Xử lý kỷ luật kiểu "đánh bùn sang ao"

Xử lý kỷ luật kiểu "đánh bùn sang ao"

(GD&TĐ) - Thời gian vừa qua, dư luận người dân ở thành phố Đà Nẵng xôn xao về thông tin ông Dương Thành Thị, Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) bị phát hiện dùng bằng giả. Một số báo cũng đua nhau đưa tin về việc Chi bộ UBND quận Liên Chiểu ra quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Dương Thành Thị về hành vi sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả mạo. Xung quanh vụ việc này, chúng tôi thấy có một số vấn đề rất đáng phải bàn.

Trước hết, có thể kết luận rằng văn bằng của ông Chủ tịch quận Liên Chiểu là văn bằng giả hay không? Theo thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Thành Ủy Đà Nẵng trong giai đoạn từ năm 1986-1987, ông Dương Thành Thị có theo học chương trình THPT hệ bổ túc văn hóa tại Trường cấp III Nguyễn Trãi và được nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 12. Tuy nhiên sau đó, ông Dương Thành Thị không tham dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT nhưng vẫn được Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cấp bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc văn hóa vào ngày 25/7/1990 theo số 152/BTTH. Như vậy, trong trường hợp này, có thể thấy, văn bằng tốt nghiệp THPT mà ông Dương Thành Thị sử dụng là bằng thật chứ không phải bằng giả, chỉ có bản thân ông Thị là “học giả”. Nếu kết luận cho chính xác thì ông Dương Thành Thị đã sử dụng văn bằng không hợp pháp. Việc ông Dương Thành Thị không đi thi mà vẫn có bằng thì cho đến nay, không biết ông đã “phù phép” bằng cách nào. Lỗi trước hết thuộc về cơ quan chức năng đã cấp văn bằng thật cho ông.

Văn bản kỷ luật ông Dương Thành Thị
Văn bản kỷ luật ông Dương Thành Thị

Điều đáng phải lưu tâm ở đây rằng tại sao một hành vi được phát hiện là phạm luật không hề nhỏ mà ông Dương Thành Thị lại chỉ nhận hình thức kỷ luật khiển trách và chi bộ văn phòng UBND quận Liên Chiểu cũng chỉ đề nghị hình thức kỷ luật này (trong biên bản cuộc họp vào ngày 24/8/2011); vì theo quy định tại Chương II Mục I Điều 8 Nghị định Chính phủ số: 35/2005/NĐ – CP ngày 17/03/2005  thì hình thức kỷ luật khiển trách “áp dụng với cán bộ, công chức khi có hành vi vi phạm kỉ luật lần đầu, nhưng ở mức độ nhẹ”. Trong khi đã có khá nhiều đơn, thư khiếu tố ông Dương Thành Thị gửi lên UBKT Thành Ủy, UBND thành phố và một số cơ quan chức năng khác. Đặc biệt là vào năm 2007, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc con trai ông Dương Thành Thị (19 tuổi) được UBND Quận giao 3.700 m2 đất là bất hợp pháp và yêu cầu “UBND TP Đà Nẵng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan”. Thêm nữa, theo Thông tư 03/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm việc cấp phát sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp thì “Cán bộ, công chức làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nhưng chưa gây hậu quả thì bị kỷ luật cảnh cáo”. Và tại điều 5 của thông tư này còn quy định hình thức “kỷ luật cách chức với trường hợp cán bộ, công chức “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp đưa vào hồ sơ cá nhân để được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo”.

Vấn đề gây sự chú ý của dư luận ở đây không phải chỉ ở việc áp dụng hình thức kỷ luật chưa đúng đối với người sử dụng văn bằng không hợp pháp mà còn ở động thái xuê xoa của chi bộ văn phòng UBND quận Liên Chiểu.

Dư luận vẫn tin tưởng ở sự nghiêm minh của luật pháp và Đà Nẵng vẫn luôn được xem như thành phố hình mẫu bởi “năm không”. Vụ việc ông Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu không phải là hi hữu. Còn khá phổ biến những trường hợp ở nhiều địa phương khác, khi phát hiện cán bộ, công chức sử dụng bằng giả, cơ quan chủ quản chưa áp dụng hình thức kỷ luật thích đáng, thường là dừng ở mức độ khiển trách hay cảnh cáo, thậm chí còn dùng hình thức chuyển vị trí công tác để cho qua. Xử lý kỷ luật kiểu như thế mang tính chất “nửa vời”, gọi là có- hệ quả của thiếu dân chủ, bằng mặt mà không bằng lòng, làm chậm bước tiến chung, rất đáng phê phán và loại bỏ, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Nguyễn Huỳnh
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ