Ngay những ngày đầu tháng 1/2024, lực lượng chức năng các địa phương phát hiện, xử lý nhiều vụ gian lận thương mại, hàng cấm quy mô lớn.
Vẫn “nóng” buôn lậu pháo hoa
Ngày 17/1, Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) thông tin, đơn vị vừa phối hợp Đoàn liên ngành 389 quận Hà Đông phát hiện chiếc xe tải đang bốc dỡ 153 thùng hàng, bên trong có 1,8 tấn pháo hoa do nước ngoài sản xuất.
Trước đó, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an quận Hà Đông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực đường Nguyễn Văn Trác (phường La Khê) phát hiện một xe tải đang bốc xếp hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn.
Tiến hành kiểm tra, lái xe cho biết sáng 14/1 được một người, không rõ nhân thân, thuê chở 153 thùng hàng carton dán kín, từ gầm cầu vượt đường 5 (huyện Gia Lâm) đến khu vực phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội với tiền phí vận chuyển là 600 nghìn đồng.
Công an quận Hà Đông đã phối hợp Đoàn liên ngành 389 quận Hà Đông kiểm tra, lập biên bản tạm giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là 153 thùng carton. Qua kiểm tra, bên trong các thùng carton chứa 18.360 quả pháo hoa do nước ngoài sản xuất, có tổng khối lượng là 1,8 tấn.
Tương tự vụ việc trên, Công an quận Hà Đông cũng vừa thu giữ 2.400 chai tinh dầu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc. Cụ thể, ngày 14/1, Tổ công tác của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Hà Đông phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 tiến hành kiểm tra địa chỉ kinh doanh tại khu nhà ở Sông Công (phường Hà Cầu).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh thuốc lá điện tử, không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Quá trình kiểm tra, tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ 2.400 chai tinh dầu thuốc lá điện tử đang bày bán, là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường, không có nguồn gốc, xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Tổng trị giá hàng hóa ước tính khoảng gần 300 triệu đồng. Hiện, Công an quận Hà Đông đang củng cố hồ sơ xử lý các vụ việc trên theo quy định.
Siết chặt quản lý hàng hóa, thực phẩm
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, ngày 16/1, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức giám sát buộc tiêu hủy hơn 300kg thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ là tang vật bị tịch thu do vi phạm hành chính.
Trước đó, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP Bắc Ninh) kiểm tra, phát hiện xe tải chở hơn 300kg thực phẩm không có thông tin nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu bốc mùi hôi thối gồm: 44kg trứng gà non; 64kg kê gà; gần 200kg nầm lợn… Tại thời điểm kiểm tra, chủ sở hữu hàng hóa không xuất trình được hóa đơn, chứng từ gì chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên.
Theo đó, toàn bộ số tang vật vi phạm trên đã bị Đội QLTT số 1 thu giữ, được chuyển đến tiêu hủy tại lò đốt rác thải của Nhà máy xử lý, tái chế chất thải dân dụng và công nghiệp - Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Công tác tiêu hủy được thực hiện công khai, đảm bảo an toàn vệ sinh và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán tới, lực lượng QLTT tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ người dân và tại các địa bàn trọng điểm. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, quyền lợi kinh doanh của các doanh nghiệp và ổn định thị trường.
Báo cáo kết quả công tác QLTT trong năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu sử dụng một số phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, điển hình như không khai báo hoặc khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cũng cho biết, hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh; chủ yếu các mặt hàng như: Thuốc lá ngoại, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử...
Trong thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Báo cáo của Tổng cục QLTT cho thấy, cả năm 2023 lực lượng QLTT cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ, phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm. Thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%) so với năm 2022.
Theo Tổng cục Hải quan, dịp cuối năm 2023 và giáp Tết Nguyên đán năm 2024, tổng cục yêu cầu các đơn vị hải quan quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động, bảo đảm an ninh, bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách.
Đồng thời, chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.