quả tuy ngắn gọn nhưng đầy sức thuyết phục, người CA này đưa biên bản cho bên vi phạm đọc, với một thái độ hết sức thân mật, kèm theo lời dặn dò: “ Lần sau anh (chị) cố gắng đi cho cẩn thận nhé. Kẻo lỡ xảy ra sự cố thì không chỉ khổ cho anh (chị) mà khổ cho cả chúng tôi nữa đấy”.

Hầu hết những người ký vào biên bản đều cầm biên lai xử phạt rồi chào công an viên cẩn thận trước khi lên xe đi tiếp, chứ không cãi qua, cãi lại”. Duy có một người phụ nữ khoảng trên dưới sáu mươi tuổi trông rất khắc khổ nán ngồi lại chờ đợi hết lượt xử lý vi phạm rồi mới đứng lên trình bày hoàn cảnh. Tôi thấy người công an tỏ ra chăm chú lắng nghe, hỏi han thêm một vài chi tiết khác, rồi cho người phụ nữ này đi, kèm theo lời nhắc nhở: “Đây là lần đầu chứ đừng vi phạm lần thứ hai chị nhé!”. Là một trong những người bị phạm luật “không cố ý” hôm đó, tôi cũng như nhiều người khác đã chấp nhận đóng tiền phạt (mức độ vừa phải) với một thái độ hài lòng trước thái độ thân thiện của người công an mà chúng tôi chỉ kịp đọc được dòng tên “Nguyễn Ninh” trên phù hiệu đính nơi ngực áo.

Thế mới biết ở bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, văn hóa ứng xử cũng đóng vai trò quan trọng. Người tham gia giao thông phạm lỗi không thể bị đánh đồng với tội phạm, nên việc xử phạt đối với họ cũng chỉ là một kiểu xử phạt hành chính trong cuộc sống đời thường, hướng tới những hành vi có tính chuẩn mực trong xã hội. Thiết nghĩ, nếu ngành công an tăng cường việc tổ chức học tập văn hóa xử phạt trong đội ngũ, song song với triển khai thực hiện Luật bổ sung, sửa đổi của Chính phủ thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao của xã hội.  

 N.T.T.H

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ