Xót xa trẻ nhiễm HIV do… bú sữa dì

Số người nhiễm HIV mà các cơ quan chức năng ở Sơn La thống kê được là 10.435 trường hợp, trong đó hiện còn sống là 7.722 người, số người đã tử vong là 2.713 người.

Xót xa trẻ nhiễm HIV do… bú sữa dì

Số ca nhiễm HIV phát hiện mới hàng năm trung bình khoảng 600 người. Với những con số đáng báo động trên, tỉnh Sơn La đang nỗ lực tìm cách đẩy lùi và ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều gian nan, thách thức…

Xót xa trẻ nhiễm HIV do… bú sữa dì - 1

Người dân đang được tư vấn về việc phòng, chống nhiễm HIV/AIDS tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La. Ảnh N.Mai

Nhiễm HIV khi nào không hay!

Trong chuyến thực địa về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Sơn La, chúng tôi đã có dịp hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả mà ngành Y tế tỉnh biên giới vùng cao này đang gặp phải.

Xã vùng sâu Chiềng Lao là một trong những địa phương nghèo nhất trong huyện Mường La. Tại đây, 70% số dân là bà con dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Song song với đó, số người nghiện chích ma túy, mại dâm và nhiễm HIV/AIDS cũng đang ở ngưỡng “giật mình”. Số người nhiễm HIV trên địa bàn là 148 trường hợp, trong đó 40 người đã tử vong do AIDS.

Trong căn nhà nhỏ xập xệ tại bản Nà Nong, chúng tôi gặp bà Vì Thị Um (61 tuổi). Chồng bà đã qua đời vì AIDS 20 năm trước. Cậu con trai cả cũng bỏ mẹ để theo người cha quá cố cách đây vài năm vì “ết”. Bản thân người phụ nữ này cũng mới được phát hiện bị HIV năm 2013 và bắt đầu được điều trị ARV từ năm 2014. Nếu không có lần đi khám bệnh trên bệnh viện tỉnh, có lẽ bà Um cũng sẽ sớm bị “căn bệnh thế kỷ” đốn gục như chồng và con trai. Điều đáng nói, khi được hỏi về nguyên nhân mắc bệnh, người đàn bà này không hề lý giải được tại sao mình lại nhiễm HIV và nhiễm từ khi nào!?

Tình trạng bệnh nhân như bà Um không phải là hiếm tại Sơn La. Không những thế, nhiều trường hợp, chính do sự chủ quan, vô tình đã khiến nhiều người khác bị nhiễm HIV “oan”. Bác sỹ Tòng Văn Sử - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, Sơn La) cho biết, trong số 10 trẻ em bị nhiễm HIV đang được điều trị tại bệnh viện, có một em bé tại Bản Két (xã Tạ Bú, Mường La) bị nhiễm HIV do bú sữa của dì ruột bị nhiễm HIV. Theo bác sĩ Tòng Văn Sử, trường hợp này được phát hiện cách đây 4 năm. Em bé được sinh ra hoàn toàn bình thường, bố mẹ khỏe mạnh, không hề bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, do người dì của em lại mắc HIV mà không biết nên đã cho cháu bú sữa trong khi mẹ cháu đi làm vắng nhà. Đến khi cháu bé bị ốm vào viện điều trị thì mới phát hiện dương tính với virus HIV. Khi ấy, chính người dì cũng mới biết mình đã mắc “căn bệnh thế kỷ” từ khi nào không hay?!

Không chỉ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên (huyện Mộc Châu, Sơn La) cũng đang tiến hành xét nghiệm cho 2 em bé 9 tháng và 17 tháng tuổi (tại thị trấn Mộc Châu) nghi bị nhiễm HIV. Theo thông tin từ bệnh viện, 2 cháu bé này có quan hệ chú – cháu. Một bé là con của người phụ nữ bị HIV, bé còn lại là cháu nội của người đàn bà này. Chỉ vì không biết tình trạng bệnh của mình, bà nội đã vô tình cho cháu bú sữa khi cháu đói. Hiện, cả 2 em bé đang chờ kết quả xét nghiệm từ phía bệnh viện.

Căng mình phòng, chống dịch

Xót xa trẻ nhiễm HIV do… bú sữa dì - 2

Người nghiện ma túy đang được uống Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Mường La. Ảnh N.Mai

Thừa nhận những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS trên đia bàn tỉnh Sơn La, ông Đàm Văn Hưởng – Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, dịch HIV/AIDS không chỉ tập trung ở các khu vực thành thị mà đã và đang có xu hướng lan rộng ra các khu vực giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp gắn liền với tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy cao đặc biệt là ở khu vực biên giới.

Ông Đàm Văn Hưởng thông tin: “Hiện nay, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sơn La gặp rất nhiều khó khăn. Ngành Y tế Sơn La đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trước khi kết hôn nên đến cơ sở y tế để khám sức khỏe và làm các xét nghiệm. Tuy nhiên, ý thức tự giác của người dân còn chưa cao. Nhiều trường hợp khi phát hiện bị nhiễm thì đã quá muộn và là một trong những nguyên nhân khiến HIV/AIDS lây lan nhanh. Hơn nữa, nguồn nhân lực để quản lý số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn quá mỏng, khiến công tác phòng, chống dịch cũng bị hạn chế".

Hiện nay, trên địa bàn Sơn La đang tiến hành điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. 12/12 huyện/thành phố đang triển khai với tổng số người nghiện ma túy được điều trị là 994/6.000 trường hợp. Công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS được duy trì và củng cố. 9/12 huyện đã có phòng khám ngoại trú. Số bệnh nhân đang được điều trị ARV là 3.104 trường hợp.

Anh Lường Văn Nguyên (35 tuổi, bản Nà Nong, Chiềng Lao), một trong những người nhiễm HIV đang vượt mọi khó khăn để đi điều trị bệnh. Anh Nguyên cho biết, do không hiểu biết về ma túy nên anh đã có thời gian sử dụng chất gây nghiện này và dùng chung bơm kim tiêm với vài người khác. Đó có thể là lý do khiến anh mắc bệnh.

Từ khi phát hiện mình bị HIV và lây sang vợ, anh Nguyên rất hối hận. Anh đã quyết tâm đi điều trị bằng việc hàng ngày vượt quãng đường gần 60km vừa đi vừa về để lên Trung tâm Y tế huyện Mường La để uống Methadone. Bên cạnh đó, anh Nguyên vẫn uống thuốc ARV đều đặn hàng ngày ở nhà.

“Lên huyện để uống Methadone rất tốt nhưng cũng tốn rất nhiều thời gian và tiền của. Tôi mất nửa ngày để đi xe lên huyện kèm theo 20.000 đồng tiền đổ xăng mỗi lần. Do vậy, tôi chỉ còn nửa ngày để đi làm, kiếm tiền nuôi con nhỏ. Chưa kể đến những hôm trời mưa gió, đường lầy lội, đi lại rất bất tiện. Nếu có thể chuyển cơ sở điều trị bằng Methadone về dưới Trạm Y tế xã thì những người nhiễm HIV như tôi và những người nhiễm khác sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Tôi có thêm thời gian để đi làm và kiếm thêm thu nhập. Giờ tôi chỉ mong Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để tôi có thể chữa được bệnh và làm lại cuộc đời”, anh Lường Văn Nguyên tâm sự.

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La, tính đến 15/10/2015, số người nhiễm HIV còn sống là 7.722 người, số người đã tử vong là 2.713 người, lũy tích toàn tỉnh có 10.435 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 6.167 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Riêng 10 tháng đầu năm 2015, tổng số người nhiễm HIV phát hiện mới là 405 người, chuyển sang giai đoạn AIDS 525 người, số tử vong do AIDS là 110 người. Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ mắc mới HIV chủ yếu ở lứa tuổi 20-39 (chiếm 73,09%); trên 40 tuổi là 19,26% và 7,65% số ca mắc ở trẻ em. Trong đó, nữ giới mắc HIV chiếm 42,47%. Đặc biệt, số phát hiện mới nhiễm HIV là phụ nữ và trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo ước tính, đến năm 2020, số phụ nữ mắc HIV chiếm 55% và ở trẻ em tăng lên khoảng 11%.

Theo Eva

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.