Nhiều phụ huynh và học sinh vẫn coi việc học nghề là con đường dành cho những người không đủ điểm số vào đại học, hoặc chỉ dành cho những ai không có "tham vọng” về tương lai. Trong những năm gần đây, nhận thức này đã thay đổi rõ rệt.
Em Vũ Xuân Bắc (tổ 6, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái), học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh vừa hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, khối C, đạt 22,5 điểm. Với số điểm này, Bắc đã có quyết định theo học ngành điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Yên Bái.
Bắc chia sẻ: "Có nhiều lý do để em theo học nghề thay vì học đại học. Đó là gần nhà, chi phí thấp và đặc biệt là em có biết được thông tin nhiều công ty nước ngoài tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp điều dưỡng ở Việt Nam ra các nước như Nhật, Đức… vừa đi làm có thu nhập lại có cơ hội được học tiếp”.
Em cho biết thêm, nhiều bạn bè và người thân ban đầu rất ngạc nhiên khi biết lựa chọn của em. Tuy nhiên, khi họ thấy được triển vọng nghề nghiệp mà em đang hướng tới thì đã dần thay đổi suy nghĩ và ủng hộ quyết định này.
Còn em Bùi Ngọc Bích (thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên) học viên Trung tâm GDTX tỉnh cũng hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm số khá cao, có thể đỗ được vào nhiều trường đại học. Em có mong muốn được theo học chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Song với hoàn cảnh kinh tế gia đình, em tạm gác lại mơ ước để theo học ngành kế toán tại Trường Cao đẳng Nghề tỉnh. Bích chia sẻ: "Em xác định ước mơ nhưng cũng phải phù hợp với hoàn cảnh nhà mình. Em quyết định theo học ngành kế toán ở Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái vừa gần nhà, chi phí thấp lại cũng có thể sau này nuôi tiếp ước mơ khi có điều kiện".
Số lượng học sinh đăng ký vào học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề tại Yên Bái đang ngày càng tăng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường cũng đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo; phương thức đào tạo được tổ chức linh hoạt theo từng cấp, trình độ…
Em Nguyễn Văn Chính (thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái) cũng vừa đỗ tốt nghiệp THPT với tổng điểm đạt loại Khá. Trong quá trình theo học tại Trung tâm GDTX tỉnh, Chính cùng các bạn vừa học các môn văn hóa, vừa được học nghề. Em lựa chọn nghề pha chế đồ uống với dự định sau này mở một quán cà phê độc đáo.
Chính chia sẻ: "Em chọn nghề pha chế đồ uống vì em nhận thấy sự phát triển của nghề này tại Yên Bái ngày càng cao. Nếu không tự mở được quán thì có thể đi làm thuê với mức lương khá và ổn định. Hiện nay, em đang làm việc tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái. Kế hoạch của em là làm việc để tự nuôi bản thân, tích lũy tài chính, học tập được cách quản lý của nhà hàng và sau vài năm em có thể tách riêng mở một quán cà phê độc đáo”.
Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tăng dần. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Nhiều lao động sau khi học nghề được giới thiệu và đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, một số đã tham gia xuất khẩu lao động.
Thực tế, nhu cầu về lao động có tay nghề tại Yên Bái cũng như các tỉnh, thành hiện vượt xa nguồn cung. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tích cực tìm kiếm lao động có tay nghề tại Yên Bái để đi xuất khẩu lao động.
Các cơ sở đào tạo nghề tại Yên Bái đã bắt kịp xu thế, nỗ lực mở rộng quy mô, tăng cường chất lượng đào tạo nghề. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đang có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút nhiều người lao động tham gia học nghề.