Chiều tan tầm trên con phố nhỏ, tôi vẫn như bao ngày đón con từ nhà trẻ trở về. Con gái bé bỏng ngồi gọn trong thùng xe chở ve chai, vừa nhìn ngắm thành phố lên đèn vừa ngọng nghịu hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Bố đâu rồi?”.
Nghe con hỏi tôi thấy tim đau nhói như có muôn ngàn mũi tên xuyên ngang. Về đến phòng, tôi ôm ngay con bé vào lòng, nước mắt giàn dụa. Tôi hôn lên mái tóc tơ, mượt mà của con bé, cố kìm nén không bật khóc thành tiếng. Tôi không biết phải trả lời con thế nào, khi chính bản thân không cũng biết rõ khi nào anh mới quay lại căn phòng trọ chật hẹp này để thăm mẹ con tôi.
Tôi vốn là một cô gái tật nguyền, cái nghèo lại đeo bám nên chưa từng dám mơ đến một gia đình hạnh phúc. Suốt bao năm qua, tôi luôn sống khép kín, ít cười, ít nói và làm bạn với cô đơn.
Rồi một ngày, cô đơn đã trở thành nỗi sợ hãi, tôi chợt nảy sinh ý tưởng kiếm một đứa con để bầu bạn, để có một điểm tựa bám víu lúc tuổi già.
Lúc đầu tôi thấy ngại ngùng với suy nghĩ kỳ quặc ấy, nhưng niềm khao khát được làm mẹ đã thôi thúc tôi kiếm một đứa con. Tôi lục lại những mối quan hệ ít ỏi của mình. Và tôi nghĩ đến anh- người bạn thân nhất.
Anh cũng là người khuyết tật giống tôi nhưng anh may mắn hơn vì đã tìm được một người vợ phù hợp và xây dựng mái ấm gia đình. Dù lớn hơn tôi nhiều tuổi và rất hiểu tôi nhưng ban đầu khi nghe đề xuất kỳ quặc ấy, anh đã từ chối.
Nhưng sau bao lần thuyết phục, cuối cùng anh cũng đồng ý cho tôi một đứa con. Tôi hiểu anh đã phải rất trăn trở, day dứt khi phải giấu vợ, giấu con làm một “việc tốt” tày trời này. Đơn giản, bởi anh là một người đàn ông chung tình, không muốn làm vợ con buồn lòng.
Rồi tôi cũng mẹ tròn con vuông sau mấy tháng mang nặng đẻ đau. Tôi hạnh phúc nhìn đứa con kháu khỉnh, đáng yêu ngọ nguậy trong vòng tay. Anh đã đến thăm mẹ con tôi, mua cho con quần áo, đồ chơi và âu yếm con như một người bố thực thụ.
Tôi rất cảm kích trước hành động của anh. Tôi đã quen với sự quan tâm, che chở của anh và tự huyễn hoặc mình anh chính là người chồng thực sự.
Nhưng rồi những lần ghé thăm thưa dần. Cho đến giờ, đã hơn nửa năm trôi qua, tôi và con chưa được gặp anh. Con tôi nhớ bố, còn tôi thì vừa nhớ, vừa hụt hẫng khi nghĩ người "chồng" đã thực sự rời bỏ mình. Nhưng tôi biết anh không phải là của mẹ con tôi. Anh là chồng là cha của vợ con anh và tôi phải chấp nhận sự thật này.
Cho đến giờ, mỗi lần nhìn vào khuôn mặt ngây thơ của con, nghe những câu con hỏi như “Mẹ ơi, bố đâu rồi?” tôi vừa bối rối vừa đau xót. Sau này con gái lớn lên, biết sự thật này tôi phải làm sao. Một đứa trẻ không cha, có mẹ tật nguyền liệu có bị mọi người dè bỉu? Nghĩ đến những cảnh tượng đó, tôi thấy thương con bé hơn chính bản thân mình.
Tôi không biết phải làm sao để thoát khỏi nỗi lo lắng này. Phải chăng chính tôi tự làm khổ mình, làm khổ con bé. Khi con hỏi cha đâu, tôi chỉ biết khóc. Tôi tự trách mình khi sinh ra con nhưng lại không thể cho con nhận bố dù hai bố con chỉ cách nhau gần 3km.