Ngày 17/10, tại tỉnh Cà Mau, ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chủ trì hội nghị trực tuyến với một số tỉnh, thành ven biển về công tác IUU.
Tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước có hơn 84.700 tàu cá, trong đó tàu đã được đăng ký gần 75.400 tàu. Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 98,6%; đánh dấu tàu cá đạt 98%.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU đạt một số kết quả quan trọng, đã khởi tố 11 vụ hình sự; đang điều tra khởi tố 3 vụ.
Từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC đến nay, cả nước đã xử phạt hơn 3.500 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền hơn 98 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, xử phạt hơn 2.800 trường hợp với tổng số tiền trên 63 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh kết quả tích cực, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước còn xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tăng 12 tàu/16 ngư dân so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, lực lượng chức năng trong nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
“Tính đến nay, số tàu cá đăng ký được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mới chỉ đạt khoảng 89%; cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn mới đạt trên 74%.
Hiện cả nước còn hơn 9.300 tàu cá “3 không”; tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên. Phương tiện mất kết nối trên biển vẫn còn .
Hiện cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 40% hoạt động của tàu cá ra vào cảng; khoảng 30% sản lượng khai thác được giám sát qua cảng...”, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các địa phương, bộ, ngành liên quan, phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngư dân nhận thức rõ việc thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định không phải chỉ để tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) mà cốt lỗi là vì sự phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đảm bảo được lợi ích của nhân dân, đảm bảo sinh kế cho ngư dân.
Việc này cũng thực hiện theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng tồn tại của các địa phương trong công tác IUU hiện vẫn còn nhiều. Một số địa phương hiện chưa quản lý, kiểm soát được phương tiện, thiết bị, con người...Sự phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan còn chồng chéo, lúng túng... công tác xử lý vi phạm còn bộc lộ nhiều bất cập...
“Thời gian tới, tôi đề nghị các đơn vị, địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm những vấn đề cấp bách đã nêu trên trong khai thác IUU. Nghiêm túc quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Phối hợp tập trung xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” ngay trong tháng 11/2024; không để phương tiện không đăng ký tiếp tục hoạt động”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.
Trước đó, Đoàn Công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu cũng đã có buổi kiểm tra việc triển khai công tác IUU tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, (Cà Mau).
Tại đây, Phó Thủ tướng cũng thăm hỏi, động viên và tặng nhiều phần quà cho ngư dân, mong muốn ngư dân tiếp tục đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, tham gia tích cực vào công tác chống khai thác IUU, chung tay sớm tháo gỡ thẻ vàng EC.