Mấy ngày qua dân mạng liên tục chia sẻ thêng tin về người mẹ già đã hơn 85 tuổi nuôi cô con gái hơn 40 tật nguyền do di chứng bại não. Để rõ hơn về hoàn cảnh của cụ, PV báo Người đưa tin đã tìm về tận nhà thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức để thăm hỏi. Chẳng ngờ, cách đô thị phồn hoa hơn chục cây số vẫn còn những phận đời thương tâm tới như thế.
Hiện ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh cô gái ăn mặc rách rưới, cơ thể bốc mùi hôi thối ngồi trước căn nhà cũ nát. Giữa cái thời tiết lạnh cắt da cắt thịt của Hà Nội, cô gái ngồi co ro, quần xắn đến đầu gối.
Thấy chúng tôi cô gái cứ hét lên “Ùi…ùi…”, đầu lắc lư liên tục không thôi. Xung quanh cô ruồi nhặng bu đầy người. Nói rồi cô cứ thao láo nhìn vào trong căn nhà cũ kỹ, ẩm thấp. Tôi nhìn theo hướng đó, thấy cụ bà đã già mái tóc bạc phơ, thân hình tiều tụy đang lần mò từng mép giường để ra đón khách.
Trao đổi với phóng viên báo Người đưa tin, cụ Nguyễn Thị Ánh (85 tuổi) không giấu được những giọt nước mắt đau đớn, nghẹn lòng của tuổi già. |
Cụ Ánh là người Đắc Sở, lấy chồng về thôn Đào Nguyên hơn 50 năm qua. Chồng cụ vốn là người hiền lành, chăm chỉ lao động, nhưng có cuộc đời “không ai khổ bằng”. Cũng bởi số phận nghiệt ngã, không vợ chồng cụ một cuộc đời hạnh phúc. Đứa con lớn chào đời chưa được bao lâu thì đã bỏ vợ chồng cụ mà đi. Còn người con thứ 2 là cô Nguyễn Thị Hồng (46 tuổi), hiện đang sống với cụ thì bị “dở dở”. Ở làng ai cũng kêu là “con dở”, “con dại”.
Nói đến cô con gái, cụ Ánh không giấu nổi đau đớn “Nuôi nó vất vả lắm, từ khi sinh ra nó đã ốm yếu không nói được. Cho tới khi lên 8 sau những trận sốt kéo dài không dứt, vợ chồng tôi đã đưa con đi chạy chữa khắp trong Nam, ngoài Bắc, uống đủ các thứ thuốc Nam, Bắc, Đông y…nhưng mà vẫn không thể chữa nổi cho con bé. Bệnh tình nó ngày một nặng và giờ nó không còn biết gì nữa”.
Sau những trận ốm thập tử nhất sinh con gái cụ Ánh dù thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng lại sống cuộc đời cơ cực khi một tay tật nguyền, đầu óc không còn nhận thức được nữa. Ngày ngày, người ta vẫn chứng kiến cô Hồng ngớ ngẩn đầu trần, chân đất vừa đi vừa nói cười một mình. Quần áo hôi thối, bốc mùi khó chịu,… đi khắp nơi bới rác bẩn nhặt mang về.
Khổ lắm cô ơi! Nhiều hôm nó mang về cả một đống rác bẩn toàn ni lông, vỏ sữa,… để trong nhà. |
Cụ Ánh kể: “Khổ lắm cô ơi! Nhiều hôm nó mang về cả một đống rác bẩn toàn ni lông, vỏ sữa,… để trong nhà. Tôi mang vứt đi nó không cho cứ khóc đòi giữ lại. Tôi phải đợi khi nó ngủ say lén mang đi”.
Nói rồi cụ Ánh chỉ vào căn nhà lụp xúp, bốc mùi ẩm mốc, hôi thối. Cụ nói “Phòng mẹ con tôi ở đấy. Đây là rác bẩn hôm nay nó đi nhặt về. Tối tôi lại mang đi vứt. Hôm nào cũng thế. Nó cứ bỏ đi từ sang sớm, đi lung tung từ đầu làng tới cuối làng. Chiều chiều nó lại đi về đây với tôi. Nó ngớ ngẩn, dở dại, nhưng ít ra nó còn biết nó có mẹ, có nhà để mà đi về”.
Nói đến đây cụ lại khóc.
Căn phòng nhỏ lụp xụp bố mùi hôi thối là nơi sống của hai mẹ con cụ Ánh. Bên trong, rác bẩn cô Hồng mang về ngập cả đường đi lối lại. Có lần, cô Hồng còn dở dại đốt cháy căn phòng, khiến 2 mẹ con một phen hú vía. Sau hôm đấy, cụ Ánh phải cất kỹ bật lửa vì sợ cô lại lần nữa đốt cháy nhà thì không có nơi mà ở.
Bên trong, rác bẩn cô Hồng mang về ngập cả đường đi lối lại. |
“Có lần nó đi lạc tôi tìm mãi không thấy con. Nó đi miết thế hơn 1 năm sau người ta mới tìm về được cho tôi. Những ngày vắng nó tôi buồn muốn chết đi luôn, nhưng rồi nghĩ tới việc nó trở về không còn thấy mẹ, nó sẽ đau lòng lắm. Nó tuy dở dại, ngớ ngẩn nhưng biết mẹ, thương mẹ lắm. Ai cho hào bạc nào, nó cũng cất kín đưa về cho tôi”- cụ Ánh kể.
Ngày xưa khi cụ ông còn sống, còn có hai người chăm con. Nhưng từ ngày cụ ông mất, mỗi mình cụ Ánh phải lo toan hết. Khi xưa còn khỏe mạnh, mắt chưa mờ cụ vẫn một mình tần tảo bán mớ rau, con cá kiếm tiền nuôi con. Nhưng đã hơn 10 năm nay, cụ Ánh không còn sức gắng gượng nữa. Hai mẹ con cứ thế sống leo lắt qua ngày nhờ những đồng tiền trợ cấp của xã.
Tuy nhiên, với những đồng tiền ít ỏi ấy, cũng với sự hỗ trợ chút ít của bà con thôn xóm đâu có thấm tháp gì. Bởi ngày ngày cụ vẫn phải nuôi 2 miệng ăn. Cô con gái của cụ tuy không nhận thức được, nhưng sức ăn thì vẫn khỏe như một người bình thường.
Tuổi cao, cuộc đời toàn nỗi buồn đau, nhưng cụ Ánh vẫn không thôi hi vọng về bệnh tình của con. |
Có người hàng xóm kể: “Nhiều hôm tôi thấy mẹ con cụ Ánh còn nhịn ăn. Cũng bởi không có tiền mua, thương quá tôi cho cân gạo. Nhưng nếu cho mỗi cân gạo thì không nỡ, tôi đành cho cụ thêm lạng cá khô”.
Tuổi cao, cuộc đời toàn nỗi buồn đau, nhưng cụ Ánh vẫn không thôi hi vọng về bệnh tình của con. Cụ vẫn tin rằng nhiệm màu sẽ đến.
“Tôi vẫn cầu trời phật cho tôi được khỏe mạnh mà chăm cho nó. Cầu ông trời đừng mang nó đi đâu để tôi có mẹ có con. Tối tối lại ôm nó mà vỗ về. Tôi giờ không nhìn thấy gì, nó tật nguyền ít ra nó vẫn nhìn thấy đường mà dẫn mẹ đi đây, đi đó. Nó bệnh thế, tôi sao ghét bỏ nó được, tôi đuổi nó đi, ai sẽ chăm cho nó đây…”- cụ Ánh chia sẻ.
Cụ vẫn luôn trăn trở cụ chết đi rồi, ai sẽ chăm cho con. Cụ xót cụ tội cho đứa con “cũng một kiếp người nhưng sao nó khổ vậy”. |
Người mẹ ấy đã già, mắt không còn nhìn thấy cuộc đời nhưng vẫn dành hết tình yêu thương cho đứa con gái của mình. Cụ vẫn luôn trăn trở cụ chết đi rồi, ai sẽ chăm cho con. Cụ xót cụ tội cho đứa con “cũng một kiếp người nhưng sao nó khổ vậy”. Cụ nói rồi lại đưa tay gạt nước mắt nghĩ về tương lai mai này, cụ đi rồi con cụ sẽ sống ra sao đây?
|