Lão nông ở Cà Mau 2 lần được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc

GD&TĐ - Ông Nguyễn Hữu Ánh (quê Cà Mau) là một trong 63 nông dân cả nước vừa được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Ông Nguyễn Hữu Ánh 2 lần được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Ông Nguyễn Hữu Ánh 2 lần được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Đây là lần thứ 2, ông Ánh đạt danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc, lần đầu tiên ông nhận danh hiệu này vào năm 2017 trong Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam.

Bán 100 giạ lúa mua cá giống thử nghiệm

Ông Nguyễn Hữu Ánh (68 tuổi, ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau) có 24 năm gắn bó với mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng. Ông Ánh được xem là một trong những người tiên phong và thành công thực hiện mô hình này tại địa phương.

Ông Ánh kể, năm 1999, ông chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá bống tượng. Sau đó có một người cháu tên Sơn làm nghề lái cá từ Cà Mau đi TPHCM khuyên ông nên nuôi thêm cá chình, bởi người này biết đây là loài cá xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao.

Lúc đầu ông Ánh không dám thử, bởi thời điểm đó cá chình chưa được thả nuôi phổ biến tại địa phương, lo sợ không có đầu ra, với lại tiền con giống cá chình khá cao.

“Sau nhiều lần được cháu Sơn khuyên, tôi mới bàn và thuyết phục vợ nuôi thử nghiệm cá chình. Để có vốn thực hiện mô hình, vợ chồng tôi phải bán 100 giạ lúa mua 20kg cá giống, khoảng 3,5 triệu đồng, số tiền này thời điểm năm 1999 - 2000 giá trị rất lớn. Thả nuôi 18 tháng tôi thu hoạch vụ đó được 65 triệu, lợi nhuận rất cao”, ông Ánh chia sẻ.

chu-2-anh-7-5964.jpg
cau-lac-bo-nong-dan-ty-phu-vung-dat-mui-3-3260.jpg
Ông Nguyễn Hữu Ánh là một trong những người tiên phong thực hiện thành công mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng tại Cà Mau.

Sau thành công vụ cá chình đầu tiên, ông Nguyễn Hữu Ánh bắt đầu mở rộng mô hình nuôi song song 2 loại: Cá chình và cá bống tượng.

Sau nhiều năm thả nuôi thành công, từ một vài ao nuôi, đến nay ông Ánh mở rộng diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng lên 42 ao. Mỗi ao nuôi có diện tích gần 1.000m2, thả cá giống với mật độ khoảng 1.000 con/ao nuôi. Ông Ánh nuôi theo hình thức xen canh, thả giống tiếp vụ nên lúc nào cũng có cá lớn để bán.

Theo ông Ánh, cá bống tượng, cá chình rất dễ nuôi, ít dịch bệnh nên ít tốn tiền thuốc, thức ăn cho cá chủ yếu là các loại cá tạp, riêng ông sử dụng cá phi cắt nhỏ ra làm thức ăn cho cá.

“Cá nuôi tầm 1,5 năm thì có thể xuất bán. Để cá tăng nhanh về trọng lượng, hạn chế tỷ lệ hao hụt, người nuôi cá cần chú trọng xử lý thật kỹ nguồn nước từ khi đào ao nuôi đến khi thả con giống, chọn mua con giống đảm bảo sạch bệnh và khỏe mạnh.

Trong quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm tra mực nước, vệ sinh đáy ao và cho cá ăn đúng ngày. Người nuôi phải chịu khó sang ao khoảng 3 - 4 lần/vụ để cá phát triển tốt”, ông Ánh chia sẻ kinh nghiệm.

Trở thành tỷ phú nông dân

Lão nông Nguyễn Hữu Ánh chia sẻ, giai đoạn khó khăn nhất của ông trong quá trình nuôi 2 loài cá kể trên là thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19, giá cá sụt giảm, buộc ông phải thu hẹp diện tích, thả nuôi cầm chừng.

“Thời điểm đó rất khó khăn, cá nuôi không xuất được, nhiều hộ nuôi ở đây phải treo ao, chuyển sang các đối tượng thả nuôi khác. Mình gắn bó với loài cá này nên vẫn cố bám trụ vượt qua giai đoạn khó khăn” ông Ánh nhớ lại.

Hiện tại, giá cá chình, cá bống tượng đã ổn định trở lại. Lần xuất bán gần đây nhất, ông Ánh bán cá chình với giá từ 480 - 500 nghìn đồng/1 kg, cá bống tượng từ 580 - 600 nghìn đồng/1 kg, tùy kích cỡ.

chu-2-anh-1-4761.jpg
Ông Nguyễn Hữu Ánh (áo tay ngắn) cho cá ăn và theo dõi trọng lượng cá.
chu-2-anh-3-3308.jpg
Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành (áo tay dài) tham quan mô hình của ông Nguyễn Hữu Ánh.

Ông Ánh cho biết, doanh thu mỗi năm từ mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng của gia đình dao động từ 4 đến 5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm từ 60% đến 70%.

Hiện tại, ông Nguyễn Hữu Ánh là thành viên trong Câu lạc bộ nông dân tỷ phú xã Tân Thành, TP Cà Mau.

Mô hình nuôi cá chình, cá bóng tượng của gia đình hội viên nông dân Nguyễn Hữu Ánh hiện được xem điểm đến thực tập và nghiên cứu của nông dân các địa phương và các em sinh viên.

Điểm đáng quý ở lão nông Nguyễn Hữu Ánh là ông luôn tích cực giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn bằng cách hỗ trợ họ thực hiện mô hình, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, giúp họ vươn lên phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ông Ánh cũng tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội tại địa phương”, ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành nhận xét.

Với những thành tích đạt được, ông Nguyễn Hữu Ánh từng được Thủ tướng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2016.

Được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao Giấy Chứng nhận Nông dân Việt Nam xuất sắc các năm 2017, 2024; Giấy Chứng nhận đạt Danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn năm 2017-2022.

Ông Ánh cũng từng nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2022 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.