Hãy hiểu HS
Với vai trò rất riêng trong môi trường học đường, ThS Linda Bloemberg cho biết, thời gian quan trọng nhất đối với công việc của cô là 20 phút trước khi vào giờ học đầu tiên để gặp gỡ, trò chuyện, giao tiếp với HS trong trường.
“Các giáo viên khác hỏi tại sao tôi không làm việc với giáo viên mà lại ngồi nói chuyện với HS? Đó là cách tôi xây dựng mối quan hệ với học trò, xây dựng niềm tin để các bạn sẵn sàng chia sẻ với mình những vấn đề trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, một trong những việc tôi làm là thiết kế kế hoạch để hỗ trợ học tập chuyên biệt cho một số HS.
Tôi gặp giáo viên định kì nhằm thảo luận về việc thầy trò đang dạy - học như thế nào, thảo luận về vấn đề với HS mà giáo viên lo ngại. Tôi cũng khảo sát mỗi tuần với HS xem các em có vấn đề gì không trong học tập, cuộc sống; theo dõi điểm số của HS, quan tâm các em thực hiện công việc liên quan đến học tập như thế nào?
Tôi đồng thời gặp Hiệu trưởng mỗi ngày để thảo luận các vấn đề khác nhau, có thể là vấn đề về HS đáng lo ngại, vấn đề liên quan đến giáo viên; cũng có thể là về thời gian biểu để cân bằng cuộc sống HS nhất có thể” - ThS Linda Bloemberg nói về công việc của mình.
Giáo viên khó có thể kiểm soát nếu sĩ số quá đông
Theo ThS Linda Bloemberg, những nghiên cứu về bạo lực học đường ở Mỹ có từ rất sớm. Ở Việt Nam, theo truyền thống, hầu như giáo viên bảo gì HS nghe nấy và có thói quen làm những gì mình được bảo; nhưng bây giờ các em bắt đầu đặt câu hỏi về việc đó. Khi ấy cũng là lúc hệ thống giáo dục cần đặt câu hỏi: Có vấn đề gì đang diễn ra ở đây? Nước Mỹ cũng từng như vậy nhiều năm về trước.
“Tôi không nghĩ nước Mỹ có cách giải quyết cho việc này. Mỗi thế hệ mới lại mang đến điều mới và có những câu hỏi riêng. Chúng ta phải liên tiếp tìm ra câu trả lời cho điều này. Việt Nam cũng vậy” - ThS Linda Bloemberg nêu quan điểm.
Trước một số hiện tượng đang diễn ra trong ngành Giáo dục, trong đó có việc giáo viên lúng túng khi xử lý tình huống sư phạm, đưa ra hình phạt không phù hợp, quan điểm của ThS Linda Bloemberg là: Khi chúng ta nói với giáo viên điều họ không thể làm, cũng cần đồng thời cho họ biết họ có thể làm gì. Không trang bị kĩ năng xử lý vấn đề, ta đang đưa giáo viên vào thế rất khó.
“Nhà tham vấn học đường có nhiệm vụ tập huấn giáo viên những kĩ năng họ có thể áp dụng ngay lập tức. Để trang bị cho giáo viên cách xử lý tình huống, có thể tập huấn họ cách quản lý lớp học.
Ngoài ra, một số yêu tố khác, như lớp học bắt buộc phải có sĩ số đúng theo quy định. Nếu sĩ số đông, đến 50 HS trên lớp thì các chương trình quản lý lớp học đều không áp dụng được; không thể kiểm soát được HS” - ThS Linda Bloemberg nhấn mạnh.
Cũng theo ThS Linda Bloemberg, tất cả các trường học đều yêu cầu phải có bộ quy tắc ứng xử. Ngoài ra, việc được quan tâm không phải là hình phạt thế nào mà là làm sao để HS có hành vi phù hợp, bên cạnh đó, các em có trách nhiệm với những gì mình làm. “Quan điểm của tham vấn học đường là giúp đỡ, bởi luôn có nguyên nhân ẩn sau những hành vi không phù hợp của học trò” - ThS Linda Bloemberg cho hay.