Yên Bái mong sớm ban hành tài liệu, SGK đối với các lớp xoá mù chữ giai đoạn 2

GD&TĐ - Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đến phát triển giáo dục - đào tạo theo đúng quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tham dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 -2025 tại điểm cầu Yên Bái.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tham dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 -2025 tại điểm cầu Yên Bái.

Ngày 19/8, ngành giáo dục Yên Bái tham dự trực tuyến Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bà Tô Thị Ánh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, cơ sở giáo dục địa phương tham dự.

Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết, năm học vừa qua đã có những chính sách riêng của tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt quan tâm đến chính sách cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mạng lưới trường, lớp học, quy mô giáo dục tiếp tục được rà soát, sắp xếp hợp lý, nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và phù hợp với thực tiễn địa phương.

Chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non, học sinh phổ thông tăng. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non luôn được chú trọng.

DSC_0902.JPG
Các đại biểu tại điểm cầu Yên Bái.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đưa vào Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm để giao chỉ tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố và ngành Giáo dục và Đào tạo. Yên Bái tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục ở các cấp học, tỷ lệ người mù chữ giảm rõ rệt do đã tổ chức được nhiều lớp xóa mù chữ và từng bước kiềm chế được tình trạng học sinh bỏ học.

Giáo dục mũi nhọn có nhiều bứt phá. Số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia tăng. Học sinh tỉnh Yên Bái dự thi học sinh giỏi Quốc gia đoạt 40 giải. Tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, ý tưởng khởi nghiệp đạt kết quả cao: lần đầu tiên tỉnh có 2 dự án tham dự đều đoạt giải Nhì tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia; 2 dự án đoạt giải tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp Quốc gia” trong đó có 1 dự án đoạt giải Nhì và 1 dự án đoạt giải Ba.

Công tác phân luồng được quan tâm: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông lần đầu tiên đạt hơn 60%, vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 28%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 47,4%, vào học đại học đạt 32,1%.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện công bằng trong giáo dục, từng bước rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Tuy là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng công tác chuyển đổi số được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Yên Bái đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có xây dựng mô hình chuyển đổi số trong trường học với 10 tiêu chí cụ thể. Đến nay 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tham gia mô hình, 234 trường đạt tiêu chí trường học chuyển đổi số.

Một điểm nhấn nổi bật của tỉnh đó là đưa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã cụ thể hóa bằng việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” với 3 giá trị cốt lõi: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, xây dựng “Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện”. Kết thúc năm học 2023-2024, có 400 cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chí trường học hạnh phúc.

Tuy nhiên, điều kiện cho triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Yên Bái còn nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên còn thiếu, nguồn tuyển giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật chưa đảm bảo.

Đối với các môn học tích hợp cấp trung học cơ sở chưa có giáo viên đáp ứng yêu cầu, vẫn phải bố trí giáo viên các môn hiện tại để giảng dạy theo phân môn. Việc phát triển giáo dục ngoài công lập còn hạn chế, Yên Bái chưa có trường quốc tế, trường chất lượng cao.

Yên Bái mong muốn, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng đồng bộ, hiện đại. Sớm ban hành Nghị định để thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tổng thể về đào tạo giáo viên, quan tâm đào tạo các môn học mới, môn học tích hợp, đáp ứng nhu cầu về nguồn tuyển giáo viên trong thời gian tới của toàn quốc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.

Quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý thông tin phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, đảm bảo thông suốt, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2021-2025.

Sớm ban hành tài liệu, sách giáo khoa đối với các lớp xoá mù chữ giai đoạn 2 theo chương trình mới ban hành kèm theo Thông tư 33/2021/TT-BGDĐT để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác soạn giảng của giáo viên và học tập của học viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ