Theo Phó Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương, thời gian qua, Thanh tra Bộ đã kiểm tra 9 địa phương về thông tin "cả nhà làm quan" được báo chí nêu, trong đó phát hiện 58 người có quan hệ ruột thịt, họ hàng.
Cho đến nay, về cơ bản các cơ quan đã khắc phục những sai sót trong việc bổ nhiệm cán bộ, công chức theo kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra; đồng thời đã xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Riêng trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, khi bổ nhiệm chưa có nghiệp vụ chuyên viên chính. Tuy nhiên, trong giai đoạn bổ nhiệm, ông Phạm Sỹ Quý đã được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cử đi học lớp quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chính.
“Đến tháng 11/2016, đồng chí này đã được cấp chứng chỉ chuyên viên chính, đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã đáp ứng. Sai phạm thiếu chứng chỉ quản lý Nhà nước chuyên viên chính mà trong quá trình thanh tra chỉ ra đã khắc phục được”, ông Khương nói.
Cũng theo Phó Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan; Sở TN&MT, Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã yêu cầu thời gian tới khi bổ nhiệm các chức danh phải bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cũng thông tin thêm về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, gây bức xúc bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với nền công vụ.
Theo ông Thành cho biết, Bộ Nội vụ đã kiểm tra các vụ việc báo chí phản ánh, thanh tra công vụ tại 11 địa phương, đơn vị: Tỉnh Hà Giang, xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), tỉnh Bình Định, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ), Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), tỉnh Yên Bái, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP. Đà Nẵng, huyện An Dương (TP. Hải Phòng), huyện Kim Thành (Hải Dương).
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ phát hiện một số sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức. Bộ đã báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất kiến nghị khắc phục, xử lý những tồn tại, hạn chế, sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
“Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm chức vụ, chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp qua kiểm tra phát hiện sai phạm; kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết.
Thực hiện chức năng được giao và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã kiểm tra, thanh tra tại một số đơn vị như: Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa (có 8 Phó Giám đốc Sở), Sở TN&MT tỉnh Bình Định (có 6 Phó Giám đốc Sở), Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương (có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo), Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên (thừa 23 cấp phó).
Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương có phương án sắp xếp số lượng cấp phó bảo đảm đúng số lượng theo quy định và tổ chức kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định pháp luật.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng, thủ trưởng các ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ. Trước mắt tập trung vào công tác tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm; chủ động tiếp nhận, xem xét các thông tin liên quan được các phương tiện thông tin đại chúng và công dân phản ánh, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.
Liên quan đến việc Sở Nội vụ Hà Nội có tới 8 Phó Giám đốc, báo chí đặt câu hỏi Bộ Nội vụ đã cho kiểm tra chưa, phương hướng xử lý thế nào?
Ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức của Bộ Nội vụ cho biết, quan điểm của Bộ là cần phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật liên quan đến cấp phó.
“Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo sau 30/6/2017 không còn cơ quan, tổ chức nào có số lượng cấp phó vượt quy định, trừ trường hợp sáp nhập. Các địa phương sẽ phải có báo cáo trước 30/6 để Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo Chính phủ trước 30/7. Do đó chúng tôi vẫn đang đợi Hà Nội báo cáo phương án sắp xếp”, ông Long thông tin.
Liên quan sai phạm trong công tác cán bộ ở huyện An Dương (Hải Phòng) và huyện Kim Thành (Hải Dương), ông Trương Hải Long cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ đạo yêu cầu hai tỉnh rà soát, xem xét xử lý sai phạm. Được biết, ngay trong ngày 27/6, đại diện của Bộ Nội vụ đã xuống hai địa phương này trực tiếp đôn đốc thực hiện chỉ đạo.