Kết quả khả quan
Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ, người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến vấn đề phát triển KTXH, vấn đề cạnh tranh nước lớn. Trong nước, chúng ta tổ chức nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng; trong đó có các kỳ họp của Trung ương và Quốc hội. Đặc biệt, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa được Quốc hội thống nhất cao bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại phiên họp, Chính phủ tập đã tập trung thảo luận về tình hình KTXH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi, phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; giải ngân vốn đầu tư công; thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường và thúc đẩy xuất khẩu; dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và một số nội dung quan trọng khác.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình KTXH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 nhìn chung tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo - Ảnh: VGP. |
Tháo gỡ khó khăn
Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt là khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi, tạo ra áp lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các bộ ngành, địa phương cần chủ động phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động triển khai các công việc trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc.
Chủ động giải quyết các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các vướng mắc về pháp lý với tinh thần: đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể; chủ động, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh, những vấn đề mới.
Thực hiện chính sách tiền tệ, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, trước hết là tập trung cho công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, đi trước một bước và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ hoạch vốn ngân sách năm 2023, quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, làm tổ công tác chuẩn bị đầu tư, tăng cường hoạt động của 6 tổ công tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Đồng thời, tập trung rà soát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng quy định nhưng không ách tắc.
Mặt khác, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; trước các vướng mắc thực tiễn, các vấn đề mà cuộc sống đặt ra thì phải ưu tiên giải quyết ngay. Rà soát, có giải pháp phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản.
Cùng với đó, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Chăm lo đời sống nhân dân theo tinh thần không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, nâng cao đời sống cả vật chất và tinh thần để người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc. Theo dõi sát, kịp thời có giải pháp đảm bảo kết nối cung cầu lao động, phát triển thị trường lao động an toàn, lành mạnh, hiệu quả hội nhập.
Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, đẩy mạnh hội nhập và đối ngoại.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, chú ý đấu tranh quyết liệt, phản bác thông bác thông tin xấu độc, thông tin giả, chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Bên cạnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan, Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.
Tập trung thực hiện tốt 5 công tác: Quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.